Hữu Sự (VNTB)|
‘Ngạo nghễ’ tức tỏ ra không một chút sợ sệt.
‘Ngạo nghễ Việt Nam’ xứng đáng được xướng tên gọi để ghi nhớ sự kiện 17/2/1979. Sự kiện 600 ngàn quân Trung Quốc, tấn công các điểm thuộc phòng tuyến 6 tỉnh Biên giới Bắc Việt Nam.
Bắc Kinh, sử dụng lực lượng pháo binh để dọn chiến trường nhằm nghiền nát ý chí và tinh thần người Việt Nam theo mô thức ‘đánh nhanh, thắng gọn, dập tinh thần’.
Đáp trả, Lệnh Tổng động viên, ký số 29, đốc thúc hàng vạn quân cũ và mới đã nô nức đi lên chiến trường vùng cao, và nhiều trong số đó đã nằm lại nơi mà máu tươi thấm đất Mẹ để bảo vệ giá trị chủ quyền và tự tôn dân tộc.
Trong không khí hào hùng ‘đập tan chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh’, xuất hiện những quy tắc ngầm rất đời thường. Trong đó ‘không bắt tay và chào tạm biệt’ vì sợ tạm biệt rồi mãi mãi không về.
Điều đó cho thấy rằng, chiến tranh chưa bao giờ là trò đùa, nhưng người Việt không ngại cầm súng khi biên cương bị xâm phạm, làng mạc bị tàn phá, đồng bào bị sát hại.
Chiến tranh bảo vệ Biên giới chứng kiến sức nóng của bá quyền đầy ngang ngược của lũ ‘côn đồ Bắc Kinh’, và tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của hàng vạn chiến sĩ đồng bào. Sự kiện này ghi dấu ấn của những người con hiến dâng cả thanh xuân, tuổi trẻ, và hạnh phúc lứa đôi cho Đất mẹ Việt Nam. Chứng kiến những mối tình nam-nữ hoá thành bất tử từ Hạ sĩ Bùi Anh Lượng, Chiến sĩ công an biên phòng tại Đồn Pò Hèn cùng người yêu là Hoàng Thị Hồng Chiêm, hy sinh trên đỉnh Pò Hèn trong trận đánh trả giặc Trung Quốc xâm lược ngày 17/2/1979.
Chiến tranh Biên giới chứng kiến sự sống và cái chết đầy mong manh, chứng kiến cả sự sợ hãi cao độ, những người lính bật khóc và sự khắc nghiệt của cuộc chiến. Thế nhưng, tinh thần ‘sợ đéo gì bọn Tàu’ bởi sau lưng họ là quê hương, thôn làng và gia đình. Chính tinh thần huyết tử này đã giúp Việt Nam chặn đứng và đẩy lùi hàng vạn quân Trung Quốc vô nhân trên đầu chiến tuyến miền núi phía Bắc. Đập tan tâm địa thôn tính Việt Nam của chính quyền trung ương Bắc Kinh, chặt đứt sự kiêu ngạo, hung hăng và dã tâm của Đặng Tiểu Bình khi y vênh vang tuyên bố ‘dạy Việt Nam một bài học.’
Sức mạnh Việt Nam bắt nguồn từ bất khuất Việt Nam, thổi bùng bởi lòng yêu nước nồng nàn. Tinh thần đó hiện diện một cách tự nhiên, thoát ra khỏi những toan tính của chính trị.
Chúng ta dành phút suy niệm về cuộc chiến Biên giới, nhắc nhở nhau không ngừng về dã tâm Bắc Kinh, và tái khẳng định tính chính nghĩa – oai hùng của cuộc chiến tháng 02/1979. Cuộc chiến xứng đáng được coi là mốc son chói lọi nhất của chủ nghĩa anh hùng dân tộc Việt Nam, cuộc chiến phản vệ kế thừa từ tinh thần phản vệ của lịch sử ngàn năm cha ông, và cuộc chiến cướp đi những người con ưu tú nhất, dũng cảm nhất, và nhiệt huyết nhất của dân tộc.
Chúng ta, những người con đất Việt, cùng nhau gác bỏ thiên kiến thời cuộc, cùng ‘hội quân’ tại Vị Xuyên, ‘giỗ trận’ những chiến sĩ – đồng bào đã ngã xuống,… cùng nhau, chúng ta thắp lên ‘khói hương đoàn viên.’ Cùng nhau tiếp tục giữ gìn thông điệp ngầm trong mỗi tế bào người Việt, rằng: Vị Xuyên anh hùng! Việt Nam ngạo nghễ trước bất kỳ thủ đoạn, âm mưa nào của nhà nước (kẻ thù thường trực) phương Bắc./.