Gia đình bà Trần Thị Nga đã đến thành phố Atlanta, bang Georgia tối 10/1 giờ địa phương. Từ Atlanta, bà Trần Thị Nga dành cho đài Á Châu Tự Do buổi phỏng vấn sau đây:
Thanh Trúc: Chào mừng nhà hoạt động nhân quyền Trần Thị Nga và gia đình đã tới Hoa Kỳ bình an. Trước hết xin chị trình bày về chuyến đi của chị từ nhà tù ở Việt Nam sang Mỹ như thế nào?
Trần Thị Nga: “Tôi xin chào khán thính giả của đài. Tôi mới được ra khỏi nhà tù và đi đến Mỹ cùng với chồng và các con của tôi. Tôi bị bắt ngày 21 tháng Một năm 2017, bị giam ở trại tạm giam Hà Nam. Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Nam kết tội tôi 9 năm tù và 5 năm quản chế. Họ gán ghép cho tôi tội “tuyên truyền nhằm chống phá Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”.
“Sau một năm tại trại tạm giam tỉnh Hà Nam thì họ chuyển tôi đến trại giam Gia Trung tỉnh Gia Lai, cách nhà tôi hơn 1.000 cây số. Tôi bị giam ở đó từ ngày 27 tháng Hai năm 2018 cho tới ngày tôi được xuất cảnh sang Mỹ. Trước đó, ngày 27/12/2019, cán bộ trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai gọi tôi, đề nghị tôi điền vào hồ sơ làm hộ chiếu. Tới trưa ngày 9/1/2020 họ gọi tôi thu xếp quần áo đồ đạc mà không thông báo với tôi là đi đâu. Khi đó thì chồng và con tôi từ nhà ra sân bay làm thủ tục, còn tôi thì phía cơ quan công an làm thủ tục cho tôi lên máy bay theo diện đặc biệt và tôi là người cuối cùng lên máy bay”.
Thanh Trúc: Thưa chị Trần Thị Nga, trong thời gian bị giam ở Hà Nam và trong thời gian bị giam ở Gia Lai chị được đối xử như thế nào, có từng bị biệt giam không?
Trần Thị Nga: “Tôi từng bị biệt giam trong 5 ngày ở trại tạm giam Hà Nam vì lên tiếng phản đối hành vi mà phía cơ quan công an đã dùng bạo lực để lột quần áo của tôi ra. Tôi phản đối cơ quan công an bắt những người tù khác phải viết đơn tố cáo tôi theo ý của họ. Họ viết mẫu ra, bắt những người tù kia chép lại để tố cáo tôi. Bên phía công an, Tòa Án và Viện Kiểm Sát đã dùng những đơn tố cáo đó làm bằng chứng để kết tội tôi. Tôi phản đối thì công an dùng biện pháp biệt giam tôi, không cho mua đồ ăn, không cho thăm gặp gia đình, không được nhận đồ tiếp tế, không được dùng xà bông, dầu gội, kem đánh răng trong khoảng thời gian đó. Đó là cái hành vi mà trước giờ tôi chưa từng tưởng tượng được.”
Thanh Trúc: Đến ngày 10 tháng Một 2020 thì chị đến Atlanta, Georgia. Cảm tưởng của chị như thế nào?
Trần Thị Nga: ”Khi đến đất nước Hoa Kỳ điều đầu tiên tôi cảm thấy sự khác biệt là môi trường sống trong lành, cây cối rất nhiều, đặc biệt tình người của anh chị em Việt Nam tại hải ngoại, tại Mỹ, đã đón tiếp gia đình tôi rất chu đáo rất nhiệt tình. Đó là những người Việt Nam tại Mỹ mà trước kia tôi chưa từng biết đến, những người đã quan tâm, giúp đỡ, đồng hành cũng như vận động cho gia đình tôi được ngày đoàn tụ, bước chân đến nước Mỹ tự do này.”
Thanh Trúc: Chị Trần Thị Nga, cách đây nhiều năm chị từng đi lao động tại Đài Loan, từng có tiếng nói bênh vực những công nhân Việt gặp hoàn cảnh khó khăn như bị quỵt tiền lương hoặc bị bố trí việc làm không đúng hợp đồng. Trở về nước chị được biết đến như một nhà hoạt động bênh vực người lao động, dân oan đòi đất. Chị cũng là một trong những người đồng sáng lập Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam. Điều gì thúc đẩy một bà mẹ với 2 con nhỏ như chị dấn thân vào những việc nguy hiểm như vậy?
Trần Thị Nga: “Khi tôi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan và khi gặp nạn thì tôi được Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân &Cô Dâu Việt Nam của linh mục Nguyễn Văn Hùng giúp đỡ. Trong thời gian ở đó tôi nhìn thấy rất nhiều những lao động Việt Nam khác cũng gặp nạn giống tôi, cũng bị chính phủ Việt Nam bỏ rơi. Sự đồng cảm đó thúc đẩy tôi tự học hành, tìm hiểu về luật pháp để bảo vệ chính bản thân tôi và có khả năng dùng kiến thức, kinh nghiệm của mình để giúp đỡ những người lao động Việt Nam khác”.
“Về Việt Nam thì tôi lại gặp những người bị nạn như thế. Gia đình thân nhân người bị nạn nhờ tôi giúp đỡ thì tôi dùng tình cảm, kiến thức căn bản mình đã trải qua để giúp đỡ lại những người lao động. Chính vì những việc làm đó mà tôi bị chính phủ Việt Nam dùng lực lượng công an gây khó khăn đủ mặt với gia đìnyh tôi. Tôi hiểu được nỗi đau, nỗi khổ và sự vi phạm nhân quyền mà chính phủ dùng công an để chà đạp nhân phẩm, nhân quyền của người dân. Tôi đấu tranh chống lại cái sai, cái ác cái bất công để thúc đẩy nhân quyền cho cộng đồng người Việt tại Việt Nam. và gia đình thân . Vì đấy tôi lại bị chính phủ Việt Nam bắt bớ, nhét tôi vào tù với tôi danh tuyên truyền nhằm chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tôi và luật sư của tôi yêu cầu tòa cho tôi đối chất với những người tố cáo tôi thì tòa bác bỏ. Họ là những người như vậy đấy”.
Thanh Trúc: Trong khi chờ đợi một cuộc sống ổn định, chị ước ao làm được gì trong những ngày tới trên nước Mỹ này?
Trần Thị Nga: ”Sau 3 năm ngồi tù, bị cách ly với mọi thứ, bị tra tấn thể xác lẫn tinh thần thì hiện tại tôi cần một khoảng thời gian để vực lại tinh thần cũng như sức khỏe của bản thân. Đồng thời tôi cần dành thời gian để chăm sóc hai con vì chúng đã bị sốc nặng khi phải chứng kiến cảnh công an dùng bạo lực thế nào trong ngày họ bắt tôi. Tôi cần thời gian lấy lại tinh thần để có định hướng cho tương lai bản thân và gia đình rồi tiếp tục mới có khả năng để mà cống hiến những gì mình có thể cho xã hội, cho cộng đồng.”
Thanh Trúc: Thưa chị Trần Thị Nga, hiện tại trong nước vẫn còn nhiều tù nhân lương tâm, nhân quyền, những nhà hoạt động xã hội. Chị nghĩ mình có thể làm được gì cho những người đó?
Trần Thị Nga: “Tôi hy vọng mọi người tiếp tục đồng hành, lên tiếng, bảo vệ, giúp đỡ những tù nhân lương tâm hiện vẫn còn bị giam giữ tại các nhà tù ở bên Việt Nam giống như đã từng quan tâm giúp đỡ gia đình tôi. Hy vọng tất cả tù nhân lương tâm, tất cả những người đấu tranh còn bị giam ở Việt Nam sớm được trả tự do, không bị ép vào tù một cách vô cớ như hiện nay.”
Thanh Trúc: Chị đến Hoa Kỳ trong thời gian mà mọi người, đặc biệt cộng đồng Việt Nam ở đây chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Chị có muốn nhắn gởi hoặc chúc tụng gì ở đây?
Trần Thị Nga: “Nhân dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam sắp tới, tôi xin gỏi lời cảm ơn đến cộng đồng người Việt tại hải ngoại cùng cộng đồng người Việt tại Việt Nam, đã quan tâm giúp đỡ mẹ con tôi, gia đình tôi. Đặc biết những người đang quan tâm thúc đẩy vấn đề nhân phẩm nhân quyền được thực thi tại Việt Nam. Xin cảm ơn tất cả những người lên tiếng và đồng hành để tôi có được một ngày khỏi chốn ngục tù, để gia đình tôi đến được Hoa Kỳ là một đất nước tự do mà nhân quyền, Hiến Pháp, Pháp Luật không bị chà đạp.”
Xin cảm ơn chi Trần Thị Nga và chúc chị may mắn.
Thanh Trúc
Nguồn: RFA