Hàng nghìn tấn nông sản Việt đang bị ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Việt – Trung vẫn căng thẳng tại Bãi Tư Chính, khiến nhiều người lo ngại về chiêu bài “đánh vào kinh tế Việt Nam” của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Báo Vietnamnet hôm 18 tháng Mười, 2019, thống kê hiện đang có khoảng 500 xe container, tương đương hàng nghìn tấn nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, điểm giáp ranh giữa Lạng Sơn và Trung Quốc.
Hiện nay trung bình một ngày tối đa Trung Quốc chỉ thông quan 120-150 xe, so với trước đây là 300 xe/ngày. Lý do là “lực lượng chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát” đối với ôtô, kể cả xe không hàng lẫn có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh.
Trước đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại cửa khẩu Lào Cai. Cụ thể, hồi giữa tháng Tám cũng có hàng trăm container nông sản có nguồn gốc Việt Nam bị ùn tắc do bị phía Trung Quốc gây khó dễ bằng những thủ tục hành chính phức tạp.
Việc Trung Quốc đang tăng cường các rào cản kỹ thuật, hay siết nhập khẩu với hàng loạt mặt hàng nông sản là lời cảnh báo đối với chính quyền Việt Nam.
Cậy là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, thị trường lớn 1,4 tỷ dân, chiêu bài “đánh vào kinh tế” được Trung Quốc thường xuyên sử dụng khi xảy ra tranh chấp với các quốc gia láng giềng.
Hồi năm 2014, khi xảy ra tranh chấp lãnh hải quanh bãi cạn Scarborough với Philippines, Trung Quốc đã khởi động chiến dịch trừng phạt nhắm vào mặt hàng chuối. Đây là mặt hàng được đánh giá là dễ gây tổn thương lớn nhất cho nền kinh tế Philippines.
Chiêu bài “đánh vào kinh tế” cũng được áp dụng nhằm vào tập đoàn Lotte và các công ty Hàn Quốc, khi nước này cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD hồi năm 2017.
Một nạn nhân khác là Nhật Bản, khi xảy ra tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), Trung Quốc lập tức ngừng xuất khẩu mặt hàng đất hiếm, khiến ngành công nghệ cao của Nhật lâm vào tình trạng lao đao.
Quay trở lại vấn đề nông sản Việt Nam bị Trung Quốc siết nhập khẩu. Đây là minh chứng cho thực tế rằng việc làm ăn với Trung Quốc luôn chứa đựng những rủi ro khủng khiếp. Vì vậy Việt Nam cần những cải cách lớn để tránh lặp lại tình trạng này trong tương lai.
Đã đến lúc Việt Nam phải nâng cao chất lượng nông sản và áp dụng khoa học để hướng đến những thị trường mới, như: Úc, Mỹ, Nhật, Canada, Châu Âu,… Tránh việc “để tất cả trứng vào một rổ”.
Làm được như vậy vừa tránh rủi ro, lại vừa có thể nâng cao giá trị nông sản Việt. Từ đó thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nền nông nghiệp nước nhà.