Phản quốc là hành động chọn quyền lợi cá nhân hoặc quyền lợi nhóm lợi ích nhỏ mà bỏ rơi quyền lợi đất nước. Nó đơn giản là vậy. Ngược lại, những ai đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết, trên quyền lợi bản thân, trên cả nhóm lợi ích của mình, và thậm chí trên cả tính mạng của mình thì đó là người yêu nước chân chính. Với những người phản quốc, quyền lợi đất nước bao giờ cũng đem ra đặt lên bàn cân với quyền lợi cá nhân hoặc quyền lợi nhóm. Như vậy từ trong lòng những kẻ phản quốc thì tổ quốc là thứ có thể đem ra làm vật trao đổi.
Với tư thế là một nước nhược tiểu đứng bên cạnh một siêu cường hung hăng như Trung Cộng, thì tất yếu Việt Nam sẽ bị họ tìm cách xâm chiếm bằng cách này hay cách khác. Lúc đó ĐCS bị đặt giữa 2 lựa chọn: lựa chọn thứ nhất là vì quyền lợi quốc gia mà quyết không nhân nhượng với kẻ thù; lựa chọn thứ hai là chiều theo yêu sách của kẻ thù hy sinh quyền lợi đất nước.
Nếu ĐCS ngả về cách lựa chọn thứ nhất thì họ có lợi gì và bất lợi gì? Họ có 1 cái lợi, và 2 bất lợi. Cái lợi duy nhất đó là họ không cần phải đối phó với dân. Còn 2 cái bất lợi là ĐCS phải chống đỡ 2 mũi tấn công từ phía Trung Cộng: mũi thứ nhất là chiến tranh tình báo; mũi thứ hai là nguy cơ xảy ra xung đột quân quân sự. Nếu đứng về quyền lợi đất nước thì chiến tranh tình báo sẽ xảy ra thường trực, tuy không có tiếng súng nhưng nó đặt sinh mạng các nhà lãnh đạo luôn trong tình trạng bị đe dọa. Nếu xung đột quân sự thì tất nhiên nguy cơ ĐCS sẽ mất tất cả. Với bản chất hèn nhát ăn trong máu và coi quyền lợi của đảng trên quyền lợi quốc gia thì các lãnh đạo ĐCS không bao giờ chọn con đường này.
Nếu ĐCS ngả về lựa chọn thứ hai thì họ có lợi gì và bất lợi gì? Họ có 2 cái lợi và 1 bất lợi. Đó là ĐCS sẽ được yên ổn sống chung với kẻ thù đất nước và hoàn toàn không có chiến tranh tình báo nữa. Lực lượng tình báo của Trung Cộng lúc này không cần phải tìm cách tấn công lãnh đạo Việt Nam mà ngược lại, nó trở thành lực lượng bảo vệ cho những lãnh đạo thân Tàu. Và nếu bị Trung Cộng đe dọa quân sự thì đảng chỉ cần nhượng bộ là hết căng thẳng. Nếu chọn hướng này thì lãnh đạo được yên ổn không bị Trung Cộng đe dọa tính mạng và đảng cũng vững vàng trên ngai vàng cai trị đất nước. Cái bất lợi duy nhất là phải đối phó với nhân dân, việc này ĐCS tự tin làm được. Chính vì tính thiệt hơn chi li như vậy mà năm 1990 Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng mới sang Thành Đô “cầu hòa” nhằm bảo vệ đảng. Kết quả là từ đó đến nay, quyền lợi đất nước được đem ra hy sinh rất nhiều.
Nói tóm lại nếu lãnh đạo đất nước có tinh thần yêu nước họ đã dốc toàn bộ sức lực, trí tuệ và lòng dũng cảm để đối phó với ngoại bang rồi. Còn ngược lại, nếu lãnh đạo là kẻ phản quốc thì tất họ chỉ lo chăm chú nhìn xem dân nói gì về họ rồi tìm cách đối phó. Sau 3 tháng, Trung Cộng cho tàu thăm dò dầu khí lẫn tàu hộ vệ có vũ trang quần thảo nát vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng ông Nguyễn Phú Trọng không ứ lên 1 tiếng. Vậy ông ta đã làm gì? Trong 3 tháng đó, ông chả cần làm gì để đối phó với quân xâm lược cả, trong 3 tháng đó ông chỉ ẩn mình quan sát xem dân chửi ông những gì. Quả thật ông đã không chịu chịu nổi sự xỉa xói của nhân dân với thái độ hèn nhược của ông trước ngoại bang, và ông đã trồi mặt lên để thanh minh rằng “tao cũng yêu nước”.
Thực ra, kẻ đương thời Nguyễn Phú Trọng có phước hơn Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống. 2 nhân vật lịch sử kia bán nước khi trong tay không nắm quyền lực nên không có cơ hội vỗ ngực nói rằng “tao yêu nước”. Nhưng ông trọng thì khác, ông phản quốc nhưng lại nắm quyền lực trong tay nên ông có cơ hội để vỗ ngực “tao đây cũng yêu nước” trước toàn dân mà thôi. Ông Trọng đang dùng lý của kẻ mạnh để khẳng định lòng yêu nước của mình. Nhưng lịch sử rất công bằng, rồi đây lịch sử thời hậu CS sẽ đánh giá ông qua những ông đã làm chứ không phải bằng lời nói của ông về chính bản thân mình. Trong lịch sử, chưa có người yêu nước nào là kẻ khiếp nhược, và chắc chắn không có ngoại lệ nào với ông Trọng./.