- VietTrung’s blog – RFA
Câu chuyện Bãi Tư Chính rồi đây sẽ được các nhà làm sử ghi lại với nhiều pha gay cấn. Lúc ấy sẽ có sự phản chiếu phức hợp từ nhiều góc nhìn khác nhau: địa – chính trị với bang giao chính quốc – chư hầu, dầu khí với chiến lược nước lớn, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ – Trung… Tất cả đều liên đới, khiến những ai quan tâm đến thời cuộc sẽ phải thảng thốt: “Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc/ Sắc tài bao mà lại lắm truân chuyên”.
Ví đời dân tộc với Thuý Kiều có thể gây phản cảm[1]! Nhưng bao trùm lên tất cả là “tiếng kêu xé lòng” của thi nhân đối với tình cảnh bi thương của đất nước lâu nay. Việt Nam xét trên một số mặt, có thể tiến tới vạch xuất phát để tham gia vòng đua xếp loại cường quốc tầm trung (Xếp loại thôi, được hay không là chuyện khác). Ngày 11/6/2019, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã đăng tải bài viết với nhận định, Việt Nam đang đóng vai trò là cường quốc tầm trung bất đắc dĩ ở châu Á[2]. Nghịch lý chưa giải mã được là, tại sao đất nước có một vị trí quốc tế như thế mà bao đời nay vẫn luôn bị đe doạ về an ninh và phát triển? Đối đầu với Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính nằm ngay trong EEZ của Việt Nam càng cho thấy, cũng như các thế kỷ trước đây, ngày nay Việt Nam vẫn dễ bị “can dự” vào các cuộc “tranh bá đồ vương” ở khu vực cũng như toàn cầu.
Tại sao HD-8 rút khỏi Bãi Tư Chính?
Có nhiều giả thuyết, cũ và mới, giải thích đối đầu Trung – Việt tại khu vực Bãi Tư Chính từ đầu hè đến nay. Hãy bắt đầu bằng các lập luận gần đây nhất, vì nghe có vẻ mới và giật gân. Tuy nhiên cần thời gian, ít nhất là vài ba tuần tới, mới kiểm chứng được mức độ khả tín của các giả định này (hypothesis). Trung Quốc “quấy nhiễu” ở khu vực Bãi Tư Chính trước hết là để “quậy phá” việc nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ[3]. Giả thuyết này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng từ đấy để đi đến kết luận, nếu ông Trọng thôi không đi Mỹ, Trung Quốc sẽ hết “quấy rối” Việt Nam ở Bãi Tư Chính, thì có vẻ quá đơn giản. “Chiến dịch Bãi Tư Chính” năm nay của Trung Quốc không thể kết thúc một cách lãng xẹt như vậy, cho dù đẩy lùi sự xích lại gần nhau giữa Hà Nội và Washington vẫn luôn là một ưu tiên trong chiến lược của Bắc Kinh.
Nên nhớ trước khi “bắn pháo hiệu” cho các loại tàu tiến vào khu vực Bãi Tư Chính, Trung Quốc đã “khai hoả” mặt trận ngoại giao khá sớm. Hãy xem độ ma mãnh của trò ngoại giao kiểu Tàu, từ công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng cho đến hội thảo quốc tế “70 năm tiến trình hiện đại hoá xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc” ngay giữa lòng Hà Nội, ngày 24/9/2019 (Viện Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN cùng phối hợp với Đại Sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đồng tổ chức)! Cái thâm hiểm ở đây là, Bắc Kinh đã thao túng được một tầng lớp “hủ Marx” trong chính quyền Hà Nội tự ru ngủ mình, rồi “bơm ma tuý” vào xã hội Việt Nam, rằng ĐCSTQ và ĐCSVN vẫn tay nắm tay dưới ngọn cờ “bách chiến bách thắng” của chủ nghĩa xã hội! Thì đấy, tàu giặc vào ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất nước như chốn không người, mà vẫn “nâng bi”, vẫn “ôm chầm” lấy nó như vậy!
Cả hai guồng máy độc tài đã/đang thi nhau nghiền nát ý chí chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Vậy thì hà cớ gì lại tìm cách bắt bẻ một “liễu bồ” như cô Bùi Thị Thu Hiền từ Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông (cũng thuộc Viện Hàn lâm Khoa học) nhỡ “chót dại” đứng tên trong cái “Cooperative Research Report on Joint Development in the South China Sea: Incentives, Policies & Ways Forward”. Mặc dầu đọc hết những khuyến nghị về chính sách của cái hội thảo quốc tế từ đầu hè ấy (từ ngày 27/5/2019), ta cứ tưởng như là phát ngôn của chính phủ Trung Quốc vậy. Đặc biệt là khuyến nghị đề cập tới việc chấp thuận Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) là khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nên đồng ý đưa vào diện “khai thác chung” (?) Cô Thu Hiền chẳng “chệch hướng” so với đường lối chung của Viện Hàn lâm Khoa học là bao!
Do đó, trả lời câu hỏi “Tại sao ngày 23/9 HD-8 rút khỏi Bãi Tư Chính?” đơn giản chỉ là thế này: HD-8 rút ra rồi lại đẩy vào như chơi. Một khi đường lối chung đã vậy rồi thì tất cả chỉ là “diễn”. Vào hay ra cũng là “diễn”. Mà phải “diễn” thật khéo để khán giả đừng bức xúc. Khán giả mà bức xúc thì “rách việc” lắm. Chuyện kể hồi Cải cách ruộng đất (cũng thực hiện dưới sự chỉ đạo sát sao của các cố vấn Trung Quốc), trong một buổi chiếu phim tố cáo tội ác địa chủ, bộ đội đã không cầm được nước mắt, có anh đứng dậy chỉa súng lên “phông”, bắn nát cả màn ảnh, vì chí căm thù ngút trời! Rút kinh nghiệm, đảng ta và đảng Tàu ngày nay chỉ đạo từ Viện Hàn lâm đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), sao cho đừng nẩy nòi ra những “chú bộ đội” như hồi cải cách. Chả thế mà hội thảo về Bãi Tư Chính của Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển đã bị cản mũi kỳ đà dưới hình thức trì hoãn[4]!
Cuộc chiến vào hồi giáp lá cà
Một giả thiết khác vừa mới vừa cũ, đó là sự phối hợp giữa ngoài biển với trong đất liền phải nhịp nhàng sao cho có thể hỗ trợ tối đa “các đồng chí còn chưa bị lộ nằm trong đống rơm”. Số là thế này: cuộc chiến giành những chiếc ghế tại Đại hội 13 đang vào hồi đánh giáp lá cà. Nhưng chớ đơn giản hoá đây là trận đấu giữa nhưng người “thân Mỹ” và “thân Tàu”. Không chỉ có thế! Cuộc giáp la cà từ nay đến trước Đại hội 13 còn là cuộc so găng giữa những người cùng chiến tuyến, đều “thân quyền” và “thân tiền” như nhau. Họ chỉ đến từ những nhóm lợi ích khác nhau. Nếu “tình hữu nghị viễn vông” mà giúp họ có thêm tiền, thêm quyền và kiếm được nhiều tiền hơn, nhiều quyền hơn thì chẳng có sự khác nhau nào giữa Bộ Ngoại giao với Ban Tuyên giáo như Trung Quốc đang rao giảng[5]. Bộ Ngoại giao có những lần vạch mặt chỉ tên Tàu xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, thì cũng chỉ vì “vai diễn” của nó phải như thế.
Bằng chứng là từ Bộ Ngoại giao, chứ không phải trên Ban Tuyên giáo, đã gọi điện xuống cho báo VietNamNet (Tuần Việt Nam) yêu cầu phải dỡ bài của một vị đại sứ xuất sắc của mình, chỉ vì Nguyễn Trường Giang[6] đã ca ngợi chí khí quật cường, niềm tin mãnh liệt của dân tộc Việt Nam từ lịch sử xa xưa đến nay trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ cướp nước và tập đoàn bán nước. Truân chuyên của cuộc đời Kiều – hay của dân tộc Việt Nam – là cùng lúc phải chịu sự bức hại từ hai “gã bán tơ”: Mã Giám Sinh gốc Tàu và Mã Giám Sinh gốc Việt. Vì vậy, cản phá nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược, cũng như bào mòn xu hướng tiến bộ và dân chủ hoá mọi mặt xã hội Việt Nam là hai gọng kìm hiểm độc của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh, toa rập với tập đoàn toàn trị Hà Nội đang thi nhau tròng vào cổ người Việt trong nước.
Hẳn nhiên, trong các lớp lang của vỡ diễn về cuộc “đối đầu” Việt – Trung, từ nay cho đến Đại hội 13, sẽ được nhà cầm quyền hai nước chủ động “dán thêm” các nhãn mác khác nhau như: mâu thuẫn giữa trung tâm với ngoại vi trong cạnh tranh địa – chính trị, hoặc đối đầu nước lớn trước trật tự thế giới, đặc biệt là cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Nhưng rồi “lộng giả thành chân”, biết đâu trong quá trình tương tác giữa các nhãn mác ấy sẽ sinh ra những công lực ngoài ý muốn của giai cấp thống trị. Lúc ấy, tất cả chúng ta sẽ “quý cô Kiều như đời dân tộc/ chữ kiên trinh vượt trăm sóng Tiền Đường/ chàng Kim đã đến tìm, lau giọt khóc/ và lò trầm đêm ấy tỏa bay hương”[7]. Liệu một Kim Trọng từ bên kia Đại Tây Dương có kịp đến để cứu Thuý Kiều như trong “Đoạn trường tân thanh” (Tiếng kêu xé ruột) ấy hay không, đợi hồi sau sẽ rõ./.
[2] https://www.bangkokpost.com/opinion/opinion/1692984/vietnam-plays-role-of-reluctant-asian-middle-power
[4] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49802994 Tàu HD-8 rút đi, VN hoãn hội thảo về Bãi Tư Chính
[5] Tình hình Biển Đông gần đây, Tạp chí “Tri thức Thế giới”, số19/2019, TLTKĐB của TTXVN ngày 25/9
[6] https://www.youtube.com/watch? Bài bị gỡ: “Không thể để mất Biển, mất Bãi Tư Chính được”.