(Ghi bên bàn cà phê buổi sớm cuối tuần ở chợ Thiếc, quận 11, Sài Gòn)
“Thật ra Đại học không phải là Trường Đại học. Đại học không thể xuất hiện ở trong trường đại học và cũng không thể xuất hiện ở ngoài trường đại học, nó phải xuất hiện ở trong trường đại học, đồng thời không phải trong trường đại học”.
“Nói như vầy cho dễ hiểu. Đại học là cái trứng gà, Trường Đại học là con gà. Nếu cái trứng có trước con gà thì Đại học là đúng vì Đại học nở ra Trường Đại học, nếu con gà có trước cái trứng thì Trường Đại học là đúng vì Trường Đại học đẻ ra Đại học. Nếu… Nếu… Bạn nào có địa chỉ bác sĩ tâm thần nào mát tay, cho tôi ngay, tôi điên rồi!”. Một đồng nghiệp cũ ở báo Tuổi Trẻ, chia sẻ với bè bạn của người viết ở cà phê sớm tại chợ Thiếc, Sài Gòn.
Vậy thì tại sao có bằng tốt nghiệp đại học, mà lại không có bằng tốt nghiệp trường đại học? Đúng là quá rối rắm.
Ngôn ngữ mang tính mặc định xã hội, Đại học Y Dược là khái niệm ai cũng hiểu đồng thời cũng là thương hiệu danh giá. Thế nhưng bà bộ trưởng nghĩ khác. Bà tuyên bố hùng hồn trên báo chí rằng (trích băng): “Đại học Y dược TP.HCM phải đổi tên, đó là kết luận của đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đổi tên ở đây là đổi thành Trường đại học Y dược TP.HCM.
Tên hiện nay không có chữ Trường mà bắt đầu bằng chữ Đại học, nhưng dưới lại toàn là khoa. Một khi anh là đại học, tên gì đó có ý nghĩa bao trùm thì trong đó phải có các trường thành viên: Trường đại học Nha khoa, Trường đại học Y, Trường đại học Dược. Còn đây anh đang là trường, bên dưới là các khoa y, dược…, tên phải bắt đầu bằng chữ trường, Trường đại học Y dược TP.HCM chứ không thể tên như hiện nay”.
Cũng liên quan chuyện phát biểu rối rắm của lãnh đạo, thầy Trần Chút, cựu phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn của Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (trường hiện được chia thành Đại học Khoa học Tự nhiên, và Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn), nói rằng vừa rồi thầy coi tivi, thấy kênh VTV1 có cảnh chiếu ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu là mong Mặt trận “giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện”.
“Tự điều chỉnh, tự hoàn thiện liệu có là một trong những nội hàm của tự diễn biến, tự chuyển hóa không nhỉ?”. Thầy Trần Chút đặt nghi vấn.
Đơn giản thôi, lâu nay hễ cứ ai dám nói không trúng ý Đảng, dám bàn ra ý Đảng thì người đó dễ dàng bị chụp cái mũ phản động, nhẹ thì bị khai trừ Đảng (nếu là đảng viên), nặng thì bắt bỏ tù trong nhóm tội hình sự về an ninh quốc gia. “Tự diễn biến – tự chuyển hóa” theo cách hiểu của Đảng là bất kỳ ai dám phản đối con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng đang cố tìm để đi.
“Tự diễn biến – tự chuyển hóa”; “Trường đại học – Đại học”; “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; “Trạm thu phí – Trạm thu giá”… là đơn cử cho những rối rắm về cách dùng và cách hiểu tiếng Việt của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam.
Vì ngại bị chụp chiếc mũ ‘tự diễn biến – tự chuyển hóa’, một nhà báo từng ‘theo mảng y tế’ kể rằng sai lầm mang tính nguyên tắc ở đây là việc mặc định ‘Đảng luôn đúng’, là hãy cứ tin tưởng mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo.
Theo nhà báo ‘sợ ở tù’ nên yêu cầu ‘có đăng thì không ghi tên’ nói trên kể, vào năm 2000, trong đề án chiến lược phát triển nhà trường của Đại học Y Dược TP.HCM đến năm 2015 đã đề nghị thành lập ba viện: Viện Y sinh học, Viện Sinh học miệng, Viện Công nghệ dược, nhưng rồi cho đến nay có thấy viện nào được cho phép thành lập đâu. Từ năm 2012 trường đề nghị thành lập Trung tâm Y sinh phân tử, nhưng Bộ Y tế cũng lắc đầu không duyệt.
Mọi chuyện của trường đều phải đợi Bộ cho ý kiến từ bổ nhiệm cán bộ, thành lập một đơn vị hay cần vài ba tỷ cũng phải xin. Thậm chí tiền của trường có muốn dùng vào việc gì cũng xin ý kiến của Bộ… Nếu trường được tự chủ thì hiệu trưởng hoàn toàn có quyền làm được chuyện này. Hiện nay, những người có năng lực về khoa học công nghệ của Đại học Y Dược TP.HCM không thiếu, cái thiếu là cơ chế để hoạt động.
Xem ra giống hệt cứ chính sách gì mà bị dân chúng chửi quá, vậy là chuyển lên Bộ Chính trị để xin ý kiến, xin cơ chế. Một khi nhúm người trên Bộ Chính trị đã quyết, cứ thể mà làm, cấm cãi, nhưng sau này lỡ xảy ra sai phạm đến mức phải ở tù như Đinh La Thăng (hay có thể còn thêm Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn), thì… Bộ Chính trị vô can.
Người Sài Gòn hay cà rỡn, ‘nói vậy mà hổng phải vậy à nhe!’. Cũng đúng, tiếng là cà phê chợ Thiếc, nhưng chợ này đâu có bán thiếc, mà chỉ toàn bán vàng. Mua vàng ở chợ Thiếc, người Sài Gòn vẫn nhắc nhau như vậy về ngôi chợ nổi tiếng chuyên bán vàng cho khách bình dân, vào loại lớn nhất miền Nam./.