Rốt cuộc, những đồn đoán bất tận về thói ‘ăn ngập mặt’ của tác giả cuốn sách có tựa đề “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” đã có cơ sở: kết luận điều tra của Bộ Công an sau khi hoàn tất đã ‘phát hiện’ viên cựu Bộ trưởng thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn ‘cầm’ 200.000 USD của Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG – con số quá nhỏ so với rất nhiều dư luận trước đó về việc bị can Tuấn đã ‘ăn’ nhiều hơn hẳn.
Thậm chí một số cán bộ cách mạng lão thành còn phẫn nộ, muốn chính quyền phải thu hồi cuốn sách đầy giả dối trên.
Về thực chất, Trương Minh Tuấn là một điển hình cho chế độ cộng sản đương thời đang lao vào hội chứng chợ chiều ‘hốt cú chót’.
Từ giữa năm 2016, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã hiện ra như một “sát thủ báo chí”. Trương Minh Tuấn được xem là một thủ hạ đắc lực của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và được ông Trọng nâng đỡ.
Tháng 10/2016, Trương Minh Tuấn đã tung ra loạt 2 bài trên báo đảng Nhân Dân với tựa đề rất “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”: “Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục”. Trong đó, Trương Minh Tuấn lên án và cũng đồng thời thừa nhận về “Thái độ hai mặt về chính trị” của một số tờ báo nhà nước:
“Luật pháp nước ta không cho phép viết tin bài chống chế độ đăng trên báo chí chính thống, nên một số người trong giới báo chí thường thể hiện xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” qua thái độ nước đôi: đối với các bài báo đăng tải trên báo chí chính thống, họ thường né tránh những vấn đề họ “tự cho là nhạy cảm”; mặt khác, chính họ lại viết bài đăng trên blog, mạng xã hội để đưa ý kiến trái ngược với báo chí chính thống, phụ họa hoặc gián tiếp phụ họa giọng điệu của các thế lực thù địch, chống đối, thiếu thiện chí để làm vừa lòng đám đông trên mạng, trở thành “người hùng” trên mạng. Đáng chú ý, sau khi được dư luận trên mạng tung hô, cổ xúy, một vài cây bút càng trở nên hăng hái hơn.
Bên cạnh đó, đến nay, trừ một số tờ báo như Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân,… nhiều cơ quan báo chí ngày càng hiếm các cây bút có khả năng viết bài bình luận sắc bén có phân tích rành mạch về lý luận và thực tiễn, có chứng lý cụ thể, trình bày bài bản, phù hợp với mọi tầng lớp bạn đọc và có sức thuyết phục để chống lại, vạch trần các âm mưu, ý đồ, quan điểm, luận điểm chống phá Đảng, chống chế độ.
Với một số vụ việc đã được Nhà nước xử lý công khai, và dù cơ quan chức năng tổ chức họp báo để cung cấp thông tin, cung cấp thông cáo báo chí, nhưng một số cơ quan báo chí chỉ khai thác và đăng lại bản tin của Thông tấn xã Việt Nam.
Phải chăng, đó là kết quả của sự lười nhác, hay việc làm này còn hàm ý rằng không thể không đưa tin nhưng đây không phải là quan điểm, và thái độ của tòa soạn? Thậm chí qua mạng xã hội, blog cá nhân,… một số người làm báo sau khi rời cơ quan báo chí (về hưu, nghỉ việc, hoặc bị buộc thôi việc) còn công khai quan điểm đi ngược quan điểm chính thống, thậm chí đồng tình, cổ vũ luận điệu của một số người tự nhận hoặc được gọi là “nhà dân chủ”, “người yêu nước”…”.
Trương Minh Tuấn cũng lên án về “Xuất hiện xu hướng tách rời định hướng của Đảng với quyền tự do báo chí”, và không quên lên án về “Tùy tiện khai thác tin tức từ báo chí phương Tây, coi báo chí phương Tây là chuẩn mực của tự do báo chí”: “Một số tin tức, bình luận từ VOA, RFI, RFA,… thậm chí tin tức, bình luận của một số báo, trang tin của người Việt ở nước ngoài vốn không thiện chí với Việt Nam đã được sửa sang công bố trên báo chí trong nước”.
Hẳn cung mệnh Trương Minh Tuấn sẽ lên như diều gặp gió, và chắc chắn sẽ giành được một cái ghế trong Bộ Chính trị khóa 13, nếu không nổ ra vụ AVG.
Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 8000 tỷ đồng, trong khi Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 8000 tỷ, Trương Minh Tuấn là quan chức bị nghi ngờ rất lớn về ‘âm mưu chia chác’ bởi nhân vật này đã trực tiếp ký phê duyệt hợp đồng ‘Mobifone mua AVG’ khi còn là cấp phó cho đàn anh Nguyễn Bắc Son, để Lê Nam Trà của Công ty Mobifone ký hợp đồng mua Công ty AVG. Trương Minh Tuấn cũng là quan chức bị dư luận nghi ngờ về việc đã nhận một ngôi biệt thự trị giá hàng triệu USD của Phạm Nhật Vũ – em trai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và là một trong những kẻ chủ mưu vụ AVG.
Giờ đây, đã quá rõ là cái thế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương của Trương Minh Tuấn chỉ là ‘tạm’ như Đinh La Thăng đã từng ‘tạm Phó trưởng ban Kinh tế trung ương’, để tương lai ‘theo chân Đinh La Thăng’ sẽ tràn ngập cung mệnh Trương Minh Tuấn…