Việt Nam trước chính sách Đổi Mới (1975 – 1986) tiếp theo (3)

- Quảng Cáo -

nguyenvubinh’s blog – RFA

       Sáng sớm ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã xua quân (khoảng 120.000 quân) xâm lược trên dọc biên giới Việt – Trung. Ban đầu Trung Quốc dùng chiến thuật biển người đã vấp phải các công sự phòng thủ kiên cố và phức tạp, cũng như sự kháng cự quyết liệt của quân địa phương Việt Nam. Trong những ngày sau, Trung Quốc thay đổi chiến thuật, áp dụng chiến tranh cổ điển thay vì dùng biển người, tập trung pháo binh và thiết giáp đánh vào từng cứ điểm nhỏ. Mười ngày sau đó, bộ binh Trung Quốc đã từ từ tiến sâu vào nội địa Việt Nam khoảng từ 30-40 cây số và chiếm được 4 tỉnh lỵ miền Bắc: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng.

Trưa ngày 5/3/1979, Trung Quốc nắm được quyền kiểm soát thị xã Lạng Sơn trong đống đổ nát, sau đó vài tiếng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt được mục tiêu “dạy cho Việt Nam một bài học” và tuyên bố rút quân. Theo điều tra của tạp chí Time thì quân Trung Quốc bị thiệt mạng là 25 ngàn người và 26 ngàn bị thương, phía Việt Nam bị thiệt mạng là 10 ngàn người và 1,600 bị bắt làm tù binh.

Theo những tiết lộ nội bộ, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra bốn lý do chính để mở cuộc cuộc chiến biên giới: Thứ nhất, một cuộc tấn công giới hạn vào Việt Nam ít có khả năng tạo ra một phản ứng mạnh mẽ từ phía Liên Xô. Thứ hai, một cuộc tấn công giới hạn vào Việt Nam có thể được biện minh như là một hành động tự vệ và không tạo ra phản ứng xấu với quốc tế. Thứ ba, một hành động quân sự giới hạn như vậy không ảnh hưởng đến chính sách Bốn Hiện Đại Hóa mà Trung Quốc đang thực hiện. Cuối cùng, việc Trung Quốc tấn công vào Việt Nam rồi triệt thoái sẽ chứng minh cho Matxcova và Hà Nội thấy quyết tâm của Trung Quốc và khả năng phá vỡ thế bao vây của họ với Trung Quốc.

- Quảng Cáo -

       3/ Những diễn biến bất ngờ từ Liên Xô, thành trì phe Xã hội Chủ nghĩa

Một diễn biến bất ngờ từ phía Liên Xô, thành trì phe Xã hội Chủ nghĩa đã là nguyên nhân cho những thay đổi trong đường lối cũng như quan hệ đối ngoại của Việt Nam sau này. Liên Xô từ một nước có nền kinh tế, vị thế chính trị lớn thứ hai thế giới đã gặp phải khủng hoảng, ban đầu là khủng hoảng kinh tế. Đã có nhiều lý giải về cuộc khủng hoảng kinh tế của Liên Xô những năm thập kỷ 70 của thế kỷ XX. Tuy nhiên, nhiều lý giải đã không gắn kết được bản chất chế độ xã hội cộng sản, cơ chế kế hoạch hóa với những hậu quả mà nó mang lại.

Đối với các nước cộng sản, còn gọi là Xã hội Chủ nghĩa, việc nền kinh tế lâm vào khủng hoảng chỉ là một sớm một chiều, bởi trong cấu trúc nền kinh tế và chính trị của các chế độ cộng sản đã mang mầm mống của một cuộc khủng hoảng. Việc đầu tiên, với trụ cột chính sách, tạo lập sự lệ thuộc, bản chất nền kinh tế không phải là một nền kinh tế đúng nghĩa, nó đi ngược lại các quy luật của kinh tế thị trường. Thực chất cái gọi là nền kinh tế của các nước cộng sản chỉ là sự quản lý, thống trị con người của chế độ trên phương diện kinh tế. Cơ chế kế hoạch hóa là một rào cản vô hình trói buộc tự do của con người trong phát triển kinh tế. Con người bị trói buộc, mất tự do thì làm gì còn sự sáng tạo để phát triển, sản xuất các sản phẩm mới, có giá trị vượt trội? Hai là, để giám sát và quản lý, kiểm soát tư tưởng của người dân, ngoài hai lực lượng chính là đảng và nhà nước, các nước cộng sản còn vô số các tổ chức ngoại vi như thanh niên, phụ nữ, đoàn viên… và một hệ thống an ninh, đặc tình chìm nổi ở hầu khắp các ngành nghề và lĩnh vực cũng như địa phương. Với một hệ thống khổng lồ và chằng chịt như vậy, các nước cộng sản đã thành công trong việc giám sát và duy trì sự thuần phục của người dân, giảm tối đa tư tưởng và hành vi phản kháng. Tuy nhiên, mặt trái của nó, đó là để duy trì hệ thống, lực lượng khủng khiếp như vậy, tất cả các nền kinh tế của cộng sản đều cạn kiệt nguồn lực và đều dẫn tới khủng hoảng và sụp đổ. Vấn đề chỉ là thời gian và cách thức của sự sụp đổ mà thôi. Liên Xô còn một gánh nặng nữa, đó là chi viện cho các nước trong phe Xã hội Chủ nghĩa nên tốc độ, quá trình sụp đổ còn diễn ra nhanh hơn.

Kết quả là nền kinh tế Liên Xô trong những năm 70 có dấu hiệu suy giảm rồi khủng hoảng và đến đầu những năm 80 đã trở nên khủng hoảng trầm trọng biểu hiện ở các mặt sau: a– Tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày một giảm. Nếu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1950, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của tổng giá trị sản phẩm xã hội là 14,2%, từ 1951 – 1960 là 10%, thì từ thập kỉ 60 bắt đầu giảm: từ 1966 – 1970 là 7,1%, từ 1970 – 1975 là 5,1%, 1976 – 1980 là 3,9%, đến 1982 khi Brêgiơnhép qua đời còn 2,6% (tương đương mức thấp nhất của thời kì trước chiến tranh); b – Thu nhập quốc dân giảm xuống 2,5 lần; sản xuất công nghiệp giảm 2,5 lần; sản xuất nông nghiệp giảm 3,5 lần. Thu nhập thực tế tính theo đầu người giảm 3 lần; c – Kinh tế phát triển theo chiều rộng, không phát triển theo chiều sâu. Các nhân tố phát triển kinh tế theo chiều rộng cũng bị hạn chế. Nền kinh tế thiếu năng động, thiếu sức sống, hiệu quả thấp; d – Cơ cấu kinh tế mất cân đối giữa công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Ngay trong công nghiệp nặng thì công nghiệp quân sự, quốc phòng cũng phát triển hơn các ngành khác.. . .

Vào nửa đầu thập niên 80, tình hình chính trị ở Liên Xô mất ổn định, luôn trong tình trạng lên “cơn sốt” bởi sự thay đổi thường xuyên những người lãnh đạo cấp cao. Trong vòng chưa đầy hai năm, nhà tư tưởng chủ yếu của Liên Xô là Xuxlốp qua đời (1/1982), sau đó tiếp tục là ba nhà lãnh đạo cao nhất của Liên Xô liên tiếp qua đời Brêgiơnhép (11/1982), Anđrôpốp (2/1984), Trécnencô (3/1985). Đông đảo đảng viên và quần chúng nhân dân hết sức chán chường vì những người cao tuổi lên cầm quyền rồi vội vàng ra đi. Họ rất bất bình với tình trạng trì trệ của đất nước và mong muốn có một người lãnh đạo trẻ, khỏe, tài năng tiến cùng thời đại. Trong bối cảnh đó, Goorbachop lúc bấy giờ là ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất đã được đề cử vào cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (3/1985)…

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/8/2019

N.V.B

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here