“Việc Trung quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) được hộ tống bởi tàu quân sự ngang nhiên hoạt động thăm dò trên vùng biển tại bãi Tư Chính trong phạm vi chủ quyền 200 hải lý theo Công ước UNCLOS của Việt Nam đã làm hiện rõ nút thắt sinh tử cho những lựa chọn của chế độ hiện nay ở Việt Nam”
Việc Trung quốc ngày càng gia tăng các hành động lấn chiếm trên Biển Đông qua vụ tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) vốn là hành động có tính toán từ lâu trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tuy nhiên, vụ việc ngang nhiên vào sâu hẳn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đúng thời điểm này cho thấy chỉ dấu thông điệp của tham vọng ấy đã hoặc sẽ hoàn thành trong tương lai gần. Việc công khai đưa tàu chiến hộ tống tàu Hải Dương 8 có vẻ thể hiện Trung quốc đã sẵn sàng cho hành động quân sự để hoàn tất đường lưỡi bò trên Biển Đông. Chính vì vậy, vụ việc được quốc tế phát hiện rất sớm và những cường quốc có lợi ích lớn ở Biển Đông đã nhanh chóng có phản ứng mạnh mẽ, trong đó Nga-Mỹ đã đưa ra những cảnh báo cứng rắn vượt xa hơn cả sự kiện Trung quốc vây chiếm bãi cạn Scarborough với Philippin năm 2012.
Trên khía cạnh chiến lược chính trị, Trung Quốc hiện gặp bế tắc nghiêm trọng cả về đối nội lẫn đối ngoại. Một mặt, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung giáng thẳng vào nên kinh tế cú tàn phá ghê gớm. viễn cảnh bị Mỹ và đồng minh cấm vận nhiều mảng liên quan thương mại là khó tránh khỏi trong tương lai gần. Mặt khác, những mâu thuẫn chính trị đối nội của Trung quốc cũng đang đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát do sự gia tăng các hành động phản đối của các sắc tộc ở đất nước đông dân nhất thế giới. Trong đó, thái độ cứng rắn của Đài Loan và phong trào chống lại các đồng hóa về thể chế lẫn chính sách ở Hồng Kông đã đến mức hiện rõ nguy cơ Đài Loan và Hồng Kông tách ra thành quốc gia độc lập nếu được Mỹ bật tín hiệu bảo trợ hoặc tranh thủ được sự ủng hộ của một vài nước có ảnh hưởng mà tuyên bố của Anh quốc đối với tình hình ở Hồng Kông là tín hiệu rất rõ ràng. Một động thái quân sự đối với Trung Quốc lúc này sẽ giúp chính quyền Trung Quốc cái cớ để ổn định tình hình trong nước đồng thời việc xác lập chủ quyền đường lưỡi bò thành công sẽ là lá bài để Trung Quốc mặc cả với quốc tế về lợi ích thương mại. Vấn đề còn lại là tham vọng của Trung Quốc thành công tới mức độ nào phụ thuộc vào mức độ phản ứng của Việt Nam – quốc gia có diện tích mặt biển nhiều nhất trong tham vọng độc chiếm biển Đông mà Bãi Tư Chính là khu vực chỉ cách điểm xa nhất của đường lưỡi bò chỉ 20 đến 30 hải lý. Yếu tố thời điểm đang thuận lợi nhất đối với Trung Quốc không chỉ cần thiết trong chiến lược; chiến thuật mà còn gặp thuận lợi lớn từ yếu tố thời điểm chính trị Việt Nam dễ tổn thương nhất.
Đối với Việt Nam, khi cuộc khủng khoảng lòng tin đối với đảng cộng sản đã đến đỉnh điểm do vấn nạn tham nhũng, dẫn tới những chia rẽ và bất đồng sâu sắc trong cả nội bộ hệ thống chính trị lẫn quan hệ dân-đảng. Bằng nhiều cách khác nhau, Trung quốc đã có trong tay những lá bài đủ nặng để làm suy yếu các quyết định cứng rắn từ giới lãnh đạo Việt Nam khi xảy ra đối đầu bằng quân sự. Bẫy nợ và làn sóng đầu tư ồ ạt vào Việt Nam trong một thời gian dài cũng cho phép Trung Quốc thiết lập một hệ thống gián điệp lẫn lực lượng dự bị cứng có thể khai thác khá hùng hậu trong tình huống xấu nhất ngay trên đất liền mà Việt Nam không dễ dàng đối phó như thời điểm trước cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979.
Về tiềm lực kinh tế, Việt Nam đang trong giai đoạn phải chạy đua, vơ vét mọi nguồn lực để trả nợ căng thẳng nhất 2019-2022. Nhưng mới chỉ đi vào năm thứ nhất của cao trào thì nguy cơ vỡ nợ đã hiện rõ những bế tắc khó tránh khỏi. Hàng loạt những biến cố chính trị, kinh tế ập tới khiến nút thắt sinh tử của chế độ Việt Nam sớm hiện ra gần hơn so với dự tính của nhiều người trong giới quan sát lẫn lãnh đạo của chế độ đương quyền tại Việt Nam.
Cuộc bán tháo các bất động sản năm 2017-2018 để trả nợ đã bộc lộ bài toán tiêu cực là ngay cả việc bán nguồn dự trữ là tài nguyên đất đai vốn đầy rẫy nguy hiểm cũng không đủ; tiếp tục mạo hiểm hơn qua bài toán dự luật đặc khu – một kế hoạch đánh cược sự tồn vong của đất nước, nhằm biến những lợi thế tự nhiên cuối cùng thành mỏ vàng bù đắp cho nợ nước ngoài năm 2018 cũng thất bại. Mặc dù bị phản đối dữ dội, dự luật đặc khu tuy không được chính thức thông qua nhưng các dự án tại các vị trí dự kiến làm đặc khu vẫn được tiến hành. Kèm theo đó là những dự án hàng chục tỷ dolar trong chiến lược “vành đai con đường” được thúc đẩy, cho thấy mục đích của các dự án này không có gì khác ngoài tranh thủ nguồn vốn của các dự án này để chi trả các khoản nợ nước ngoài đã lên tới vài chục tỷ dolar mỗi năm.
Không chỉ trả nợ nước ngoài, áp lực nguồn thu để nuôi bộ máy hành chính khổng lồ bậc nhất thế giới khiến chế độ buộc phải bất chấp rủi ro kìm hãm kinh tế, tăng giá liên tục các mặt hàng chiến lược xăng dầu; điện và các loại thuế phí mới hinh thành để bù đắp, dẫn đến các mâu thuẫn nội tại càng tăng cao, khiến uy tín của đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục đổ vỡ ngay ở những thành phần trung kiên nhất.
Nói cách khác: Nút thắt sinh tử của thế chế chính trị Việt Nam đã hiện rõ ngay chính từ vụ lấn chiếm Bãi Tư Chính của Trung Quốc, khả năng trì hoãn không thể xa hơn năm 2020. Trong thời điểm này, nếu xảy ra tình huống chiến tranh Trung-Việt liên quan tranh chấp biển Đông thì nó là cuộc chiến không chỉ mang ý nghĩa là cuộc chiến giữa một cường quốc, một nước lớn với một nước nhỏ mà là cuộc chiến giữa một thể chế chính trị đang đang cần tìm giải pháp ổn định nội bộ qua hành động quân sự với một thể chế chính trị đang vào thời điểm yếu nhất, cần sự tránh né, nhượng bộ tối đa để níu giữ quyền lực. Giữa một đội quân khổng lồ cần được cọ sát, thể hiện sức mạnh thực chiến nhằm tranh đoạt lá bài trong cuộc đua với thế giới và một đội quân thua xa về tiềm lực đang bất lợi cả về yếu tố chiến lược và chiến thuật.
Chính quyền của đảng cộng sản Việt Nam dù muốn hay không cũng chỉ có một lựa chọn duy nhất để tồn tại: Chấp nhận đối đầu cuộc chiến với Trung Quốc để lấy lại lòng dân và nhận được sự hậu thuẫn từ các cường quốc đủ mạnh để chiến thắng./.