Diễm Quỳnh – Web Việt Tân
Câu chuyện nhà thiết kế áo dài Võ Việt Chung tiết lộ là đã may cho bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khoảng 300 bộ áo dài từ năm 2016 cho đến nay, gây ra một số những phản ứng khác nhau trong dư luận. Có người thì cho là bà Ngân cần nhiều bộ áo dài như vậy để tiếp khách và là khuôn mặt “ngoại giao” của đảng; nhưng đa số thì cho đó là một sự phí phạm, trong lúc đất nước đang bị kiệt quệ ngân sách vì nạn tham ô nhũng lạm quá mức ở mọi cấp.
Mỗi bộ áo dài của bà Kim Ngân sẽ tốn từ vài chục hay đến trăm triệu, và với 300 bộ của Võ Việt Chung thì ngân sách phải chi không thể dưới 30 tỷ đồng. Đây là khoản tiền chi không từ túi riêng của bà chủ tịch Quốc Hội mà từ ngân sách của nhà nước, phải nói là số tiền khủng.
Từ câu chuyện bà Kim Ngân có 300 chiếc áo dài, làm người ta liên tưởng đến chuyện quan chức ở nhà biệt thự to, đi xe sang, đeo đồng hồ đắt tiền, cho con cái đi học nước ngoài, mua nhà ở Mỹ… đặt người dân trước những nghi vấn về nguồn gốc tài sản mà quan chức đó thủ đắc.
Năm 2017, bà Châu Thị Thu Nga đã khai trước tòa là bà ta mua chiếc ghế đại biểu quốc hội 1,5 triệu đô la, thế nhưng ai bán cho bà Nga chiếc ghế 1,5 triệu đô đó thì chẳng thấy tòa nói. Qua sự kiện này, người ta thấy gì? Để may 300 chiếc áo dài trị giá 1,5 triệu Mỹ Kim, thực ra chỉ bằng một cái gật đầu bán một trong 500 chiếc ghế tại Quốc Hội mà thôi.
Chuyện quan chức đảng và nhà nước sống xa hoa trên sự khốn cùng của người dân đã có từ thời ông Hồ Chí Minh. Mặt trước giản dị để mị dân, mặt sau thì kinh khủng. Chuyện áo dài của bà Ngân khiến người dân nhớ lại vào đúng mùng một Tết năm 2015, tấm ảnh được báo Tiền Phong đăng nơi trang nhất cho thấy nội thất tư gia của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có cách bài trí xa hoa với chiếc ghế ông ngồi không khác gì chiếc ngai vàng thời phong kiến, một khung cảnh xa hoa đến choáng ngợp. Những bàn, ghế được dát vàng sáng loáng y hệt như ngai vàng thời phong kiến. Tiền đâu ra mà họ sử dụng nó xa hoa đến vậy? Câu trả lời là sự nghèo khổ của nhân dân, đất nước tụt hậu là cái giá cho sự sống xa hoa đó.
Tờ Thời Báo Tài Chính Việt Nam, ngày 16 tháng Giêng, 2018 có đăng bài “Xuất khẩu lao động đạt số lượng kỷ lục trong năm 2017”, thì hằng năm Việt Nam có cả trăm ngàn người phải bỏ xứ làm culi nước ngoài để kiếm “ngoại tệ mạnh” về cho đất nước. Tờ Đất Việt cũng cho con số, mỗi năm có 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm.
Vì sống không nổi tại Việt Nam mà dân Việt đã trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người quốc tế. Chuyện phụ nữ trẻ em bị bọn buôn người bắt cóc bán sang Trung Quốc là chuyện thường ngày ở huyện, và hiện nay đang nóng vụ 472 trẻ em Việt Nam bị mất tích tại Berlin. Đây là nỗi buồn nỗi hận cho một dân tộc bị bức tử, bị đảng và nhà nước bóc lột để phục vụ cho thói xa hoa tột cùng của họ, không còn cách nào khác nhân dân phải túa ra nước ngoài làm culi và bán dâm để gởi đô la về nước nuôi những tầng lớp này, và rất nhiều trong họ là nạn nhân của bọn buôn người.
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I năm 2019 gần 1,1 triệu người. Người dân đang đói khổ hiện có 2.149.000 hộ nghèo. Đó chỉ là phần nổi, những phần khác chưa thống kê số lượng được bao gồm: số lượng người bán vé số tại Việt Nam, công nhân lao động phổ thông, người vô gia cư, trẻ em không được đi học, trẻ đi ăn xin.
Chuyện quan chức và gia đình sống xa hoa, phô trương xảy ra ngày càng nhiều đến mức tại hội nghị toàn quốc học tập, quá triệt Nghị quyết Trung ương 8 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 23 tháng Mười Một, 2018, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính phải lên tiếng yêu cầu các đảng viên cao cấp “phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật.”
Người dân rất quan tâm tới trí tuệ, phẩm cách vì dân vì nước của các lãnh đạo cao cấp, trong đó có bà Kim Ngân. Mấy ai quan tâm tới 300 bộ áo dài, khi mà gánh nặng thuế má còn è vai, lúc nào cũng phải chổng mông, bán mặt cho đất bán lưng cho trời?
Con người được sinh ra họ hướng tới điều gì? Thứ nhất là tự do, thứ nhì là sự thịnh vượng, 2 yếu tố này sẽ cấu thành chất lượng cuộc sống cho cá nhân, và cũng chính 2 yếu tố này cấu thành sự cường thịnh cho một quốc gia. Dưới chế độ CS, người dân Việt Nam bị tước bỏ mất 2 yếu tố này, chính vì vậy mà hiện nay, người Việt Nam đang tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều cách: tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn tôn giáo, tị nạn sắc tộc, tị nạn chính trị v.v… Nếu nói “Giấc mơ Mỹ” là cục nam châm hút mọi người trên thế giới di cư vào Mỹ, thì với tình cảnh hiện nay của đất nước, có thể gọi cảnh này là “Ác mộng Việt”. Chính ác mộng này đã xua đuổi dân Việt tìm cách thoát khỏi đất nước hình chữ S đầy khó nhọc này.
Năm 2016, “Hồ sơ Panama” với lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ. Dữ liệu do Hiệp Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) công bố hôm 10 tháng Năm, 2016 có 189 tên cá nhân, tổ chức và 19 công ty vỏ bọc có liên quan đến Việt Nam.
Còn theo thống kê của Hiệp Hội Địa Ốc Quốc Gia Mỹ (NAR) thì từ tháng Tư, 2016 đến tháng Ba, 2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng.
Người cộng sản khi kêu gọi người dân cùng họ vùng lên đánh đổ chế độ phong kiến và người Pháp đô hộ đã sử dụng khẩu hiệu ‘cơm no, áo ấm’ cho giai cấp bần cùng trong xã hội. Gần 100 năm sau, khẩu hiệu nói trên vẫn là khẩu hiệu vì tại Việt Nam ngày nay, vẫn còn có nhiều thành phần như nông dân, người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, và thậm chí những công nhân ở đô thị vẫn phải sống trong thiếu thốn, chạy ăn từng bữa.
Những cảnh đời khốn khổ vẫn xuất hiện trên truyền thông; trong khi đó những vị lãnh đạo khai có gốc gác là thành phần nông dân, công nhân bị áp bức, bóc lột bởi phong kiến, thực dân, tư bản nay sống không khác gì những thành phần mà chính họ lên án.
Những người quan tâm trước thực trạng vừa nêu nhắc lại câu nói của Karl Marx, ông tổ cộng sản, rằng ‘Chỉ có loài thú mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình!’
Diễm Quỳnh