Kẻ giấu mặt nào chống lưng cho BOT bẩn?

- Quảng Cáo -

nguyentuongthuy’s blog

Ngày 20/5/2019, một nhóm lái xe đến Trạm thu phí  Bắc Thăng Long – Nội Bài hỏi căn cứ pháp lý của việc thu phí ở đây. Việc này, dư luận quen gọi là đánh BOT bẩn.

Sau một thời gian đôi co, công an đã bắt các anh chị em vào đồn công an huyện Sóc Sơn. Theo facebooker Nguyễn Trần Công, những người bị bắt gồm chị Huệ Như, chị Tiếp (quốc tịch Singgapore), anh Mạnh Hùng, anh Phạm Nam Hải, anh Thắng và một anh lái xe nữa chưa rõ danh tính.

Fbker này cho biết, chị Huệ bị đánh rất dã man. Hình ảnh cho thấy chị bị 4 tên lực lưỡng vây bắt. Sau khi được thả, chị Huệ Như và chị Tiếp đã live tream tố cáo hành đọng côn đồ của những kẻ bắt bớ, đánh đập các chị.  Chị Huệ Như cho biết chị bị bọn chúng thúc gối vào bụng, vào sườn nhiều lần, bẻ vặn tay ra sau, rất đau đớn.

- Quảng Cáo -

Lần gần đây nhất, vào ngày 11/5/2019, một số lái xe cũng đã đến trạm thu phí này yêu cầu trả lời câu hỏi tại sao hoàn vốn cho tuyến đường tránh Vĩnh Yên mà lại thu phí trên đường Bắc Thăng Long – Nội Bài. Những xe không hề đi tuyến đường tránh Vĩnh Yên đều bị thu phí vô lý? Cũng theo fbker Nguyễn Trần Công thì Lien Tran, Phạm Dung, Trung Nguyễn Mode, Bùi Tiến, Sơn Bùi, Duc Trung Nguyen, Lê Hồ, Trung Hiếu, Lê Hải Hà, Thái Văn Hòa bị đấm cho chảy máu mặt, anh Văn, bạn anh Văn… gần 20 người đã bị bắt đưa đi.

Trước nữa, rất nhiều lần anh em lái xe đã tham gia đánh BOT bẩn này với chung một yêu cầu như thế. Tuy nhiên, những nhân viên làm việc ở trạm thu phí này không có câu trả lời thỏa đáng và trạm vẫn ngang ngược thu phí theo kiểu trấn lột.

Những ai chống lưng cho BOT bẩn?

Một lẽ đương nhiên là không đi thì không phải trả phí. Vậy thì tại sao, trạm BOT trên tuyến Bắc Thăng Long – Nội Bài này vẫn ngang nhiên tồn tại, bắt bớ, đánh đập những lái xe đấu tranh đòi dời trạm?

Tìm hiểu ra thì sai phạm này bắt đầu từ ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Trung Hải.

Đầu tiên là liên tiếp các đề nghị của Công ty cổ phần BOT Vietracimex8 (3/6/2009), ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (19/6/2009), Bộ Tài chính (14/7/2009) (gửi Thủ tướng Chính phủ?) về việc bàn giao Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài.

Đáp lại, 22 ngày sau, Văn phòng Chính phủ ra công văn số 5224/VPCP – KTN ngày 5/8/2009,  do ông Văn Trọng Lý, Phó Chủ nhiệm Văn phòng ký, truyền đạt ý kiến của ông Hoàng Trung Hải, khi ấy là Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, ông Hoàng Trung Hải “cho phép chuyển giao nguyên trạng Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài (bao gồm cả Trạm chính và Trạm phụ) cho Công ty cổ phần BOT Vietracimex8 thu phí từ ngày 01/8/2009 để hoàn vốn cho Dự án Quốc lộ 2 đoạn tránh thánh (thành?) phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”, và chỉ đạo cho Bộ giao thông Vận tải tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính thực hiện việc bàn giao.

Như vậy, ông Hoàng Trung Hải là người có trách nhiệm cao nhất trong việc làm sai trái này.

Sau đó, ngày 17/1/2011, Bộ Tài chính ra công văn số 783/BTC-HCSN gửi Bộ Giao thông vận tải và Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 “thống nhất sử dụng tiền phí Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài để hoàn vốn cho Dự án BOT xây dựng đoạn tránh Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc từ ngày 01/01/2011…”

Ngày 23/2/2011, Bộ Tài chính ra thông tư số 23/2011/TT-BTC qui định về việc thu phí của trạm này và qui định cụ thể 5 mức phí cho 5 loại xe.

Như vậy, 4 bên: doanh nghiệp, Bộ Giao thông, Bộ Tài chính và ông Hoàng Trung Hải đã có sự phối hợp rất nhịp nhàng, thống nhất rất cao trong một việc làm vô lý đến trẻ con cũng biết là thu tiền nơi này để hoàn vốn cho dự án nơi khác. Vậy mà họ làm được và dám làm. Xem ra họ quá tự tin và quá coi thường mọi nguyên tắc của pháp luật và lẽ công bằng. Hoặc do lợi ích nhóm quá cao khiến họ nhắm mắt làm liều.

Không chỉ riêng BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, theo báo chí thì cả nước có 16 trạm thu phí khác đặt sai vị trí, những xe không đi đường tránh vẫn phải trả phí cho BOT.

Vậy, trong những BOT đặt sai vị trí khác thì vai trò của ông Hoàng Trung Hải, Bộ Tài chính và Bộ GTVT như thế nào? Hẳn là cũng đi theo bài bản tương tự BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài và cũng vô lý như thế.

Việc đặt BOT bẩn khắp nơi gây nên sự bất bình của lái xe. Khi bị phản ứng, đòi hỏi tính pháp lý và sự sòng phẳng thì công an can thiệp, bắt bớ, đánh đập hoặc bị khởi tố như lái xe Hà Văn Nam (SN 1981, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị bắt ngày 5/3/2019. Trước Nam đã có 6 người bị khởi tố: Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Lê Văn Khiển (SN 1990), Vũ Văn Hà (SN 1990, cùng ở thị xã Chí Linh, Hải Dương) và Trần Quang Hải (SN 1991, ở Quế Võ). Tất cả đều bị cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.

Như vậy, ngoài 4 bên vừa kể trên thì công an là bên thứ 5 đồng lõa trong việc cướp bằng BOT bẩn. Trong trường hợp bị khởi tố còn có bên thứ 6 là viện kiểm sát và bên thứ 7 là tòa án.

Đòi hỏi minh bạch không phải là hành vi “cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức”

Phạm Nam Hải là người đã tham gia hai vụ đòi hỏi cơ sở pháp luật của việc thu phí Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài trong 2 đợt gần đây vào ngày 11/5 và 20/5. Trong vụ ngày hôm qua, 20/5/2019, anh đấu tranh liên tục gần 3 giờ, từ 7h10’ đến 10h thì bị bắt về đồn công an Sóc Sơn. Tại đây, công an ép anh ký vào biên bản phạt hành chính số tiền 2 triệu 500 đồng. Nếu không ký thì bị thu giữ xe.

Nguyễn Văn Quyền, Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn căn cứ vào điểm h khoản 3 điều 5 nghị định 167/2013/NĐ-CP để xử phạt:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. h) Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức;

Căn cứ để phạt Phạm Nam Hải hoàn toàn không đúng trong cả 2 ý của điểm h:

– Thứ nhất là việc đòi hỏi minh bạch trong việc thu phí không phải là hành vi gây rối, cản trở.

– Thứ hai là hoạt động thu phí ở Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài để hoàn vốn cho dự án nơi khác không phải là hoạt động bình thường, ngược lại, đó là hoạt động phi pháp.

Vì vậy, Nguyễn Văn Quyền đã sai khi ra quyết định xử phạt Phạm Nam Hải. Đó là cái sai của kẻ thiếu lẽ phải, thừa cơ bắp lại được chế độ bảo kê để đàn áp công lý.

*

Việc thu phí một nơi để hoàn vốn cho một dự án khác, không đi đường cũng phải trả tiền là một sự cướp bóc trắng trợn và ngang ngược.

Như vậy, văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, các văn bản của Bộ Tài chính không phải là căn cứ pháp luật vì tính vi hiến đã rõ. Doanh nghiệp không thể dựa vào cái sai để biện hộ cho việc làm sai của mình.

Dư luận không thể không đặt ra câu hỏi, trong việc đặt BOT bẩn khắp nơi, những người có liên quan được ăn chia bao nhiêu? Một mình doanh nghiệp không thể tự tung tự tác được như thế. Cần xác định trách nhiệm của những cá nhân sai phạm. Trước hết phải giải thể ngay các BOT bẩn, đặt về đúng vị trí của nó. Phải thả tất cả những lái xe bị bắt và bị khởi tố, trả lại tiền cho những lái xe bị phạt hành chính vì hành vi của các họ là hợp pháp, hợp lý. Doanh nghiệp không được tiếp tục sai khiến công an và côn đồ đánh thuê, đàn áp, đánh đập những người đòi hỏi chính đáng và hợp pháp đối với hành vi phi pháp của trạm BOT./.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here