Chia sẻ về lời “hứa với Bộ Chính trị” của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho thấy một điều rõ ràng, sẽ chẳng có một Luật biểu tình nào ra đời, ít nhất là trước khi ĐH Đảng tiếp theo được diễn ra.
Bài viết trên báo Thanh Niên với tiêu đề “Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: TP.HCM hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình” đã bị gỡ.
Nội dung hứa bao gồm “TP.HCM sẽ có những biện pháp chống biểu tình và đã hứa với Bộ Chính trị, Chính phủ không để biểu tình diễn ra ở TP.HCM”.
Và nhằm “chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về TP.HCM biểu tình… bằng cách có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý”.
Và từ đó, thành quả mà chính quyền TP. HCM nhận được chính là “từ tháng 6.2018 đến nay ở TP.HCM không có biểu tình.”
Nhưng nội dung bài viết “chống biểu tình” sau đó được thay thế bằng nội dung “để không có những vụ tụ tập đông người, phải lo cho dân, an dân, làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng.”
Có sự luân chuyển “biểu tình” từ Hà Nội vào Tp. HCM, và tại thủ đô của của VNCH, đã xảy ra hai điểm nhấn biểu tình lớn. Biểu tình chống ô nhiễm môi trường vào tháng Năm, 2016 và chống dự Luật đặc khu, tháng Sáu, 2018.
Nhưng đúng như ông Nhân “thật thà chia sẻ”, thì sau cuộc biểu tình lớn vào ngày 10 tháng Sáu, 2018 thì phía chính quyền đã siết chặt ngăn chặn biểu tình bằng cách bóc tách từng thành viên biểu tình và đẩy nhanh tiến độ giám sát chặt chẽ những nghi cơ biểu tình bằng tuyên truyền. Thậm chí, có thể hiểu cả việc “trường học đấu tố vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng” cũng nằm trong đề án “chống biểu tình” đó.
Luật sư Luân Lê, trong chia sẻ trên Facebook cá nhân đã coi sự chia sẻ của ông Bí thư thành ủy TP. HCM là một “tuyên bố và cam kết vi hiến”. Vị Luật sư này dẫn dụ Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định, Đảng cộng sản phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động và chịu trách nhiệm trước nhân; Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; Điều 12 Hiến pháp năm 2013 quy định Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên; Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, hội họp, tự do báo chí và biểu tình; và Điều 167 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội xâm phạm, ngăn cản việc thực hiện quyền con người gồm quyền tự do dân chủ, ngôn luận và quyền biểu tình của công dân.
Ông Nhân và Bộ Chính trị
Nhiều quan điểm cho rằng, ông Nhân đã bị “tha hóa” khi vào Bộ Chính trị, nền tảng luật pháp ông bị hủy hoại khi phát biểu quan điểm trên. Thực ra, ông Nhân là một người thật thà, sự thật thà chia sẻ đó là đáng quý, ít ra nó cho người dân biết, Bộ Chính trị đang và đã nghĩ gì về quyền hiến định của người dân.
“Hứa với Bộ Chính trị”, nghĩa là Bộ Chính trị đã nêu ra vấn đề và đòi hỏi chính quyền TP. HCM thực hiện, và do vậy, quan điểm này phải được coi là quan điểm của Bộ Chính trị, trong đó có ông Nguyễn Thiện Nhân, thay vì dồn vào một cá nhân như ông Nhân.
Dẫn luật như Luật sư Luân Lê là điều đúng đắn ở một người có tư duy luật pháp, và tôn trọng luật pháp. Tuy nhiên, “Bộ Chính trị đã quyết” thì luật pháp chỉ là một tờ giấy lộn không hơn không kém. Cho đến nay, Bộ Chính trị tồn tại luật riêng của mình, nơi mà sự đồng thuận hay không đồng thuận sẽ xác quyết một chủ trương, chính xác hay cá nhân đúng hay sai. Bộ Chính trị đặt mình bên ngoài vòng luật pháp và không chịu sự chi phối của luật pháp.
Đó là điều cần phải thừa nhận
Nhưng tiếp tục dẫn luật để phơi bày những “cam kết”, không chỉ quốc tế mà cả với người dân của tổ chức lãnh đạo duy nhất và toàn diện với quốc gia nó không thật như thế nào. Từ đó, cho thấy rằng, sự chính danh của Bộ Chính trị và “đại diện cho quyền lực” của nhân dân cần phải được đánh giá lại.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, quyền lực Bộ Chính trị hay ĐCSVN bị suy giảm, không phải chỉ vì đời sống thông tin của người dân được nâng lên, nhận thức quyền làm người gia tăng, mà chính là vì ĐCSVN hay Bộ Chính trị không theo kịp nhu cầu hội nhập quốc tế về quyền con người và thực thi cam kết với nhân dân. Nhóm người đó, vẫn giữ một tư duy ấu trĩ về cái gọi là “diễn biến hòa bình”, xơ cứng về cái gọi là “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, dẫn đến người dân, bằng cách này hay cách khác, không đồng tình, hoặc thậm chí phản đối những phát ngôn, lẫn chủ trương – chính sách mà Bộ Chính trị đưa ra.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế – xã hội bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là những bức xúc về chủ trương – chính sách ngày càng tăng lên. Thay vì tiến hành một hoạt động “xả van nén” bằng cách sớm đưa luật biểu tình vào đời sống người dân, thì Bộ Chính trị lại tỏ ra kiêng dè, sợ hãi về hệ tiêu cực của nó. Điều này khiến cho các bức xúc xã hội không được giải tỏa, tiếp tục dồn nén và trở thành một quả bơm khí nổ trong tương lai, khi các điều kiện về kinh tế – xã hội – chính trị gây nổ cho chính nó mà Bộ Chính trị sẽ không dự liệu được (biến cố).
Ngoài ra, chia sẻ về lời “hứa với Bộ Chính trị” của Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng cho thấy một điều rõ ràng, sẽ chẳng có một Luật biểu tình nào ra đời, ít nhất là trước khi ĐH Đảng tiếp theo được diễn ra./.