Kẻ cần phải thức tỉnh!

Hình minh họa
- Quảng Cáo -
FB Bạch Hoàn

NƯỚC MẮT ĐI TÌM TƯƠNG LAI… (*)

Tôi nhìn mãi, nghĩ mãi, ám ảnh mãi về tấm hình một người đàn ông ôm con gái của mình. Và người đàn ông ấy khóc. Anh khóc vì con mình không vào được trường phổ thông hệ công lập. Có lẽ, với nhiều người, tấm vé “BOT giáo dục”, tấm vé để được đi con đường đến với tương lai qua cổng trường tư thục là một gánh quá nặng, họ khó có thể lo toan được dù đã đổ cả mồ hôi và nước mắt để lót đường.

Bi kịch của xã hội là không phải chỉ có một mình người đàn ông ấy khóc. Bi kịch là vẫn đang còn những đứa trẻ loay hoay tìm đường, trong khi cha mẹ của các em thì ngơ ngác và lạc lối. Không vào được trường công lập vì số lượng tuyển sinh lớp 10 chỉ bằng 2/3 số lượng thi vào (Hà Nội). Trường tư thục cũng chẳng dễ dàng. Họ đành đứng đó, giữa ngã ba cuộc đời…

Tôi đợi mãi, tôi vẫn cứ chờ mãi một lời động viên, một hành động vỗ về hay bất cứ thứ gì tương tự thế từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng hình như chẳng có gì. Hình như mọi thứ cứ mịt mù và vô vọng.

- Quảng Cáo -

Phải có ai đó nói gì đi chứ? Phải có ai đó làm cái gì đi chứ? Phải có giải pháp nào cho tình trạng này chứ?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông ở đâu? Ông làm gì khi cái ngành giáo dục của ông đang khiến xã hội mệt mỏi đến nhường ấy?

Trường công tuyển sinh hạn chế. Trường tư thì chi phí quá cao. Mới khâu tuyển sinh mà có những kẻ làm giáo dục đã đem các con ra để kiếm chác. Trơ trẽn và bẩn thỉu.

Tôi thực sự vô cùng tò mò muốn biết, ông Phùng Xuân Nhạ nghĩ cái quái quỷ gì khi cha mẹ học sinh ví điểm chuẩn xét tuyển vào lớp 10 như chỉ số chứng khoán. Thật là một sỉ nhục không thể nào hơn được nữa.

“Em xin các chị, nhà em chỉ có 3 mẹ con. Con không đỗ được vào trường chắc em chết mất. Con em rất ngoan, không muốn gửi vào trường khác sợ hư con. Xin các chị nhận hồ sơ của cháu”.

Tôi càng không thể nào lý giải nổi, sao ông Phùng Xuân Nhạ và cái Bộ Giáo dục của ông vẫn câm như hến khi phụ huynh học sinh phải khóc than, phải kêu gào, phải cầu xin nhà trường nhận hồ sơ của con mình. Các người thờ ơ, vô cảm hết rồi sao? Người dân đang phải cầu xin đấy, các người không hiểu sao?

Ở một đất nước bao năm qua vẫn kêu gọi học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – người từng khẳng định chỉ có một ham muốn tột bậc là người dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, mà đến bây giờ, khi người dân đã phải cầu xin cho con được học mà vẫn bị chối từ. Ông Phùng Xuân Nhạ, ông có thấy xấu hổ với tiền nhân không?

Ở một đất nước mà Hiến pháp đã quy định rất rõ nhiệm vụ phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu… nhưng thực tế giáo dục lại đang là nỗi sợ hãi đến mức ám ảnh người dân, ông thấy mình có làm tròn trách nhiệm không? Ông vẫn thấy mình xứng đáng bám vào cái ghế Bộ trưởng hay sao?

Mỗi năm đất nước mất 3-4 tỉ USD chi phí du học vì sự kém cỏi của ngành giáo dục, vì nỗi hoang mang của người dân về ngành giáo dục.

Có thứ gì nghịch lý hơn khi người dân phải giành nhau từng suất học, phải cầu xin những người làm giáo dục ban phát cho cơ hội được học, phải đổ mồ hôi, nước mắt, phải gác lại công việc, phải cậy nhờ quan hệ, phải chạy lớp chạy trường, chỉ để được học, trong khi những kẻ làm ở cái ngành giáo dục này lại cho con cái của họ du học ở những phương trời khác, những nền giáo dục khác. Thông điệp giáo dục là nghịch lý này ư?

Thông điệp giáo dục là muốn có tương lai tốt đẹp thì phải dùng quan hệ, phải nhờ vả ư?

Thông điệp giáo dục là muốn được làm người thì phải vứt bỏ cả tự trọng ư?

Thông điệp giáo dục là… Khóc ư? Than vãn ư? Cầu xin ư? Kệ cụ chúng mày!

Ông Phùng Xuân Nhạ ạ, để tôi nói với ông điều này… Những vất vả, những khổ sở hôm nay sẽ là bài học đắt giá để người lớn và bọn trẻ tỉnh táo hơn về cả hiện thực và tương lai.

Rồi đến lúc, có thể chính ông cũng phải trả giá vì những giọt nước mắt cay đắng đã rơi trên con đường đi tìm tương lai của những phận người khốn khổ ấy.

Và nếu hiểu được điều này ông sẽ nhận ra, kẻ cần phải thức tỉnh lại chính là ông – Phùng Xuân Nhạ.

(*) Tựa của tác giả

- Quảng Cáo -

5 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here