Lương và Lậu

- Quảng Cáo -
200 triệu chưa bằng 1 chữ ký huyện ủy viên! (*)
Ánh Liên (VNTB) – Đà Nẵng xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ. Trong đó, mức hỗ trợ cao nhất là 200 triệu đồng cho cán bộ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy trở lên và 180 triệu đồng cho cán bộ là Thành ủy viên; Người đứng đầu các hội đoàn thể chính trị – xã hội; các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy và tương đương; các sở, ban, ngành và tương đương; Bí thư quận, Huyện ủy…

***

Đây là lần đầu tiên một chính quyền cấp địa phương ‘ra giá’ cho một ghế ngồi trong các khu vực công. Mặc dù được đánh giá là có mục đích tốt, tuy nhiên con số 180 – 200 triệu đồng vẫn là một con số ‘khá hài hước’ trước dư luận.
Đầu tiên, công viên chức tại Việt nam chưa bao giờ sống nhờ vào lương, mà chủ yếu phát sinh từ lậu (phí ngoài luồng). ‘Lậu’ lại xuất phát từ quyền lực của ghế ngồi, tức vị trí và vai trò của cái ghế sẽ cho biết, người được ngồi sẽ hưởng được bao nhiêu % ‘lậu’.
Lấy ví dụ, trong một huyện, nhưng Trưởng phòng Dân tộc huyện sẽ gần như không có ‘lậu’, mà chỉ được hưởng lương cơ bản và phụ cấp, trong khi Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thì ngược lại, ‘lậu’ sẽ lớn hơn lương gấp trăm, ngàn lần. Lý do đơn giản: Phòng Tài nguyên là nơi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; thẩm định hồ sơ về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất,…Nói tóm lại, chỉ cần bán thông tin quy hoạch đất cho nhà đầu tư là có tiền, hay thậm chí Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường có thể thông đồng với nhà đầu tư để thu hồi lượng đất lớn với giá rẻ mạt. Nói hình tượng, thì 200 triệu có khi chưa bằng một nửa chữ ký của một trưởng phòng cấp huyện.
Những hiện tượng nêu trên được gọi là: tham nhũng  hoặc đầu cơ chính sách.
Do vậy, để khuyến khích một vị ‘cán bộ’ là huyện ủy viên, rời cái ghế Trưởng phòng hay thậm chí phó phòng ở một văn phòng về đất đai với giá… 200 triệu, hay thậm chí là 20 tỷ đồng là một điều viễn tưởng, ngay cả ở vùng sâu – vùng xa, chứ chưa cần phải nói đến huyện trực thuộc thành phố Trung ương như Đà Nẵng.
Thứ hai, chiếc ghế vừa là nơi nảy sinh lậu, vừa là nơi kết nối các mối quan hệ ràng buộc theo tính ‘thân hữu’ và ‘lợi ích nhóm. Tham nhũng ở Việt nam không dừng ở mức ‘nhu cầu’, mà chuyển thành ‘tham vọng’, tức là sự duy trì tối đa và càng lâu càng tốt về mối quan hệ trong lĩnh vực công. Đó là lời giải đáp vì sao mà khi còn ngồi trên ghế, các quan chức ở các cấp ngành đều ký quyết định bổ nhiệm cán bộ hàng loạt. Không đâu xa, mới đây, một nguyên Chủ tịch huyện Tuy Đức (Dak Nông) đã bị kỷ luật vì trước đó tìm cách bổ nhiệm con gái lên Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, mặc dù con gái đang học thạc sĩ; em trai thì được làm Trưởng phòng tài chính – kế hoạch huyện.
Thực trạng ‘hoàng hôn nhiệm kỳ’ và ‘cả họ làm quan’ không còn là hiện tượng hiếm gặp trong đời sống chính trị – xã hội tại Việt nam cũng là vì vậy.
Thứ ba, chiếc ghế tạo nên ‘kim bài’ cho những người ngồi lên đó. Tùy thuộc vào chiếc ghế cao hay thấp, mà mức áp dụng phạt về mặt đảng nặng (khai trừ đảng) hay nhẹ (khiển trách); mức áp dụng các hình phạt về mặt nhà nước nhẹ (tù treo) hay nặng (tử hình). Và chiếc ghế cũng tạo nên sự chênh lệch về mức độ áp dụng pháp luật giữa một nhân viên nhà nước với một thường dân đến mức… bất bình đẳng.
Lấy ví dụ, cùng là sai phạm trong lĩnh vực đất đai công, nhưng trong khi ông Bùi Hữu Tuân, một trưởng thôn thuộc xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội), ‘tự ý giao đất’ cho dân mà chưa có sự đồng ý của UBND, với số tiền thu là 68 triệu đồng, và bị khởi tố hình sự với mức án 5 năm tù. Thì bà Thái Thị Bích Liên, người mới đây chỉ nhận hình thức khiển trách  (về mặt đảng) liên quan đến bán rẻ 32 hecta đất công (lên đến 700 tỷ đồng) cho một doanh nghiệp tư nhân, lý do bà Bích Liên là… Chánh văn phòng Thành ủy Tp. HCM.
Chiếc ghế quyền lực đã bảo vệ cho thân chủ nó một cách gần như tuyệt đối, biến pháp luật từ thể bình đẳng, vô tư trở thành một thực thế bất công, phi lý. Và đây là lý do vì sao mà 200 triệu sẽ không bao giờ đủ để tạo một động lực cho một người rời ghế để nhường cho người trẻ, người có năng lực.
Bên cạnh đó, câu chuyện rao ghế với giá 180 – 200 triệu của TP. Đà nẵng cũng cho thấy một vấn đề khác. Tức khả năng cải cách hành chính thông qua tinh giảm biên chế, vốn được hô hào từ nhiều năm qua và coi đây là nòng cốt của cải cách nhà nước đã thực sự không có khả năng thực hiện được. Và hiện tượng cắm rễ để tham ô, hình thành 30% cán bộ ‘sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về’; hay câu chuyện tham nhũng trong cơ quan nhà nước; câu chuyện ‘phí bôi trơn’ của doanh nghiệp cho ‘chính quyền’ chiếm hết cả lợi nhuận (lên đến mức 10% lợi nhuận) sẽ không bao giờ kết thúc.
(*) Tựa của tác giả
- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here