Buổi điều trần mang tên “Năm tồi tệ của nhân quyền Việt Nam”, tập trung vào vấn đề đàn áp các nhà hoạt động, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo. Đặc biệt tập trung vào việc bắt bớ các bloggers và thành viên Hội Anh Em Dân Chủ (HAEDC).
Bốn nhân chứng được mời tham gia điều trần gồm ông Anthony Lê (tên thật là Lê Thanh Tùng) – phát ngôn viên HAEDC, ông Nguyễn Đình Thắng – đại diện Tổ chức Thuyền nhân SOS, ông Joseph Cao – cựu dân biểu Hoa Kỳ, và bà Dinah PoKempner – Tổng Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Chủ tịch phiên điều trần, dân biểu Chris Smith, nói: “Một quan hệ đối tác đang phát triển giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không có nghĩa là chính phủ Việt Nam tự do quyết định về nhân quyền.”
“Tự do tôn giáo, tự do internet, tự do ngôn luận, công đoàn độc lập, và một nhà nước pháp quyền là mong muốn của mọi người dân Việt Nam, đồng thời rất quan trọng đối với Hoa Kỳ trong nỗ lực thiết lập một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
“Những điều này nên là trung tâm của các quan hệ song phương. ”
‘Năm đàn áp thô bạo nhất’
Từ Washington, ông Anthony Lê nói với BBC rằng phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ và Ủy ban Vấn đề Nhân quyền Hoa Kỳ thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức phi chính phủ và báo giới Hoa Kỳ.
“Năm nay là năm chính quyền Việt Nam được cho là đàn áp thô bạo nhất và trên diện rộng nhất các nhà hoạt động xã hội dân sự,” ông Anthony Lê nói.
Buổi điều trần có sự tham dự của bảy văn phòng dân biểu Hoa Kỳ, hàng trăm đại diện tổ chức phi chính phủ và phóng viên. Khán phòng hết chỗ ngồi, có nhiều người phải đứng, ông Lê mô tả.
Trong sáu phút trình bày, ông Anthony Lê đưa ra các chứng cứ HAEDC bị đàn áp tại Việt Nam. Ông cũng cho biết tôn chỉ hoạt động của HAEDC là cổ súy nhân quyền, dân chủ, hỗ trợ các tổ chức dân sự khác một cách ôn hòa.
Theo bản điều trần của ông Anthony Lê, từ năm 2014 tới nay, hàng chục thành viên HAEDC bị bắt, bỏ tù, đánh đập dã man. Nhiều người phải điều trị thương tích hàng tháng trời.
Có những người, như mục sư Nguyễn Trung Tôn, bị đánh dập nát hai chân, tới nay vẫn chưa đi lại được.
Sáu thành viên HAEDC phải chạy sang Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan.
Riêng ông Anthony Lê tỵ nạn ở Mỹ nhưng vẫn còn vợ con ở Việt Nam sống trong sự kìm kẹp của chính quyền. Công an lắp năm camera theo dõi ở nhà ông và từng xông vào nhà hành hung vợ con ông.
Trong khi đó, tiến sỹ Joshep Cao đề cập đến vấn đề đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Ông nhắc tới vụ nhà thờ Thủ Thiêm có nguy cơ bị chính quyền tịch thu đất để làm siêu thị.
Ông cũng trình bày về sự ra đời của Hội Cờ Đỏ núp bóng chính quyền với mục đích đe dọa, tấn công người Công giáo và những người biểu tình phản đối Formosa.
Ông Nguyễn Đình Thắng trình bày việc trong số 170 tù nhân lương tâm đang bị giam cầm tại Việt Nam, một nửa là nạn nhân của đàn áp tôn giáo. Hàng triệu tín đồ Cao Đài Hòa Hảo bị chính quyền Việt Nam đàn áp trong suốt hai thập kỷ qua.
‘Nhân quyền là trọng tâm quan hệ Việt Mỹ’
Trong bài phát biểu tại phiên điều trần, ông Smith nhắc lại con số 22 bloggers bị bỏ tù trong năm 2018 và hiện tổng số tù nhân chính trị, tôn giáo tại Việt Nam lên tới 170 người.
Ông nói Freedom House kết luận Việt Nam là một nước ‘không có tự do’. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ một lần nữa trong năm nay đề nghị xem Việt Nam là “Quốc gia đáng lo ngại đặc biệt” về vi phạm tự do tôn giáo.
Ông Smith cho hay trong Đạo luật Nhân quyền Việt Nam được giới thiệu vào năm ngoái, nhân quyền và pháp quyền là trọng tâm của mọi mối quan hệ song phương Mỹ Việt.
Ông cho rằng chính quyền của ông Trump có cơ hội để mang đến cải cách thực sự cho Việt Nam nếu nhân quyền là điều kiện để cải thiện quan hệ Việt Mỹ. Và ‘đòn bẩy’ của Mỹ chính là việc Việt Nam cần Mỹ thế nào khi Trung Quốc ngày càng hung hăng.
“Vấn đề là chính quyền Mỹ sẽ dùng đòn bẩy đó vì người dân hay vì Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông Smith nói.
“Tiểu ban Nhân quyền và Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện sẽ sớm đệ trình lên Thượng viện Hoa Kỳ Luật về Nhân quyền cho Việt Nam,” ông Anthony Lê cho BBC biết qua điện thoại.
“Họ sẽ có các hành động thiết thực trong việc gây sức ép lên nhà cầm quyền cộng sản để giải thoát những nhà hoạt động khác còn đang ngồi tù.”
Trong khi đó, Giám đốc HRW, bà Dinah PoKempner cho rằng không có thay đổi hay tiến bộ nào trong thực thi nhân quyền tại Việt Nam.
“Ngược lại, giới chức Việt Nam còn chuẩn bị thông qua Luật An ninh mạng vào 12/6 cho phép trừng phạt những người chỉ trích chính phủ hoặc Đảng Cộng sản,” bà Dinah PoKempner phát biểu tại phiên điều trần.
Bà kêu gọi Quốc Hội Mỹ xem xét lại vai trò của mình trong việc đảm bảo công nghệ và công nghiệp Mỹ không bị sử dụng cho những mục tiêu như vậy.
Công bố tự do cho LS Đài và cộng sự Thu Hà
Việc luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Thu Hà được trả tự do, lên đường sang Đức đêm 7/6 giờ Hà Nội tức đầu giờ sáng cùng ngày giờ Washington, cũng được công bố tại phiên điều trần của Quốc Hội Hoa Kỳ.
Dân biểu Chris Smith, người không ngừng vận động cho tự do của luật sư Nguyễn Văn Đài và các cộng sự, nói ông ‘vui mừng khôn xiết’.
Tuy nhiên, ông nói buồn lòng vì “chính phủ Việt Nam chọn tra tấn, giam cầm và lưu đày những công dân ưu tú nhất – những người chỉ muốn đất nước mình có nhân quyền như được nêu ra trong Hiến pháp và được Liên Hiệp Quốc quy định.”
“Tôi muốn khen ngợi chính phủ Đức cho nỗ lực đạt được sự tự do này,” dân biểu Hoa Kỳ, ông Chris Smith phát hiểu tại phiên điều trần.
Còn ông Anthony Lê nói ‘không ngạc nhiên khi nhận thông tin’ và ‘các dân biểu đã nắm được tình hình từ trước’.
Ông cũng nói đây là thành công của nỗ lực vận động ngoại giao không ngừng của rất nhiều tổ chức, cá nhân và của bản thân các thành viên HAEDC.
Đối với các nhà hoạt động còn đang chịu cảnh tù đày, ông Lê nói sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi sự can thiệp từ Liên Hiệp Quốc và các tổ chức khác để chính quyền Việt Nam phải trả tự do họ, đồng thời chấm dứt việc đàn áp các nhà đấu tranh dân chủ, người bất đồng chính kiến./.