RFA |
Tình trạng phá rừng
Vào đầu tháng 5 năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho công bố hiện trạng rừng trên toàn quốc tính đến ngày 31/12/2017. Theo đó diện tích rừng trên toàn quốc đạt được hơn 14 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha và rừng trồng hơn 4 triệu ha. Diện tích đủ tiêu chuẩn che phủ toàn quốc tương ứng hơn 40%.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì độ che phủ rừng có tăng nhưng chủ yếu là rừng trồng với mức sinh học thấp, trong khi rừng tự nhiên với mức đa sinh học cao thì lại thấp đi đáng kể.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Cần Thơ cho rằng ông nghi ngờ về con số mà Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) đưa ra, ông lập luận:
“Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoảng hơn 20% thôi.
Sang trung tuần tháng 5, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập lực lượng kiểm lâm Việt Nam. Nhân dịp này, ngành lâm nghiệp được đánh giá có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam, giá trị đạt được hơn 8 tỷ đô la.
Ảnh hưởng kinh tế
Giáo Sư Đặng Hùng Võ nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường thừa nhận ngành lâm nghiệp có góp phần giúp phát triển kinh tế tại Việt Nam:
“Việc rừng năm vừa rồi có những đóng góp lớn thì tôi cho rằng việc bảo vệ và khai thác rừng là hai mặt song hành, đánh giá lại thì vừa rồi rừng đóng góp phát triển kinh tế cũng là một yếu tố quan trọng, việc đóng góp từ rừng sản xuất, khai thác môi trường rừng vào việc du lịch nghỉ dưỡng, việc khai thác rừng vào việc khu du lịch sinh thái , thủy điện v.v…”
Giáo Sư Đặng Hùng Võ nói với chúng tôi rằng trong luật bảo vệ phát triển rừng trước đây, rất hạn chế việc giao đất rừng cho cộng đồng dân cư với tư duy là cộng đồng dân cư không phải là một tổ chức và không có người chịu trách nhiệm. Nhưng luật lâm nghiệp đã được sửa đổi vào năm ngoái. Ông cho biết thêm:
“Luật lâm nghiệp được quốc hội thông qua năm 2017 thì đã có nhũng thay đổi cơ bản về tư duy, giao đất rừng cho cộng đồng dân cư địa phương, bởi vì các nhà xây dựng pháp luật Việt Nam đã ngộ ra được rằng giao cho các tổ chức của nhà nước thì nó không đạt được hiệu quả, còn giao cho cộng đồng dân cư thì kêu gọi được sức mạnh của nhân dân vào bảo vệ rừng thì tôi cho rằng đây là thay đổi cơ bản về tư duy bảo vệ rừng và phát triển rừng ở Việt Nam.”
Đồng thuận với y kiến của Giáo Sư Đặng Hùng Võ về vấn đề giao cho các tổ chức nhà nước quản lý đất rừng không đạt được hiệu quả, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật người từng làm việc cho cơ quan quản lý khu rừng quốc gia Nam Cát Tiên chia sẻ thêm một nhận định mà ông cho rằng có liên quan đến vấn đề tham nhũng.
“Ở trong xã hội Việt Nam vấn đề tham ô tham nhũng, cấu kết lãnh đạo với kiểm lâm rồi báo chí phanh phui rất là nhiều. Chánh thanh tra chính phủ hoặc là trung ương có thông báo là bây giờ thanh tra ở đâu là dính ở đó, cho nên cái đó là một điều rất là trăn trở.”
Dù phía cơ quan chức năng có những đánh giá tích cực về tình hình rừng được khôi phục và mang lại những lợi ích kinh tế cho đất nước, tin tức về nạn phá rừng tại Việt Nam tiếp tục được loan đi.
Đắk Lắk, một tỉnh ở Tây Nguyên Việt Nam, vừa qua thừa nhận có 18 ha rừng biên giới bị phá trắng, trong đó 10 ha rừng bị cắt hạ đã lâu vì vết cắt đã cũ và 8 ha còn lại mới xảy ra gần đây.
Lại có tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xin chuyển gần 70 ha đất rừng làm sân golf, thuộc dự án khu du lịch sinh thái Mường Thanh. Điều đáng lưu ý là diện tích này có nguồn gốc đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm và được nhà nước giao cho các hộ gia đình, cá nhân sản xuất.
Thực tế cho thấy giữa chủ trương bảo tồn, khôi phục, phát triển rừng và công tác thực thi pháp luật, qui định trong lĩnh vực này vẫn còn độ chênh rất lớn. Nhiều vấn đề cần phải giải quyết mới có thể đạt được chỉ tiêu đề ra về độ che phủ và chất lượng rừng.
Làm dĩ tứ phương cũng
phải chừa một phương
mà trú thân. phá hết rừng
mai mốt làm sao về với cội
với nguồn . hihi phá như khỉ.
Hảy giữ lại một diện tích rừng để bớt đi thảm hoạ thiên nhiên đã và đang hoành hành một cách tàn khốc , đau thương mất mát cho người dân nghèo