Áp đặt hàng Liên Xô “pháp chế xã hội chủ nghĩa”
Gillespie (2005) phê phán khá nặng nề cách mà những người cộng sản Việt Nam đã “nhập khẩu” pháp chế xã hội chủ nghĩa: họ đã làm việc này một cách máy móc và không nhiều tư duy phản tỉnh.
Theo Gillespie, bản thân tư duy ý thức hệ cộng sản đã ngăn các nhà làm luật Việt Nam tìm cách điều chỉnh các học thuyết pháp lý Liên Xô cho phù hợp với các tư tưởng và hoàn cảnh nội địa.
Tư tưởng Marx-Lenin không cho rằng luật pháp phụ thuộc vào văn hóa bản địa. Tư tưởng này cũng đặt một giả định nhuốm màu địa đàng rằng môi trường văn hóa công – nông bình đẳng đại đồng tại các nước xã hội chủ nghĩa có khả năng xóa bỏ mọi khác biệt địa phương.
Trong khi đó, các nhà làm chính sách và làm luật cộng sản thì bị bó buộc bởi cái ý nghĩ rằng tư duy Xô Viết, tư duy xã hội chủ nghĩa từ “anh cả đỏ” thì không thể nào sai được (hay không được phép sai).
Mối quan hệ “anh em” ý thức hệ thân thiết khiến cho Việt Nam những năm 1960-1970 có thể dễ dàng chấp nhận các tư tưởng, học thuyết ngoại quốc từ Liên Xô một cách dễ dàng, chứ không hề lăn tăn dè chừng “tư tưởng phương Tây” như những đàn em đời sau của họ.
Vậy nên, theo Gillespie (2005), trong quá trình “nhập khẩu” pháp chế xã hội chủ nghĩa nói riêng và luật Liên Xô nói chung, những người cộng sản Việt Nam đã chỉ tìm cách “đẽo chân cho vừa giày”, làm sao cho xã hội Việt Nam giống với luật mình đưa vào, thay vì tìm cách làm cho luật hài hòa với xã hội mình hơn.
Phong cách “nhập luật” máy móc này vẫn theo đuổi giới làm luật và làm chính sách Việt Nam hàng thập niên sau đó khi họ tiếp nhận luật pháp định hướng phát triển kinh tế thị trường để thu hút đầu tư quốc tế (nhưng đó là chủ đề cho một bài viết dài khác).
Bất kể việc áp đặt máy móc đó, pháp chế xã hội chủ nghĩa cùng bốn nguyên tắc của nó (“đảng lãnh đạo”; luật pháp là “ý chí của giai cấp thống trị”; chính sách đảng cao hơn luật; và cá nhân phục tùng tập thể) đã trở thành thứ học thuyết pháp lý thống trị hệ thống nhà nước Việt Nam từ năm 1960 cho đến tận… một cuộc khủng hoảng khác.
“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”
Sang những năm 1980, cả “người anh cả” Xô Viết và Việt Nam đều đang dần dần lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội.
Cách điều hành kinh tế tập trung độc đoán và cứng nhắc theo mô hình Xô Viết, trong bối cảnh ngày càng ít viện trợ từ những người “anh em” ý thức hệ, đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong nước.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, diễn ra vào tháng 12/1986, đã xác nhận các sai lầm về quản lý kinh tế của Việt Nam, đồng thời xác định việc phải thực hiện chính sách Đổi mới để thoát đói nghèo.
Những người cộng sản Việt Nam nhận ra rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa không còn là công cụ hữu hiệu cho họ trong việc quản lý một nền kinh tế nhiều thành phần (có cả quốc doanh và tư nhân, mà tư nhân thì chính là đám tư bản, trong khi luật thì vẫn là “ý chí của giai cấp thống trị”).
Đồng thời, pháp chế xã hội chủ nghĩa đặt ra những giới hạn ngăn cản việc thu hút đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư quốc tế trong nền kinh tế thị trường mong muốn một môi trường kinh doanh ổn định và an toàn về mặt pháp lý.
Điều đó có nghĩa là quyền lực của nhà nước phải được giới hạn bằng pháp luật. Và pháp luật thì phải hiệu quả, rõ ràng, công khai, minh bạch và không thể tùy thuộc vào ý muốn “nắng mưa bất chợt” của một đảng cầm quyền.
Những người cộng sản luôn thích dùng công cuộc Đổi mới làm một ví dụ cho tài quản trị đất nước tài ba, thức thời của họ. Họ ít khi nào chịu nhìn nhận rằng, ít ra trong khía cạnh pháp lý, công cuộc Đổi Mới đã là lần thứ hai trong lịch sử họ “tự diễn biến”. Và đó cũng là lần thứ hai trong lịch sử họ… “áp đặt luật pháp nước ngoài”.
Để phục vụ Đổi mới, cần có một học thuyết pháp lý khác.
Theo Gillespie (2010), lần này, các nhà làm luật và chính sách Việt Nam lại cũng nhìn về Liên Xô.
Trước đó, từ năm 1985, dưới quyền lãnh đạo của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev, Liên Xô đã có phong trào Cải tổ (perestroika), tự do hóa một cách có giới hạn các mặt kinh tế và xã hội.
Một trong những tư tưởng mới của Cải tổ được các nhà làm luật Xô Viết đưa ra chính là правовое государство (pravovoye gosudarstvo).
Pravovoye gosudarstvo không phải là học thuyết thuần sáng tạo của Liên Xô, mà chính là phát triển từ khái niệm rechtsstaat của người Đức. Khái niệm này được hình thành bởi chính quyền chuyên chế nước Phổ thời thế kỷ 19 và xác định một hình thái nhà nước dựa trên luật pháp (law-based state).
Rechtsstaat hay được dịch là “pháp quyền” trong tiếng Việt và “rule of law” trong tiếng Anh. Tuy nhiên, hình thái nhà nước dựa trên luật pháp trong mô hình pravovoye gosudarstvo ăn theo rechtstaat đó không hề chịu các ràng buộc quyền lực bởi luật pháp bất thành văn hay “luật tự nhiên” theo kiểu “lằng nhằng” như mô hình rule of law (pháp quyền) của Anh-Mỹ.
Trong mô hình pravovoye gosudarstvo, vai trò của luật pháp mạnh mẽ hơn vai trò thuần công cụ của đảng cầm quyền như luật pháp trong khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Nhà nước dựa trên luật pháp trong khái niệm pravovoye gosudarstvo được tách ra khỏi đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể đặt ra các mục tiêu kinh tế – xã hội, còn nhà nước thì thực hiện các mục tiêu đó. Trong quá trình thực hiện, nhà nước tuân thủ hiến pháp của chính nó, và dùng luật pháp (phải chặt chẽ, rõ ràng, nghiêm minh) để quản lý hiệu quả đất nước.
Có thể thấy là khái niệm pravovoye gosudarstvo đã “phẫu thuật thẩm mỹ” hai trong số bốn cái chân của khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa”: –
- Đảng và nhà nước tách ra, đảng không “cầm tay chỉ việc” nhà nước trong quản lý kinh tế xã hội nữa;
- Nhà nước tuân thủ những nội dung hiến pháp và luật pháp rõ ràng minh bạch, nhưng vẫn đi theo “đường lối” chung mà đảng cầm quyền đề ra.
Hai “phẫu thuật thẩm mỹ” nói trên, theo một cách “nửa nạc nửa mỡ”, vừa có thể làm đảng cầm quyền an tâm, vừa có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu luật pháp nội địa của giới đầu tư quốc tế: nhà nước trở nên tương đối độc lập với đảng; luật pháp và hiến pháp rõ ràng, công khai có vai trò mạnh mẽ hơn; nhưng đảng cầm quyền vẫn “nắm đằng chuôi”.
Đó hẳn là lý do mà pravovoye gosudarstvo được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong việc “nhập khẩu” tư tưởng luật nước ngoài lần này, những người cộng sản Việt Nam đã bất ngờ không chịu máy móc.
Khái niệm pravovoye gosudarstvo của Liên Xô đã chỉ thuần vạch ra một cách sắp xếp vai vế đảng – nhà nước mới mà không nói gì về ý thức hệ.
Những người cộng sản Việt Nam trong trường hợp này đã quyết định phải… bảo hoàng hơn vua, tức là cộng sản còn hơn Liên Xô.
Thay vì loại bỏ hoàn toàn pháp chế xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ghép pháp chế xã hội chủ nghĩa vào pravovoye gosudarstvo thành một sản phẩm rất riêng của họ: nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (socialist law-based state).
Yếu tố “nhà nước pháp quyền” (law-based state) là từ pravovoye gosudarstvo, trong khi “xã hội chủ nghĩa” (socialist) là tàn dư của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Nghĩa là, nhà nước Việt Nam sẽ là một nhà nước tuân thủ những nội dung hiến pháp, luật pháp công khai, rõ ràng, nghiêm chỉnh; nhưng nhà nước đó sẽ vẫn tuân theo đường lối của đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản. Đảng này vốn bị ràng buộc bởi điều lệ đảng, nhưng không nhất thiết bị ràng buộc bởi hiến pháp trong trường hợp hiến pháp và điều lệ đảng mâu thuẫn – một điều có thể hiểu qua những gì Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã nói.
Và nhà nước pháp quyền đó sẽ phải kiên định con đường chủ nghĩa xã hội bất kể có còn Đảng Cộng sản hay không.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, diễn ra vào tháng 6/1991, khái niệm “nhà nước pháp quyền”, dựa trên khái niệm pravovoye gosudarstvo, lần đầu tiên được lãnh đạo đảng giới thiệu.
Như đã nêu, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được “đặc cách” bổ sung vào Hiến pháp Việt Nam năm 2001 trước khi được đặt chính thức vào Hiến pháp 2013 vốn có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Những bài học từ số phận “pháp chế xã hội chủ nghĩa”
Qua 58 năm và một lần “phẫu thuật thẩm mỹ”, “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, với khuôn mặt mới nhiều phần thánh thiện hơn là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đã từ món hàng nhập Liên Xô trở thành một trong những điều khoản được sùng kính nhất trên bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.
Những người cộng sản thế kỷ 21 chắc hẳn đã mệt mỏi với việc khuân vác tư tưởng triết lý phương Tây về làm công cụ điều hành đất nước, để rồi lâu lâu cứ phải lôi ra mất công điều chỉnh cho hợp thời cuộc.
Vậy nên mới có Nghị quyết số 04-NQ/TW. Vậy nên mới có đội ngũ những dư luận viên trung thành với đảng luôn sẵn sàng công kích bất kỳ nỗ lực truyền bá hay cung cấp các thảo luận đa chiều về các tư tưởng triết lý chính trị, luật pháp nước ngoài nào.
Đứng từ cái nhìn của một người cộng sản, chúng ta có thể thấy cả câu chuyện về số phận của “pháp chế xã hội chủ nghĩa” là một câu chuyện phiêu lưu bildungsroman đầy cảm hứng, của một đảng cầm quyền đã luôn biết “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” để có thể vừa tiếp tục tồn tại vừa lèo lái đất nước đến những chân trời xán lạn.
Nhưng nếu nhìn từ cái nhìn của một người bình thường, phải hỏi rằng phải chăng bằng việc cấm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự bó buộc họ trong một thế giới phát triển và thay đổi không ngừng?
Những người cộng sản các thế hệ đầu tiên đã từng có tinh thần rất là start-up: “ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần”. Nhờ đó, họ có thể rộng mở tiếp nhận các tri thức quốc tế, cho dù thỉnh thoảng những tri thức quốc tế đó có gây họa trong nước thì những người cộng sản vẫn đã luôn linh động đi tìm các nguồn tri thức quốc tế khác thay thế.
Lớp đảng viên mới may mắn hơn đàn anh của họ rất nhiều. Thay vì phải “xoay tua” giữa hai ông anh chuyên gầm gừ đấm đá nhau, họ có thể học hỏi từ bất kỳ ai họ muốn.
Và họ lại chọn việc cấm “tự diễn biến” để bảo vệ sự tồn tại của chính mình.
Tài liệu tham khảo:
- Hiến pháp Việt Nam 2013 (Bộ Tư pháp Việt Nam)
- Hiến pháp Việt Nam 1991 (Bộ Tư pháp Việt Nam)
- “Deconstructing the “Socialist” Rule of Law in Vietnam: The Changing Discourse on Human Rights in Vietnam’s Constitutional Reform Process” (Thiem H. Bui – Contemporary Southeast Asia, Vol. 36, No. 1, Special Focus: Constitutional Politics in Southeast Asia (April 2014))
- Chương “Changing concepts of socialist law in Vietnam” (John Gillespie – Trích từ sách Asian Socialism and Legal Change: The dynamics of Vietnamese and Chinese Reform – Chủ biên: John Gillespie & Pip Nicholson – Australia National University Press 2005)
- Chương “The juridification of state regulation in Vietnam” (John Gillespie – Trích từ sách Legal reforms in China and Vietnam: a comparison of Asian communist regimes – Chủ biên: John Gillespie & Albert H. Y. Chen – Routledge Law in Asia – Routledge 2010)
- Chương “Concepts of Law in Vietnam: Transforming statist socialism” (John Gillespie – Trích từ sách Asian Discourses of Rule of Law – Chủ biên: Randall Peerenboom – Routledge Law in Asia Routledge 2004)
- Law and Society in Vietnam (Mark Sidel – Cambridge University Press 2008)
- Đã có pháp quyền, vậy pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì? (Quỳnh Vi – Luật Khoa tạp chí)
- Đã nhận biết sai lầm phải ra sức sửa chữa (Phan Thanh Hậu – Tạp chí Tổ chức Nhà nước)
- Huyền thoại và sự thực: Hồ Chí Minh trong Cải cách Ruộng đất (Nguyễn Quang Duy – Talawas Blog 2010)
Tự diễn biến , tự chuyển hoá mạnh hơn nữa , không chỉ dừng ở việc không xài tiếng Tàu , không học chữ Tàu , cấm các bảng chỉ đường bằng tiếng Tàu : mà sẽ không làm bạn với Tàu trong 1 thời gian dài (2,3,4 năm ? ) khi ấy Tập cận Bình sẽ nhớ bạn , thương bạn ,nể bạn ?