Chuyện khẩu hiệu (kỳ 6)

Khẩu hiệu và thực tế: Đoàn kết - Trách nhiệm - Thi đua xạy dựng cảnh quan dường phố
Khẩu hiệu và thực tế: Đoàn kết - Trách nhiệm - Thi đua xạy dựng cảnh quan dường phố "Xanh, Sạch, Đẹp" Ảnh: vanhien.vn
- Quảng Cáo -

Nguyễn ThôngBlog Nguyễn Thông |

Nói đến khẩu hiệu mà quên nhắc tới đảng là một sai lầm. Không những đảng chủ trương phải sử dụng khẩu hiệu mọi lúc mọi nơi, phát huy sức mạnh của khẩu hiệu, coi khẩu hiệu là một trong những nguyên nhân góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng, mà chính đảng còn là đối tượng hàng đầu của khẩu hiệu. Tất nhiên khẩu hiệu của đảng có nội dung về chính bản thân đảng thì chỉ tập trung vào sự ca ngợi, tung hô. Những gì hay nhất, đẹp nhất, từ ngữ ấn tượng nhất đều được sử dụng trong những câu khẩu hiệu về đảng.

Từ trước tới nay, câu khẩu hiệu về đảng nổi tiếng nhất là câu có phần đuôi “quang vinh muôn năm”. Phải viết như vậy bởi phần đầu bị đổi thay theo từng giai đoạn, từng thời kỳ, theo tên gọi khác nhau của đảng. Khi tôi còn nhỏ, đi đâu cũng thấy câu “Đảng lao động Việt Nam muôn năm”, sau chả biết có vị nào hay chữ đã thêm từ “quang vinh” vào nên thành câu hoàn chỉnh “Đảng lao động Việt Nam quang vinh muôn năm”. Rồi đến khi đảng đổi tên, khẩu hiệu đổi theo, thành “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm”, câu ấy còn sống khỏe tới giờ. Khi nào đảng đổi tên thì lại tính tiếp.

Gần như có một quy định bắt buộc (tôi nghĩ thế thôi bởi không dính gì tới đảng) là mọi hội trường đều phải treo câu khẩu hiệu này ngay nơi trang trọng nhất, thường là trên đỉnh sân khấu. Chưa bao giờ tôi thấy cái hội trường nào ở xứ ta vắng câu khẩu hiệu trứ danh này. Phải khen cho ai đã đặt ra quy định ấy bởi hội trường là nơi tập trung đông người nhất, cứ treo lên đó sẽ mưa dầm thấm lâu, không hô cũng thầm phải hô bởi mắt không thể không nhìn.

- Quảng Cáo -

Tôi biết trường hợp người quen làm cán bộ cỡ vừa vừa, tổ chức đám cưới cho con, mượn được cái hội trường cơ quan. Thì lúc đời sống còn khó khăn, thuê nhà hàng hoặc trung tâm tiệc cưới khá tốn kém nên được hội trường như vậy là ngon quá rồi. Đám cưới vui vẻ, cô dâu chú rể chụp ảnh tíu tít. Chỉ có điều anh thợ chớp ảnh không được dặn dò trước nên những tấm ảnh quan trọng nhất của lễ cưới, nhất là lúc quan viên hai họ đứng trên sân khấu, rồi cô dâu chủ rể cắt bánh, rót rượu làm lễ… đều có dòng chữ khẩu hiệu “muôn năm” kia. Chú rể là đứa thanh niên kiểu mới, thấy ảnh như vậy thì cứ cằn nhằn, bảo đám cưới chứ có phải lễ kết nạp đảng đâu mà lôi khẩu hiệu vào. Cũng không trách ông thợ ảnh được bởi ai bảo không quán triệt trước. Chẳng nhẽ làm đám cưới lại. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng tôi gặp lại nó, hỏi đùa ảnh cưới của mày còn không hở cháu, nó cười nhăn, cháu bỏ cả rồi, may mà vợ cháu nó cũng thông cảm.

Khoảng chục năm trở lại đây, có câu khẩu hiệu nữa về đảng thường xuất hiện vào dịp gần tết âm lịch, khi mùa xuân sắp về, là “Mừng đảng mừng xuân”. Khác ở chỗ, nó không ngự trong hội trường mà tràn ra phố xá. Những cửa ngõ vào thành phố, những ngã ba ngã tư, những khu vực trung tâm, những cổng chào, cổng vào làng thôn, nơi nào cũng “mừng đảng mừng xuân”. Có người thắc mắc sao lại đặt đảng trước xuân, nhưng đảng cứ kệ, chả sửa. Mà kệ cũng phải, hơi đâu chiều theo ý của đám quần chúng lắm lời. Nhạc sĩ Phạm Tuyên chẳng viết “đảng đã cho ta một mùa xuân” đấy ư, không có đảng làm sao có mùa xuân, “bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân”, nay có mùa xuân rồi, đã không biết ơn thì thôi, lại còn đòi này đòi nọ.

Hồi những năm 70-80 ở miền Bắc rất phổ biến câu “Tình hữu nghị Việt – Xô đời đời bền vững”. Phải nói rằng suốt bao năm, bầu sữa Liên Xô đã nuôi chế độ miền Bắc, từ chiếc máy bay, quả tên lửa đến miếng lương khô, ký bột mì, giọt xăng lít dầu, đúng ra là nuôi cuộc chiến tranh đánh Mỹ. Những chiếc tàu của Liên Xô cập cảng Hải Phòng quê tôi chủ yếu chở vũ khí nên cảng bị máy bay Mỹ đánh rất ác. Tất nhiên cũng không ít vụ nó thả bom vào khu dân cư, như khu Sở Dầu, Thượng Lý, cầu Niệm, có vụ chết mấy chục người như ở thôn Phúc Lộc gần cầu Niệm ngày 16.4.1972, hoặc thầy cô giáo dạy tôi hồi cấp 1 ở Thượng Lý cũng bị mất trong một trận bom B-52… Thôi thì chiến tranh, biết làm sao, nhưng cũng bởi đất Phòng là chiến địa quá ác liệt. Năm 1972, sau khi Mỹ thả thủy lôi phong tỏa, gần như đường tiếp tế này bị chặn đứng, không chiếc tàu nào dám vào, chỉ dừng ngoài phao số 0 rồi quay về. Duy nhất có chiếc tàu của Cuba liều chạy vào rồi cũng không ra được. Mãi tới năm 1973 Mỹ đã hoàn toàn chấm dứt ném bom miền Bắc, tàu phá thủy lôi của Mỹ vào phá, gỡ, thu gom, đường thủy mới được mở trở lại bình thường.

Sống nhờ hàng Liên Xô nên phải biết ơn, mong tình hữu nghị đời đời bền vững. Còn nhớ có một dạo đi đâu cũng gặp những thùng hàng Liên Xô, bằng gỗ thông, đóng đai thép xanh bóng (loại này cắt ra làm cái rút dép cao su thì tuyệt), đề chữ CCCP (tiếng Nga viết tắt, có nghĩa: Liên bang cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết). Dân gian coi chữ ấy, đọc trại thành “các chú cứ phá”, có người lại bảo không phải, mà là “càng cho càng phá”. Hàng Liên Xô không đẹp, cũng không bền như hàng Trung Quốc (không kể chiếc quạt tai voi), nhưng được cái rẻ, sẵn. Sau khi Việt Nam thống nhất, có lẽ các vị cai quản xứ ta cho ta là nhất, oách ngang Liên Xô nên họ dần dần ghét, cắt bớt viện trợ, đến cuối thập niên 80 lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng.

Mỗi lần vào nam ra bắc, ban ngày đi qua vùng Bỉm Sơn xứ Thanh, tôi đều thấy đập vào mắt câu khẩu hiệu “Tình hữu nghị Việt – Xô đời đời bền vững” ngự chễm trệ oanh liệt trên nóc nhà máy xi măng, mỗi chữ cái chiều cao bằng cái nhà, có cảm giác người mù cũng đọc được. Rồi sau sự kiện Liên Xô tan rã năm 1991, nó vẫn còn, như một hy vọng, một niềm tiếc nuối. Vài năm sau, có dịp ngang qua, tôi để ý thì thấy mất hẳn. Hóa ra ngay cả thứ đời đời bền vững cũng có lúc chịu cảnh nương dâu bãi bể, sắc sắc không không. Mà làm gì có thứ muôn năm, bền vững đời đời, đá còn phải mòn với thời gian, với sóng gió thế sự, chỉ tại người ta ảo tưởng mới đòi hỏi vậy thôi.

Hồi đầu thập niên 1980, đám thày giáo chúng tôi đói quá, đói vàng cả mắt, mặt mũi vêu vao, người như que củi, nhìn không ra giống người. Lương giáo viên đại học, cố nhịn, dè sẻn tằn tiện lắm cũng chỉ sống thoi thóp được 3 tuần. Một hôm anh Nguyễn Cao Cấp, từng đi bộ đội rồi về dạy học, sau bỏ nghề làm cơ quan khác, kêu tôi và thầy Lưu Văn Trường dạy sử đi đánh pắc (đánh thuê). Tưởng làm gì, hóa ra đi kẻ khẩu hiệu cho bên sở văn hóa. Anh Cấp nhận hàng về, tôi và thầy Trường cùng anh Lê Xuân Đố, nhà thơ, làm bên đài truyền hình, bò lê bò toài ra nền nhà ông Cấp kẻ kẻ vẽ vẽ. Làm được một tuần thì hết hàng, người ta không thuê nữa. Lúc sở thanh toán tiền công, anh Cấp bảo, thôi, tôi nhường 3 anh em nhà ông, rồi chia đều cho 3 người, mỗi “họa sĩ” được 72 đồng, hơn 1 tháng lương. Cả đời tôi, chỉ có mỗi lần bán chữ ấy là đắc ý nhất. Hôm rồi, anh Cấp từ Hà Nội gọi điện vào hỏi thăm dạo này sống thế nào, tôi bảo giá như anh lại có khẩu hiệu cho em kẻ thì tốt. Ổng bảo chú mày cứ nói xấu chế độ, giờ làm gì còn ai chết đói nữa. Nghe đâu ổng đã có hàm thiếu tướng, làm công việc gì quan trọng lắm, tôi cũng chả tiện hỏi.

Nhân chuyện kẻ khẩu hiệu, nhớ làng tôi có anh em anh Hạ con bác Xí, rất có hoa tay, kẻ chữ đẹp mà vẽ cũng tài. Mà hai bác đều nông dân rặt, nhưng mấy người con lại rất nghệ sĩ. Anh Hạ, anh Hùng đã thế, ngay chị My cũng hát rất hay, đàn giỏi, nổi tiếng trong vùng. Có lần tôi bỏ cả buổi sáng ngồi chầu hầu xem anh Hạ vẽ bức tranh cổ động trên tường nhà hợp tác xã mua bán, cảnh một chiếc tàu bay Mỹ bị bắn đứt đôi, bên dưới là câu thơ tôi còn nhớ như in (có lẽ ngồi coi kỹ quá bị nó ám, chùi không ra): “Hải Phòng vang dội chiến công/bắn rơi chiếc thứ một nghìn bốn trăm/Thằng Mỹ vừa nhảy xuống đồng/Dân quân tóm cổ trói dong vào tù/Ô hô không lực Huê Kỳ”. Thơ thế mới là thơ, khiếp thật. Anh Hạ vẽ đẹp nên tuy hơi gù nhưng lấy được chị Quẩn (vợ liệt sĩ, vừa lấy nhau thì chồng chị đi Nam và hy sinh) xinh lắm, có thể chị mê hoa tay và chất nghệ sĩ của anh. Khi anh Hạ thôi vẽ thì anh Hùng em trai anh lại kế tục sự nghiệp tuyên truyền cách mạng. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hóa ra khẩu hiệu cũng có cái hay của nó.


Bài trước:
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 1)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 2)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 3)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 4)
Chuyện khẩu hiệu (kỳ 5)


- Quảng Cáo -

12 CÁC GÓP Ý

  1. Tôi có anh trai ruột đi học trường năng khiếu hội họa âm nhạc của tỉnh, xung phong đi B năm 70, 76 về thương binh, xã giao đi kẻ khẩu hiệu dc 1 năm thì bỏ, tôi là E cũng thuộc 1 số, nhưng từ lâu cố đi đường không nhìn khẩu hiệu, để quên đi,

  2. ghét tàu nhưng thích tiểu
    thuyết kiếm hiệp cũa kim
    dung .
    dọc tới phái tinh túc trong
    thiên long bát bộ . cứ thấy
    quen quen .
    chả nhẻ !môn phái nầy là nguồn góc cũa cs.. tàu & vn.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here