Chỉ thị cấm biếu tặng quà tết: đánh trống bỏ dùi?

Tết là dịp mua quan bán chức
- Quảng Cáo -

Ánh Liên (VNTB)

Càng gần Tết Nguyên Đán, càng xuất hiện nhiều chỉ đạo ‘nghiêm cấm việc biếu, tặng quà dịp tết’ cho lãnh đạo cấp trên và cấp dưới.

Về phía địa phương, Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, Nghệ An,… ban hành chỉ thị ‘tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức Tết Nguyên Đán 2018’, trong đó nghiêm cấm tặng quà Tết, biếu Tết cho lãnh đạo cấp trên và cấp trên ‘tranh thủ cấp dưới’.

Về phía TW, Ban Bí thư Trung ương ĐCSVN ban hành Chỉ thị về tổ chức Tết năm 2018, trong đó có quy định: ‘Nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, cấp trên tranh thủ cấp dưới với mọi hình thức…’.

- Quảng Cáo -

Nhìn chung, đây là một chỉ thị mang tính phòng chống tham nhũng, trong có chú trọng ngăn ngừa hiện tượng hối lộ trong dịp Lễ tết.

Tại sao lại như vậy?

Theo BLHS 2015, Tội Hối lộ được quy định: ‘Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ’. Và ‘vật đưa’ được tính là gồm lợi ích vật chất, phi vật chất.

Nhưng một người sẽ không được coi là ‘hối lộ’ hay nhận hối lộ khi mà vật biếu/ tặng đó dựa trên cơ sở tình cảm – tức là họ ‘quý’ sếp nên tặng. Từ đây, nảy sinh ra hiện tượng biếu tết cho sếp hoặc gợi ý cấp dưới biếu tặng quà cho mình.

Mới đây, trong phiên xét xử vụ án Hà Văn Thắm, đã diễn ra tình trạng ‘các bị cáo cãi nhau’ về số tiền, số lần đi đưa quà lễ, Tết. Trong đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank đã có lần khai rằng, hàng năm phải đi lễ Tết hai vị lãnh đạo Vietsovpetro, mỗi lần áng chừng 10.000-20.000 USD hoặc 300 triệu đồng. Và chính ông Nguyễn Xuân Sơn cũng thừa nhận, chi quà dịp lễ tết vừa là ‘truyền thống’, vừa là ‘nỗi khổ của doanh nghiệp’.

Cấm biếu quà Tết chỉ là đánh tiếng trong gió?

Nhiều người khi đọc tin về chỉ thị hay chỉ đạo ‘cấm biếu quà Tết’ đều cảm thấy buồn cười và đặt chất vấn: phải chăng lãnh đạo đang đánh tiếng là không nên biếu quà trong dịp này?

Thực ra, chất vấn như vậy là đi vào đúng trọng tâm của vấn đề! Bởi lẽ, ở Việt Nam vẫn tồn tại cái gọi là ‘trọng điểm’. Ví dụ như những ngày Lễ tết, hoặc trước thềm diễn ra sự kiện quốc tế nào đó tại Việt Nam, các ban-ngành các cấp thường ra quân trong đợt ‘trọng điểm’ nhằm lập thành tích.

Và nếu đặt đối tượng là một con bạch tuộc thì xu hướng sẽ diễn biến là: khi ra quân thì đối tượng ‘co vòi’, khi rút quân thì đối tượng ‘xả vòi’.

Thiếu tính bất ngờ, mang tính chu kỳ, thành ra mỗi đợt ra quân trong dịp ‘trọng điểm’ lại phản tác dụng. Nó tạo nét biểu trưng của đối tượng xấu và đối tượng phòng chống cái xấu, và hình tượng rõ nét là thông qua hình tượng điệu nhảy cha cha cha – kẻ tiến thì người lùi theo ‘nhịp điệu phối hợp’.

Trở lại với chỉ thị cấm biếu quà Tết, nó cũng không khác những trận ra quân dịp trọng điểm là bao nhiêu. Tính chất như thông báo công khai cho các đối tượng rằng: đây là dịp cao điểm, đề nghị các anh/chị tạm thời dừng hoạt động.

Và chỉ thị được vô hiệu hóa bằng sự nghiêm túc chấp hành của ‘sếp trên’ lẫn ‘cấp dưới’.

Hối lộ dừng lại?

Tạm thời là dừng lại, và khi Tết qua đi, lập tức phong trào ‘hối lộ’ tiếp tục diễn ra như bình thường, và rơi vào dịp: sinh nhật con sếp, sinh nhật vợ sếp, sinh nhật bố mẹ sếp, sinh nhật ông ba sếp,…

Chỉ mới là ‘sinh nhật’, mà cơ hội được thể hiện ‘năng lực biếu quà’ gia tăng có chủ ý! Và như đề cập ở trên, vì mang tính chất tình cảm (quý mến) nên hành vi biếu tặng không được liệt kê là hối lộ. Và tất nhiên, ‘quà sinh nhật’ có thể lên hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng Việt Nam.

Câu chuyện phòng chống tham nhũng Việt Nam cứ xoay theo vòng tròn ‘hô hào’ hơn là ‘thắt chặt’. Bởi gốc gác của vấn đề phòng chống tham nhũng, hối lộ liên đời trực tiếp đến việc kiểm soát kê khai tài sản và thu nhập – thứ đã khiến cho xếp hạng về Minh bạch của Việt Nam luôn bị đội sổ lại luôn bị bỏ ngỏ.

Nếu biết tổng thu nhập mà mỗi quan chức có được tại năm 2017 là bao nhiêu, 2018 là bao nhiêu và rà soát tổng số tài sản hiện có của mỗi quan chức lẫn người thân của họ. Nếu không thể chứng minh được tính hợp pháp nguồn gốc tiền/ tài sản thì phải tiến hành cơ chế tịch thu, sung công quỹ. Và chỉ có tiến hành liệu pháp chặt chẽ, kỷ luật như vậy mới có thể đi đến kiểm soát chặt chẽ hơn trong vấn đề hối lộ, tham nhũng, cũng như phục vụ việc ‘tịch thu tài sản’ khi phát hiện ra sai phạm liên quan đến hối lộ và tham nhũng.

Nếu không, ‘Chỉ thị’ chỉ là tiếng báo hiệu ‘ngừng tham nhũng, hối lộ tạm thời’ không hơn, không kém. Và sau khi Tết Nguyên đán trôi qua, ‘sếp trên’, ‘cấp dưới’ lại bắt đầu ‘bổ sung dinh dưỡng’ cho nhau.

Một chu kỳ lẩn quẩn và không hề có lối thoát./.

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here