Tân Ngoại trưởng của chính phủ Đức sắp tới có khả năng làm cho vấn đề giữa Việt Nam và Đức qua vụ Trịnh Xuân Thanh đi theo chiều hướng khác hay không ?
Với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Đức hôm Chủ Nhật 24/9 mới đây, khối Liên Minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của đương kim thủ tướng Angela Merkel giành 33% số phiếu.
Mặc dù kết quả này thấp hơn so với cuộc bầu cử trước nhưng vẫn đủ để bà Merkel tiếp tục giữ chức thủ tướng nhiệm kỳ thứ tư sau 12 năm liên tục cầm quyền. Trong khi đó Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Ngoại trưởng Sigmar Gabriel chỉ đạt được có hơn 20% số phiếu.
Với kết quả này từ một đảng đối tác trong liên minh cầm quyền của bà Merkel, SPD tuyên bố sẽ rút ra khỏi liên minh để trở sang vị thế đối lập. Và như vậy chính phủ Đức sắp tới sẽ có người mới đứng đầu Bộ Ngoai giao khi bà Merkel lập liên minh với các đảng đối tác khác. Từ đó có dư luận cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ bước sang diễn biến mới.
Qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, từ Sài Gòn Luật sư Nhân quyền Lê Công Định bình luận về sự kiện này như sau .