Nhóm Nghiên cứu Thể chế là một nhóm tự nguyện, hình thành trên tinh thần nghiên cứu học thuật và tập trung vào nghiên cứu về thể chế dân chủ nhằm đưa ra dự án nghiên cứu của nhóm. Nhóm ra đời ngày 9/6/2017 tại Hà Nội và tôi là một trong bốn thành viên ban đầu.
Mặc dù chỉ thuần tuý vì mục đích học thuật, nhưng kể từ khi ra đời đến nay, nhóm Nghiên cứu Thể chế đã gặp phải sự sách nhiễu thường xuyên của nhà cầm quyền. Các thành viên đều lần lượt được cơ quan an ninh triệu tập để làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm.
Hết triệu tập…
Ngày 25/8, cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội đã phát giấy triệu tập lần thứ nhất cho tôi, yêu cầu tôi đúng 8h30 ngày 28/8 phải có mặt tại 89 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để “làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm ‘Nghiên cứu Thể chế’”.
Tôi đã từ chối chấp hành giấy triệu tập phi pháp nói trên, bởi theo mục b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì điều tra viên được phân công điều tra vụ án hình sự có quyền “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”, nghĩa là chỉ khi ai đó liên quan đến một vụ án hình sự đã được khởi tố thì mới bị công an triệu tập để làm việc. Ngoài ra, khoản 1.1 Điều 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/1/2006 của Bộ Công an còn quy định: “Điều tra viên được phân công thụ lý chính điều tra vụ án được ký giấy triệu tập bị can tại ngoại để hỏi cung, triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án theo kế hoạch đã được Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra được phân công chỉ đạo điều tra vụ án duyệt.”
Ngày 28/8, viên cảnh sát khu vực lại đến nhà trao cho tôi giấy triệu tập lần thứ hai của cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội, yêu cầu đúng 8h30 sáng ngày 29/8 tôi phải có mặt tại trụ sở cơ quan ANĐT Công an Hà Nội để “làm việc liên quan đến hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế”. Một lần nữa, tôi lại từ chối chấp hành giấy triệu tập phi pháp của Công an Hà Nội, với lý do nêu trên. Ngày 8/9, cơ quan ANĐT Công an Hà Nội lại phát giấy triệu tập tôi lần thứ ba, và tôi tiếp tục từ chối chấp hành.
…lại đến bắt cóc
Sáng 12/9, tầm 7h30, khi tôi vừa rời khỏi quán ăn sáng một đoạn thì bị khoảng chục nhân viên an ninh dưới sự chỉ huy của thiếu tá Nguyễn Thế Thanh áp sát. Họ chìa cho tôi xem giấy triệu tập lần thứ tư, nhưng tôi chưa kịp ngó qua thì đã bị cả toán cưỡng chế lên chiếc xe ô tô 7 chỗ đang chờ sẵn rồi áp giải tôi về trụ sở Công an Hà Nội. Đến nơi, khoảng hơn 8h, viên thiếu tá cùng một nhân viên an ninh dẫn tôi vào chính căn phòng tầng 1 mà ngày 10/5/2016, tôi đã bị bắt cóc và cưỡng chế đến để “làm việc” với họ về các bài viết đăng tải trên Internet.
Thiếu tá Nguyễn Thế Thanh yêu cầu tôi bỏ điện thoại ra. Tôi lấy điện thoại ra, tắt máy và để trên bàn làm việc; viên thiếu tá liền cầm lấy và để vào chiếc bàn nhỏ nằm trong góc phòng. Một nhân viên kỹ thuật mang máy quay phim vào đặt ở góc phòng và bật máy ghi hình.
Và lý lẽ “luật là tao”
Thiếu tá Nguyễn Thế Thanh nói: “Sau mấy lần phát giấy mà anh không đến làm việc. Hôm nay chúng tôi mời anh đến đây để làm việc về những nội dung liên quan đến hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế.” Tôi nói: “Đây không phải là ‘mời’. Đây là hành vi bắt cóc và cưỡng chế người trái pháp luật. Tôi phản đối việc các anh xâm phạm quyền tự do và quyền bất khả xâm phạm về thân thể của tôi, cũng như việc các anh quay phim ghi hình tôi.”
Tôi viện dẫn những căn cứ pháp lý ở phần trên để nêu lý do không chấp hành các giấy triệu tập của họ. Viên thiếu tá nói: “Giống như năm ngoái, khi anh từ chối làm việc với chúng tôi với lý do là anh không liên quan đến một vụ án nào đã được khởi tố nên không thể bị triệu tập. Chúng tôi đã nói là anh hiểu chưa đầy đủ về luật. Hôm nay tôi cho anh xem cái này.”
Anh ta đưa cho tôi tập Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về việc “Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp & PTNT và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành ngày 2/8/2013, rồi chỉ cho tôi đến Điều 10 (“Nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên”) của bản thông tư. Mục b khoản 3 của Điều 10 ghi rõ là điều tra viên được phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có quyền “triệu tập và lấy lời khai của những người có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh nguồn tin”.
Tiếp theo, anh ta chìa cho tôi xem qua văn bản đầu tiên trong tập hồ sơ liên quan mà anh ta giữ khư khư trên tay. Đó là công văn số 1118/STTTT-TTĐT “Về bài viết trên mạng có nội dung vi phạm pháp luật” do Sở Thông tin – Truyền thông Hà Nội gửi Công an Hà Nội ngày 29/6/2017. Nội dung công văn đại khái là Sở TT-TT phát hiện thấy sự ra đời của một nhóm mang tên “Nghiên cứu Thể chế” với trang web tại địa chỉ http://nghiencuutheche.com (kèm theo thông tin và hình ảnh các thành viên), trong đó có những bài viết có nội dung “vi phạm pháp luật”. Tôi yêu cầu anh ta cho tôi xem kỹ công văn mà Sở TT-TT “tố giác” chúng tôi, nhưng anh ta từ chối.
Tức là, theo thiếu tá Nguyễn Thế Thanh, căn cứ vào Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC và công văn số 1118/STTTT-TTĐT, việc cơ quan ANĐT Công an Hà Nội phát giấy triệu tập tôi đến làm việc về hoạt động của nhóm Nghiên cứu Thể chế là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, tôi đã mạnh mẽ phản bác lại lập luận của anh ta. Thứ nhất, quyền triệu tập những đối tượng liên quan của điều tra viên đã được quy định tại mục b khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 và được giải thích cụ thể hơn tại khoản 1.1 Điều 1 Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12/1/2006 của Bộ Công an; mục b khoản 3 Điều 10 Thông tư Liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC không chỉ ra đời sau mà còn trái với các quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11), vì thế nó mặc nhiên vô hiệu, không có giá trị pháp luật.
Thứ hai, ngay cả khi mục b khoản 3 Điều 10 của Thông tư Liên tịch kia là đúng pháp luật đi nữa thì khoản 1 Điều 9 của thông tư đó cũng đã quy định rõ: “Sau khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, cơ quan điều tra phải tiến hành phân loại, xác minh sơ bộ ban đầu.” Vì vậy, tôi yêu cầu anh ta chỉ cho tôi thấy việc chúng tôi thành lập nhóm Nghiên cứu Thể chế, cũng như nội dung các tài liệu đăng tải trên website của nhóm, vi phạm pháp luật hay có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở chỗ nào, theo điều nào của luật nào, mà cơ quan ANĐT đã dựa vào để “triệu tập” chúng tôi. Dĩ nhiên, anh ta không thể trả lời được câu hỏi đó.
Ngoài ra, trong buổi “làm việc”, tôi cũng nói rõ với thiếu tá Nguyễn Thế Thanh là tôi không còn niềm tin vào lực lượng công an nữa, bởi tôi là người đã tố cáo những tội ác khủng khiếp của một loạt lãnh đạo chóp bu suốt từ năm 2008 đến nay; mặc dù 9 năm đã trôi qua nhưng vụ tố cáo công khai, đúng pháp luật và đặc biệt nghiêm trọng của tôi vẫn chưa được nhà chức trách giải quyết đúng pháp luật; và trong khi người tố cáo lẽ ra phải được bảo vệ thì tôi lại thường xuyên bị sách nhiễu, khủng bố, trả thù với đủ mọi hình thức. Trước lập luận không thể bác bỏ được của tôi, anh ta đành chống chế là vụ tố cáo của tôi đang tạm gác lại (!).
Với những lý do nêu trên, tôi đã từ chối làm việc với cơ quan an ninh điều tra Công an Hà Nội, không trả lời các câu hỏi khi họ lập biên bản làm việc, và không ký vào biên bản. Cuối cùng, đến gần 16h30, họ đưa tôi lên ô tô và áp giải về nhà.
Thật mỉa mai, việc Công an Hà Nội triệu tập các thành viên nhóm Nghiên cứu Thể chế, một nhóm thuần tuý học thuật, hay bắt cóc và cưỡng chế tôi đến “làm việc” với họ lại diễn ra trong bối cảnh chỉ mới vài tháng trước, ông Võ Văn Thưởng, người đứng đầu bộ máy tuyên truyền của Đảng CSVN, còn trịnh trọng loan báo: “Ban Tuyên giáo Trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Không còn nghi ngờ gì, cách đối xử mà Công an Hà Nội dành cho nhóm Nghiên cứu Thể chế nói chung cũng như cá nhân tôi nói riêng đã cho thấy, đằng sau thông điệp “đối thoại” của nhà cầm quyền Việt Nam là lời cảnh báo: Hãy “đối thoại” với cộng sản theo cách họ muốn, nếu không muốn bị cưỡng bức “đối thoại” trước khi bị tống vào tù.
Lê Anh Hùng Blog – VOA
Thủ đoạn bỉ ổi của nhà sản,,!
Chết con mẹ mày đi laị thêm 1 con tốt thế mạng