Từ sau khi kết thúc Đại hội đảng 12 vào cuối tháng Một năm 2016, lãnh đạo CSVN rơi vào ba khủng hoảng lớn.
-Khủng hoảng đầu tiên là sự rối loạn trên thượng tầng lãnh đạo, do chính những xung đột quyền lực và quyền lợi giữa phe ông Trọng và phe ông Dũng ngày càng trở nên gay gắt, khiến cho uy tín của đảng xuống dốc thê thảm.
-Khủng hoảng thứ hai là thảm họa môi trường do công ty Formosa gây ra tại bốn tỉnh miền Trung mà cho đến nay, vượt ngoài khả năng giải quyết của đảng CSVN về hai mặt: tẩy sạch ô nhiễm để bà con ngư dân an tâm trở lại nghề biển, và bồi thường thỏa đáng những thiệt hại của hàng trăm ngàn nạn nhân.
-Khủng hoảng thứ ba là tình hình kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn vì sự thiếu hụt tài chánh, khiến chính phủ không còn tiền để cung ứng ngân sách cho các địa phương và nhất là trả nợ đáo hạn. Trong khi đó người dân đang giữ trong tay 500 tấn vàng trị giá tương đương với 20 tỷ Mỹ Kim, mà Hà Nội hoàn toàn bế tắc trong việc huy động để cứu nguy nền tài chánh đang gặp khó khăn.
Bên cạnh những khủng hoảng nói trên, lãnh đạo đảng CSVN đang phải đối diện với một kết cuộc khá bất ngờ và vô cùng cay đắng cho tình hữu nghị “việt – trung”, đó là sự đe đọa của Bắc Kinh: sẵn sàng tấn công vào các căn cứ quân sự ở Trường Sa nếu Hà Nội không ngưng dự án khai thác dầu khí tại lô 136/3 nằm trong bãi Tư Chính do Tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha đang tiến hành.
Sự đe dọa nói trên của Bắc Kinh đã đặt lãnh đạo CSVN ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu tiếp tục tiến hành dự án khai thác mà Repsol cho biết đã khoan được một mỏ khí đốt rất lớn hôm đầu tháng Bảy, 2017 thì chắc chắn sẽ bị tấn công vì chính Trung Quốc đã mang giàn khoan HD 780 cùng 40 tàu chiến về khu vực bãi Tư Chính. Xung đột biển Đông có thể bùng nổ mà nhiều phần sẽ bất lợi cho CSVN.
Nếu rút lui tức là yêu cầu Tập đoàn Repsol ngưng dự án, thì dù có giữ kín nhưng tin tức này cuối cùng cũng sẽ lộ ra bên ngoài. Chắc chắn những cuộc biểu tình chống Trung Quốc sẽ bùng nổ, và chính nội bộ CSVN cũng có những phản đối mạnh mẽ về chính sách thân Bắc Kinh hiện nay của ban lãnh đạo.
Cả hai tình huống đều có thể dẫn đến tình trạng đột biến của xã hội, dẫn đến bất ổn định chính trị mà lãnh đạo CSVN khó lường trước làn sóng bất mãn của quần chúng.
Chính trong bối cảnh lo sợ làn sóng trổi dậy của người dân, trong tháng Bảy vừa qua, an ninh CSVN đã cùng lúc tiến hành hai thủ đoạn.
-Một là tung an ninh kiềm chế tất cả những nơi họ nghĩ là có thể huy động số đông quần chúng tham dự vào những cuộc biểu tình, tập họp mít tinh.
-Hai là ra lệnh bắt khẩn cấp một số nhà dân chủ có tiềm năng lãnh đạo phong trào đấu tranh quần chúng.
Người mà an ninh bắt khẩn cấp theo kiểu bắt cóc đầu tiên là ông Lê Đình Lượng, cư trú tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An hôm 24 tháng Bảy. Ông Lượng bị bắt cùng với ông Thái Văn Hòa trên đường về, sau khi đi thăm gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Ông Lượng bị bắt theo điều 79 “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Việc an ninh bắt khẩn cấp ông Lê Đình Lượng đã gây nên một sự phẫn nộ rất lớn của bà con giáo dân tại Nghệ An, vì ông Lượng không chỉ là chiến binh chống Trung Quốc trong trận chiến biên giới năm 1983, mà còn là người đã sát cánh với bà con ngư dân tranh đấu đòi bồi thường trong vụ thảm họa do Formosa gây ra.
Một tuần lễ sau, trong buổi sáng Chủ Nhật ngày 30 tháng Bảy, lực lượng an ninh đã đồng loạt trấn áp và bắt giữ bốn thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ ở cả ba miền Nam-Trung-Bắc.
Ông Phạm Văn Trội bị công an ập vào nhà ở Hà Nội bắt đi lúc 11 giờ sáng. Mục Sư Nguyễn Trung Tôn bị an ninh ập vào nhà ở Thanh Hóa bắt vào buổi trưa. Ký Giả Trương Minh Đức bị bắt vào buổi sáng ở Sài Gòn. Ông Nguyễn Bắc Truyển bị bắt giữ khi đến trụ sở Công lý và Hòa bình của Dòng Chúa Cứu Thế ở Sài Gòn vào buổi sáng. Những người này cũng bị an ninh ghép vào điều 79 như ông Lê Đình Lượng là “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Ngoài việc bắt giữ bốn nhà dân chủ nói trên, an ninh cũng đồng thời gọi các Facebooker Lê Dũng Vova, Phan Văn Bách, Lê Trọng Hùng thuộc Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt lên “làm việc”, và cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc cũng bị công an đến nhà gõ cửa “triệu tập” lên đồn công an khu vực chất vấn.
Trong thời gian non năm năm qua, chưa có đợt trấn áp nào mà lực lượng an ninh đã bắt giữ hàng loạt những nhà dân chủ đã từng vào tù CSVN trong những thời điểm khác nhau vì khát vọng đấu tranh cho dân chủ như hiện nay.
Hơn thế nữa những người bị an ninh bắt khẩn cấp đã và đang hoạt động trong Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự có đông thành viên ở cả ba miền Nam – Trung – Bắc, do Luật sư
Nguyễn Văn Đài (hiện cũng đang bị bắt giữ theo điều 88) thành lập cách nay 4 năm.
Câu hỏi đặt ra là tại sao CSVN không dùng điều 79 để truy bức những nhân sự lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ cách nay vài năm mà nay họ mới ra tay trấn áp?
Chính là vì lo sợ tình hình đột biến do mối quan hệ “việt – trung” đang xấu đi có thể tác động lên sự phẫn nộ chống Trung của quần chúng, và áp lực thoát Trung trong nội bộ đảng hiện nay, đẩy các khủng hoảng xã hội bùng nổ thành những cuộc biểu tình của quần chúng như đã từng xảy ra ở Đông Âu năm 1989 hay tại Bắc Phi năm 2011.
Việc CSVN bắt giữ hàng loạt những người yêu nước ôn hòa theo điều 79 đã tự tố cáo thêm bản chất không hề thay đổi của một chế độ độc tài, đang hoảng hốt trước những áp lực bủa vây, và đặc biệt, là trước tinh thần quật khởi không khoan nhượng của người dân.