So với Hiến pháp năm 2013, thông điệp bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã có bước tiến đáng kể về mặt tư duy kinh tế. Nếu như ở Hiến pháp năm 2013, Điều 51 vẫn quy định “Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, thì 4 năm sau, tại Hội nghị Trung ương 5 (tháng 5-2017), Đảng đã thay đổi tư duy về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là động lực quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Doanh nghiệp tư nhân có giàu mạnh thì người dân mới giàu mạnh, no ấm.
Thông điệp đã rất rõ nhưng hành động thực tế như thế nào mới là quan trọng. Chính phủ hãy lắng nghe khối kinh tế tư nhân, từ những người kinh doanh nhỏ lẻ đến các doanh nghiệp lớn, để biết họ đang phải đối diện với những gì và họ thực sự cần gì?
Tôi đã hỏi không ít doanh nghiệp tư nhân và câu trả lời là sự công bằng. Họ cần sự công bằng, không chỉ trong tiếp cận nguồn lực mà cả công bằng trong mối quan hệ với chính quyền. Khi một nền hành chính công vẫn mang tư duy xin – cho, tư duy của người quản lý, thay vì phải là người phục vụ, thì thật khó để biến những thông điệp trên thành sự thật.
Đúng vào thời điểm này năm ngoái, một doanh nghiệp sản xuất xúc xích ở Bình Dương gần như đứng trên bờ vực phá sản vì bị Chi cục quản lý thị trường Hà Nội tạm giữ 2,2 tấn hàng suốt hơn một tháng trời.
Dù không đủ thẩm quyền kết luận xúc xích chứa chất cấm, nhưng Chi cục quản lý thị trường Hà Nội đã nhanh nhảu cung cấp thông tin cho hàng loạt cơ quan báo chí, dẫn đến có tới 500 bài báo đã đăng tải nội dung xúc xích chứa chất cấm. Hậu quả là doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, hoạt động kinh doanh ngưng trệ hơn một tháng ròng rã. Dù sau đó được Bộ Y tế minh oan là không chứa chất cấm thì người tiêu dùng cũng đã quá đỗi hoang mang, còn doanh nghiệp thì sống dở chết dở.
Và mới cách đây vài hôm, Bộ Tài chính lại khiến không ít doanh nghiệp và người dân rơi vào tình thế hoang mang khi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tạm đình chỉ thi công 60 dự án xây dựng nhà ở đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền đấu giá, đồng thời chuyển cho Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách các dự án để phục vụ cho hoạt động thanh tra năm 2017.
Tôi rất ủng hộ việc thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản. Không chỉ riêng ngành này mà tất cả các ngành đều cần có sự kiểm tra, giám sát để chống thất thoát, lãng phí. Nếu dự án nào chưa thực hiện đúng nghĩa vụ tài chính thì phải thu đủ, trả về ngân sách. Thứ hai, tôi càng ủng hộ việc minh bạch thông tin của các ngành chức năng. Tuy nhiên, nó phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến những đối tượng không có sai phạm.
Thực tế là, danh sách của Bộ Tài chính đưa ra chỉ là một danh sách tham khảo, nó chưa phải là kết luận cuối cùng về sai phạm của doanh nghiệp. Đáng lẽ ra, phải chờ đến khi Chính phủ kết luận, doanh nghiệp nào làm sai doanh nghiệp đó phải chịu, chứ không thể vơ đũa cả nắm, đề nghị đình chỉ tất cả. Doanh nghiệp được cấp phép đầu tư bởi chính các cơ quan quản lý nhà nước, nay sao lại dễ dàng đề nghị dừng như một kiểu hồi tố khi còn chưa có kết luận cuối cùng là đúng hay sai?
Sự việc này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan quản lý với việc đảm bảo môi trường kinh doanh. Ai phải chịu trách nhiệm về các quyết định cấp phép đầu tư? Nếu có cấp phép sai, thì đáng lẽ ra phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trước tiên. Trong trường hợp doanh nghiệp được cấp phép đầu tư đúng thì nay sao có thể bắt họ phải gánh chịu hậu quả? Hàng chục ngàn người dân đã mua nhà ở dự án này họ không có lỗi, tại sao bắt họ phải thiệt thòi? Hãy thử đặt vào vị trí một người mua nhà ở các dự án này để nghĩ xem?
Thị trường bất động sản, đúng là có nhiều thứ nhạy cảm, nhưng nó là một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế. Thế nên, phải dần dần khiến nó phát triển lành mạnh. Mà để như thế, tất cả các bên tham gia thị trường đều phải sòng phẳng với nhau.
Còn nếu bộ ngành vẫn hành động tuỳ tiện, thích thì ra văn bản, thích thì thì kiểm tra, thích thì công bố ầm ĩ, chưa cần biết đúng sai, thì cuối cùng thông điệp đổi mới tư duy kinh tế sẽ mãi chỉ là câu chuyện trong phòng hội nghị, hoặc nằm trên giấy mà thôi.