Việt Nam không nên ‘đổ vấy’ cho Mỹ!

- Quảng Cáo -

Đinh Hoàng Thắng

Hơn hai thập niên trước đây (năm 2003), trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ông Nguyễn Phú Trọng đã đăng đàn tại một Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với chủ đề về kinh tế thị trường (Kinh nghiệm của Trung Quốc và Việt Nam).

Bài phát biểu dài 7.600 chữ được đăng lại 4 năm sau đó trên Tạp chí Cộng sản, chắc là sau khi ‘được giải mật’ (1). Từ đó đến nay, bài viết ‘gan ruột’ này của Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng không rõ được quảng bá đến đâu. Nhưng có một câu chuyện thời sự đang diễn ra, liên quan đến nội dung cốt lõi của bài viết ấy. Đó là ngày 23/01/2024, trong một Hội thảo về quan hệ Mỹ – Việt được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ), Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tại Hoa Kỳ đã kêu gọi Washington hãy chấm dứt việc gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ (NME) đối với Hà Nội. Đại sứ Việt Nam cảnh báo rằng, việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều không tốt cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn (2).

Hẳn ông Đại sứ biết rất rõ, các nhà tư bản không căn cứ vào ‘quan hệ thân thiết’ hay ‘quan hệ sơ giao’ để đầu tư, mà họ căn cứ trước hết vào khả năng sinh lời (tức là vào lợi nhuận). Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản thời hiện đại đã có những điều chỉnh lớn so với trước đây. Họ không kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. Đó là lý do tại sao kinh tế thị trường phải đi kềm theo một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và một xã hội dân sự lành mạnh. Đó cũng là lý do tại sao Liên Âu (EU) sau khi ký Hiệp định khung EVFTA với Việt Nam, mỗi thành viên EU đều rất coi trọng Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA), vừa bảo vệ quyền lợi cho cả giới chủ lẫn người lao động. Nếu chính quyền không có cơ chế đảm bảo tính minh bạch (transperency), bao hàm sự cởi mở, giao tiếp chuẩn mực và trách nhiệm giải trình (credibility), thì không nhà tư bản nào dám đầu tư.

- Quảng Cáo -

Kinh tế thị trường là tổng hòa của nhiều mối quan hệ. Nếu không có tư pháp và quốc hội độc lập, không có hệ thống bầu cử khả tín, thì ‘bói đâu ra’ nền kinh tế tự do (sở hữu tư nhân, luật pháp nhất quán, rõ ràng…) Nếu nền kinh tế không được quản trị bởi ‘tam quyền phân lập’, chính phủ do dân bầu, với một xã hội dân sự đàng hoàng, một nền báo chí công khai, thì không một nhà tư bản nào dám nhảy sang con thuyền mà Việt Nam vừa cam kết ‘chia sẻ tương lai’ với Trung Quốc của Tập Cận Bình.

Tại diễn đàn Bắc Kinh 20 năm trước, ông Trọng khẳng định, sự hình thành kinh tế thị trường định hướng XHCN là mô hình trong thực tiễn của Việt Nam, là quá trình tất yếu phù hợp với quy luật của thời đại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước (3).

Kết luận này của ông Trọng đã đưa hết thảy những ai quan tâm đến thực tiễn Việt Nam từ bấy tới nay, đều cập bến ‘bên kia bờ ảo vọng’. Bởi vì, nếu thị trường định hướng XHCN trở thành ‘mô hình trong thực tiễn’ thì Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không phải chỉ thị cho Đại sứ Việt Nam ở Mỹ yêu cầu (hay thúc giục) Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam có thị trường tự do. Đòi hỏi của ông Đại sứ phải chăng là một sự công nhận ngầm thất bại đối với mô hình ‘thị trường định hướng XHCN’? Vì sao? Thị trường tự do và thị trường XHCN chẳng khác gì hai con thuyền trên một dòng sông. Hiển nhiên là ‘kinh tế thị trường tự do’ đã và đang tiến về phía trước, mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, bỏ xa con thuyền ‘kinh tế thị trường XHCN’, chỉ còn vài thực thể đi sau. Mà Việt Nam hiện đang ‘tròng trành’ trên con thuyền thuộc thiểu số này, cùng với những người năm ngoái Hà Nội cam kết ‘chia sẻ tương lai chung’ (4).

Năm ngoái, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng vượt cấp quan hệ lên ‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’ (CSP) trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden (10/9/2023). Cũng năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen chấm dứt việc gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ (NME).

Trong hội thảo tại CSIS năm nay ở Whashington, phía Hoa Kỳ đã có những động thái ngoại giao khả tín. Bà Lindsey W. Ford, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đặc trách Nam và Đông Nam Á, đánh giá rằng, tuy là một chuyên gia quốc phòng, song bà lưu ý mối quan hệ Mỹ – Việt còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau (5). Thứ trưởng Ngoại giao Fernandez cũng muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về thương mại, năng lượng, chip, bán dẫn trong chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm, song song với việc duy trì sự bền vững về môi trường (6). Nhưng Mỹ, Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới vẫn liên tục bày tỏ quan ngại việc Việt Nam tăng cường bắt giam các nhà hoạt động môi trường trong năm qua (7).

Kinh tế thị trường tự do có quy luật riêng, không có Tổng thống hay đảng phái nào ‘chỉ huy’ được sự vận hành khách quan của nó, kể cả quan hệ ngoại giao thân thiết hơn mà ông Đại sứ nhắc nhở ở trên. Dân chủ nhân quyền luôn là những trụ cột không bao giờ Mỹ bỏ qua trong quan hệ với Việt Nam. Tùy lúc, tùy nơi, các mục tiêu này có thể tạm thời xếp sau ưu tiên địa-chính trị. Nhưng ‘bàn tay vô hình’ mới là khả năng của cơ chế thị trường đưa ra quyết định về quan hệ độc lập giữa nhà đầu tư với đối tác. Không khắc phục những căn bệnh kinh niên của nền kinh tế chỉ huy, tên gọi khác của thị trường định hướng XHCN, thì không bao giờ có thể giải quyết được các ách tắc về hệ thống của toàn thể xã hội. Cho dù chính phủ đóng vai trò quan trọng trong các quy định về luật lệ để điều tiết đời sống kinh tế, nhưng không bao giờ có chuyện công an có thể đóng dấu ‘tuyệt mật’ lên các giao dịch kinh tế.

Kinh tế ‘thị trường định hướng XHCN’ vốn là đường lối ‘hạt nhân’ của ĐCSVN. Nhưng sau các đòn thảm bại của ‘các quả đấm thép’ từ các tập đoàn nhà nước, đặc biệt với tình hình khó khăn hiện nay, Việt Nam đang phải tính lại nhiều chuyện (8). Gần nửa năm qua, Hà Nội không bỏ sót bất cứ một cơ hội nào, ‘giục’ Hoa Kỳ sớm hoàn thành công nhận quy chế kinh tế thị trường. Từ Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, đến các Bộ trưởng, các chính khách… tất cả đều vào cuộc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 10/11/2023 còn ban hành Quyết định 1335/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về đợt vận động này (9). Nhưng kể cả khi Mỹ thôi ‘gắn nhãn nền kinh tế phi thị trường’, Việt Nam vẫn phải đẩy mạnh công cuộc tái các cấu trúc chính trị, như quyền sở hữu, cải cách hệ thống luật pháp, cải thiện môi trường kinh doanh, để nâng cao khả năng giao dịch thương mại, tạo được nền tảng của phát triển. Chừng nào còn duy trì các thuộc tính ‘phi thị trường’ của kinh tế công hữu, không chịu thừa nhận tư hữu (Luật đất đai mới nhất cũng chưa công nhận quyền sở hữu của người dân). Chừng nào vẫn kiên trì kinh tế thị trường định hướng XHCN, kiên trì nhà nước cảnh sát (án bỏ túi, họp án giữa các cơ quan tư pháp) và xã hội toàn trị (hiếm có nước nào lực lượng công an đông đến thế, ngân sách gấp 14 lần cho giáo dục)… Với ‘tam vị nhất thể’ ấy, thì chính Việt Nam tự dán nhãn cho mình, chứ sao lại ‘đổ vạ’ cho Mỹ?

Tham khảo:

(1) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx#

(2) https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-viec-my-liet-vao-dien-kinh-te-phi-thi-truong-co-hai-cho-quan-he-song-phuong/7452293.html

(3) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx#

(4) https://onthisinhvien.com/so-sanh-nen-kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xhcn-va-dinh-huong-tbcn

(5) https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-bo-quoc-phong-my-hop-tac-viet-my-ngay-cang-phat-trien-truong-thanh/7455954.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/thu-truong-my-thuc-day-hop-tac-viet-nam-thuong-mai-nang-luong-chip/7455982.html

(7) https://www.voatiengviet.com/a/lhq-quan-ngai-viec-bat-giam-nha-hoat-dong-moi-truong-hoang-thi-minh-hong/7120057.html

(8) https://theleader.vn/that-bai-cua-qua-dam-thep-va-tu-duy-moi-ve-dau-tu-da-nganh-20180312002045212.htm

(9) https://hethongphapluat.com/quyet-dinh-1335-qd-ttg-nam-2023-phe-duyet-de-an-thuc-day-cong-tac-de-nghi-hoa-ky-cong-nhan-viet-nam-la-quoc-gia-co-nen-kinh-te-thi-truong-trong-cac-vu-viec-phong-ve-thuong-mai-do-thu-tuong-chinh-phu-ban-hanh.html

- Quảng Cáo -