Năm 2017 gõ cửa nhà tôi. Tôi gỡ tờ lịch cuối cùng xuống như thể khép lại căn phòng thời gian đã hết. Ba trăm sáu lăm ngày mới, trắng tinh xếp hàng dài, im lặng nhìn tôi. Và như mọi năm, tôi lại tự hỏi với điều rất cũ “những gì sẽ đến, ngày mai, trên đất nước này?”
Câu hỏi ấy, mỗi năm, tôi – và có lẽ là nhiều người khác nữa – vẫn tự hỏi như vậy. Những niềm hy vọng thấp thỏm về ngày mai tốt đẹp hơn trên quê hương luôn âm ỉ trong trái tim. Những ngày mai vô định như nhà thơ Antonio Machado (1875-1939) khi ngồi ở biên giới nước Pháp, từng chiều nhìn qua hàng rào kẽm gai và nghĩ về quê hương Tây Ban Nha của mình. Machado đã qua đời trong niềm hy vọng. Và chúng ta, đôi khi giật mình, vì từng năm như vậy cứ chậm chập trôi qua, và rồi khi nhìn lại thì đã gần nửa thế kỷ, gần cạn một đời người, cũng với niềm hy vọng.
Mọi lời chúc và hy vọng cho năm mới vẫn như vậy.
Tràn ngập trên facebook và điện thoại của tôi là những tin nhắn mừng năm mới. Năm thì mới nhưng nội dung thì không mới: vẫn là hạnh phúc, thịnh vượng… Con người ngàn đời luôn khắc khoải mang giấc mơ về ấm no và bình yên. Nhưng hy vọng đó cũng là một loại ảo ảnh đáng sợ, cứ lôi dắt con người chạy mệt nhoài về phía trước.
Ở các quốc gia độc tài, khái niệm hạnh phúc và bình yên được dùng như một loại ecstasy ảo giác toàn dân. Các nhà lãnh đạo quen lối mị dân vẫn hàng ngày cất lên những bài ca về hạnh phúc và bình yên ấy để ru ngủ đám đông, để họ tiện tay đục khoét đất nước và đặt ra những luật lệ trói buộc con người, để bảo toàn sự thống trị thô bỉ của họ.
Chúng ta may mắn sinh ra trong lòng một dân tộc vốn được dạy truyền đời về yêu thương, về chia sẻ. Chúng ta được học rằng người Việt sẽ vượt qua mọi thứ khi đoàn kết cùng nhau, cùng như thề chết để gìn giữ quê hương và giá trị của tổ tiên để lại.
Thế nhưng tôi và bạn chứng kiến rằng dân tộc này khi thống nhất trong thời hiện đại, đã bị áp đặt lòng căm thù với chính anh em của mình. Chúng ta chứng kiến rằng có một lớp người của giai cấp thống trị đang chia chác nhau tài nguyên của đất nước này, bỏ mặc nhân dân và tương lai vào nợ nần và cùng cực.
Chúng ta cũng sửng sốt khi nhận ra rằng nước Việt bị những nhà cầm quyền nhân danh, tuyên bố đoàn kết với kẻ thù, bỏ mặc lịch sử hôm qua đầy máu của các cuộc xâm lược từ phía bắc, cũng như lịch sử hôm nay biển và xác ngư dân là những câu chuyện bị nhấn chìm. Dân tộc chúng ta như Trần Bình Trọng, như Nguyễn Trung Trực, như Nguyễn Thái Học… đã thề chết cho quê hương mình, nhưng hôm nay, thì một câu nói của sự thật về kẻ ngoại xâm cũng có thể đổi lại bằng đày đọa và bất an.
Những ngày tháng đã cũ như vậy đó, liệu chúng ta có nên mang một ước nguyện và hy vọng cho năm mới rằng mọi thứ cần phải được đổi thay? Tôi đang mơ cho đất nước này và dân tộc mình trước những ngày rất mới, còn bạn?
Trong một chuyến đi với xe ôm Grab, tôi nghe người bạn trẻ kể rằng anh cũng có facebook, nhưng trước đây chỉ dám vào nghe, nhìn, đọc bấm một dấu like hay bình luận, anh cũng không dám. Anh thú nhận rằng anh rất sợ. Nhưng rồi gần đây, khi đọc về những câu chuyện dân lành bị đánh chết trong đồn hỏi cung, do chính báo nhà nước đưa tin, anh cũng đã không dằn được và vào góp lời bình luận.
Nửa thế kỷ trước, chúng ta đầy sợ hãi, nhưng hôm nay chúng ta có thêm những điều mới mẻ: đứng về phía lẽ phải, con người đã biết cách vượt qua sợ hãi. Tôi tin trong năm mới này, người thanh niên chạy xe ôm đó chắc cũng mơ một giấc mơ giống tôi, dù đó là một giấc mơ thầm lặng.
Một cô gái nhỏ nhiều năm sống ở Canada, về thăm nhà, kể rằng điều cô làm có ý nghĩa nhất, là đi mua cho ba cô một chiếc smartphone mới, lập facebook và hướng dẫn cho ba mình vào xem tin tức tự do, chỉ các trang cần theo dõi nhưng không quên dặn rằng nhớ đừng bấm nút gì hay bình luận lời nào. Nhưng tôi không tin rằng ông sẽ chỉ im lặng, bởi ngày thường, ông là một người trí thức và luôn đau đáu về tương lai đất nước mình. Và chắc chắn rằng, ông cũng đang mơ một giấc mơ giống như tôi.
Chủ nghĩa Phát xít và Cộng sản Châu Âu từng có bài học cai trị giống nhau, rằng cứ nói dối, mãi rồi cũng sẽ thành một loại sự thật. Những con người sống quen im lặng, vì sợ hãi hay vì tự nhủ rằng nói ra chẳng để làm gì – nhưng đừng bao giờ quên nuôi hy vọng và giấc mơ. Vì đó chính là khắc tinh của bài học cai trị. Một người nuôi giấc mơ thì nhỏ, nhưng một ngàn người nuôi giấc mơ thì lớn, và khi một dân tộc nuôi giấc mơ thì đó là sức mạnh thay đổi vận mệnh cho tất cả. Truyền thuyết của nhân loại vẫn còn đó câu chuyện về đoàn người nô lệ và không tương lai, nuôi giấc mơ của mình nên đã cùng nhà tiên tri Moses bước qua dòng sông dữ và về đến vùng đất hứa.
Tôi nghe thấy năm mới gõ cửa. Tôi mời bạn cùng tôi ước mơ và hy vọng. Và nếu bạn vẫn còn sợ hãi, thì cứ giấu kín niềm hy vọng trong trái tim mình, nhưng xin đừng bao giờ vùi chôn, hay lãng quên về một ngày sẽ đến.
Chó sủa trăng là một từ để nói đến bọn này.