Hồi tưởng chuyện đi bộ đội *)

Nguyễn Tường Thụy - Blog Nguyễn Tường Thụy

- Quảng Cáo -

Sau khi nhập ngũ, đầu tiên chúng tôi được đóng quân tại huyện nhà, ở xã Hải Nam, cách nhà khoảng 15 km. Một tháng sau thì đến Tết. Chúng tôi được thả về ăn tết với gia đình mấy ngày. Tết xong, chúng tôi di chuyển về nơi huấn luyện chính ở HTX Trường Sơn, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Bốn ngày đi bộ xen giữa là 1 ngày nghỉ thì tới nơi. Ở đây toàn đồng bào từ Ý Yên Nam Định lên khai hoang, lập vùng kinh tế mới. Chính xã Ngọc Lương là nơi có trang trại của gia đình chị Cấn Thị Thêu, nơi chị bị bắt lần thứ hai vào sáng sớm ngày 10/6/2016. Tôi vô tình trở lại nơi này trong một chuyến đi thăm chị Thêu (lần tù trước). Đến trang trại của gia đình chị, hỏi địa danh mới nhớ ra mình từng đóng quân ở đây. Chuyện này tuy ngẫu nhiên nhưng có cái gì đó rất khó giải thích.

Thấy tôi nhanh nhẹn, có chút chữ nghĩa, thủ trưởng rút lên làm liên lạc cho Ban chỉ huy đại đội cùng với một thằng nữa đã làm từ trước đó. Hồi ấy, văn hóa tốt nghiệp phổ thông là hiếm lắm, cả đại đội chỉ vài thằng. Có cả thằng mù chữ, nó chuyên nhờ tôi viết hộ thư về cho vợ. Tôi phải đặt mình vào vị trí nó, tức là thằng có vợ rồi để viết cho đúng tâm lý. Tôi còn bắt nó kể chuyện vợ chồng nó để lựa mà viết sao cho tình cảm. Thực ra, tôi còn có ý tò mò xem vợ chồng lấy nhau thì nó như thế nào nữa. Viết xong, đọc cho nó duyệt, nó thích lắm, khen mày tài. Vợ nó gửi thư lên, tôi lại phải đọc cho nó nghe.

Một lần thư vợ nó có thêm phần tái bút: “Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Vì không xem trước nên tôi cứ thế đọc tướng lên: “Tái bút: Em cám ơn anh Thụy, anh tình cảm và thấu hiểu em lắm, anh đừng đọc đoạn này nhá”. Đọc xong, tôi mới biết là câu ấy dành cho tôi. Chết cha. May mà thằng này hiền, nó không để ý gì. Theo Luật thì không tuyển người mù chữ vào bộ đội, nhưng địa phương cứ ép đi cho đủ chỉ tiêu.

Làm liên lạc, như theo cái tên của nó là truyền mệnh lệnh xuống cho các trung đội, tiểu đội. Hồi ấy, thông tin liên lạc bằng điện tín chỉ ở chiến trường, chứ ở đơn vị huấn luyện thì chỉ ở cấp trung đoàn trở lên. Không hiểu sao thủ trưởng không ký vào giấy hay sổ mà cứ sai chúng tôi phát lệnh mồm thế này thế khác.

- Quảng Cáo -

bo-doiCó lần chạy xuống các trung đội truyền lệnh thì gặp anh trung đội trưởng đang dẫn trung đội chạy ra bãi tập. Tôi quát: Dừng lại! Hôm nay cho thảo luận chính trị! Thế là trung đội trưởng lập tức hô: “Đằng sau quay! Hướng doanh trại! Thường bước!”.

Thực ra chúng tôi ở nhà dân, làm quái gì có doanh trại. Chắc anh gọi thế cho nó oai. Hẳn là mấy thằng lính thắc mắc sao cùng đi bộ đội với nó mà tôi quát, thủ trưởng của nó phải nghe.

Vì có khiếu, tôi còn phải lo kẻ vẽ khẩu hiệu quyết tâm, thi đua, nhiệt liệt, hoan hô… đủ cả. Lại phải làm báo tường, lo tập văn nghệ nên ít khi phải ra thao trường. Nhưng dù tập ít hay học lỏm tôi cũng biết đủ kỹ thuật, chiến thuật. Ngoài ra, liên lạc còn lo tạp vụ chung cho ban chỉ huy, nhưng không phải phục vụ riêng cho ai. Việc cá nhân của thủ trưởng nào, tự ông ấy lo. Chỉ có một lần người yêu của chính trị viên phó lên chơi, tôi phải chở chị bằng xe đạp lên chỗ anh đang tập huấn. Giao chị cho anh xong thì đã khuya, tôi một mình đạp xe về, qua mấy bãi tha ma, sợ gần chết.

Thư từ, công văn cũng là việc của liên lạc. Hàng ngày đi lấy thư trên tiểu đoàn về thì nộp cho thủ trưởng. Thủ trưởng kiểm duyệt xong dán lại, khi ấy tôi mới đem phát cho người nhận. Vậy mà cũng ối đứa nó nể mình, sợ mình thù vặt giấu thư đi. Bóc thư đọc cũng là cách để nắm được tư tưởng lính. Việc này được coi là chuyện đương nhiên, chẳng ai nghĩ đó là hành vi phạm pháp, cũng chẳng ai gọi đó là đọc trộm mà cho rằng đó là quyền của thủ trưởng. Cũng nhờ kiểm duyệt mà thủ trưởng biết được tư tưởng của lính, thằng này nhớ nhà, thằng nọ sợ chết, thằng kia tư tưởng yên tâm, lập trường vững vàng. Ngoài ra còn biết được kế hoạch đào ngũ của đứa nào đó, tóm gọn.

Tuy nhiên, việc bỏ trốn mà thủ trưởng không biết trước vẫn xảy ra. Có lần một thằng trốn, thủ trưởng giao cho các mũi truy tìm. Tôi một mình một mũi, mai phục tại cầu Nho Quan, cách đơn vị 10 km. Đến 8 giờ tối thì tóm được nó. Thằng này hơn tôi mấy tuổi đã lấy vợ và có 2 con, to gấp rưỡi tôi. Nó sợ quá, bảo, tao nhớ nhà lắm, mày cho tao về. Mày bắt tao lại thì ông Vi (đại đội trưởng) giết tao mất. Hay là mày cùng về với tao…

Tôi cũng nhớ nhà, nhưng tôi sợ phải đeo bảng “Cả như tôi thì mất nước”. Tôi định thả nó ra thì mấy anh làm bảo vệ ở cầu ập đến. Biết chuyện, các anh ấy lột cái dây lưng vải loại 2,5 cm dành cho lính mới nhập ngũ ở lưng nó ra, trói tay lại, giấu dưới vạt áo để tôi đưa nó về. Lúc này tôi không dám thả nó ra nữa vì đã có người chứng kiến. Tôi với nó khoác vai nhau như đôi bạn thân thiết cứ thế đi bộ về.

Sau đó, số phận đưa đẩy mỗi đứa đi một hướng. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, tôi vẫn loanh quanh ở tuyến phục vụ dù mặc dù cũng từng phải viết đơn tình nguyện ra mặt trận kiểu như chị tôi mà tôi đã kể trên. Sau chiến tranh, hỏi han về nhau mới biết được đợt tôi đi có 8 đứa thì 2 thằng tử trận. Đây là một tỉ lệ thấp so với nhiều đợt nhập ngũ khác.

Chuyện đi bộ đội với tôi cũng chẳng có gì phải tiếc nuối. Nếu không đi lính, tôi đã đi học ở Liên Xô hay nước XHCN nào đó, rồi biết đâu trở thành một quan chức cuồng đảng hay thành một ông tiến sĩ cạo giấy nào đó mà cả hai loại người này tôi biết đến khá nhiều.

24/12/2016

*) Tựa do CTM Media đặt

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here