Hồi tưởng chuyện đi bộ đội *)

Nguyễn Tường Thụy - Blog Nguyễn Tường Thụy

Bộ đội miền Bắc
Bộ đội miền Bắc
- Quảng Cáo -

Buổi chiều mùa đông ngày 26/12 năm ấy, tôi chào bố mẹ lên đường nhập ngũ. Cả xã có 6 đứa, do xã đội trưởng dẫn đi. Chúng tôi tập trung ở xã Hải Anh, ngủ ở nhà dân một đêm. Hôm sau địa phương giao chúng tôi cho đơn vị tuyển quân. Thế là trở thành bộ đội. Đơn vị đầu tiên của tôi là tiểu đoàn 616, sư đoàn 320B. Một tuần sau, có thêm 2 thằng cùng xã được bổ sung, coi như cùng đợt. Vậy là đợt ấy xã tôi có 8, trong đó có một thằng con ông bí thư và một thằng con ông xã đội trưởng. Lúc ấy, chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất.

“Nhà nào có con hy sinh thì được Bằng Tổ quốc ghi công, xuyên tạc thành Tổ quốc mất quân. Có 1 hoặc 2 con đi bộ đội được Bảng Gia đình vẻ vang, gọi xiên xẹo thành Bảng gia đình vắng vẻ. 3 con đi bộ đội hoặc chỉ có 2 con trai mà đi bộ đội cả thì được Bảng vàng danh dự, dân gian xuyên tạc thành bảng vàng tuyệt tự.”

– Nguyễn Tường Thụy

Một sự kiện trọng đại, bước ngoặt của cuộc đời nhưng tâm trạng tôi bình thường. Ừ, gọi thì đi. Nghĩa vụ mà. Sáng hôm ấy, tôi còn dậy sớm lội xuống ao nhổ rau cần cho mẹ mang đi chợ bán. Lạnh lắm. Buổi trưa ăn cơm bình thường như mọi ngày, có điều lặng lẽ hơn. Cũng có nhà tổ chức liên hoan tiễn con nhưng nhà tôi nghèo. Tôi xách cái túi nhựa mà bố tôi được phân phối ở trường, may dọc, có 2 quai xách, đựng hai bộ quần áo. Bố mẹ tôi cho 5 đồng để tiêu vặt, cô tôi cho 5 đồng, bà hàng xóm cho 3 đồng. Ủy ban thì tặng hai chiếc khăn mặt hoa dâu. Bố tôi lo con chưa sung sức sẽ khó khăn trong tập luyện và chiến đấu. Lúc ấy tôi chỉ có 43 kg. Mẹ tôi hôm ấy nói ít nhưng tôi biết bà buồn. Tôi trêu và cũng là dọa bà, đọc hai câu thơ Nguyễn Bính:

Một lần sảy bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu.

Bà mắng: “Chỉ nói dại”.

- Quảng Cáo -

Tôi đùa dai: “Đằng nào chẳng mất gáo. Khi ấy mợ (tôi gọi bố mẹ bằng cậu mợ) phải đòi bằng được cái bằng tổ quốc mất quân đấy nhé”.

Nhà nào có con hy sinh thì được Bằng Tổ quốc ghi công, xuyên tạc thành Tổ quốc mất quân. Có 1 hoặc 2 con đi bộ đội được Bảng Gia đình vẻ vang, gọi xiên xẹo thành Bảng gia đình vắng vẻ. 3 con đi bộ đội hoặc chỉ có 2 con trai mà đi bộ đội cả thì được Bảng vàng danh dự, dân gian xuyên tạc thành bảng vàng tuyệt tự.

Nói tâm trạng bình thường vì tôi khi ấy vừa trẻ vừa chưa vợ nên chưa biết lo trước lo sau, thanh thản lắm. Có bận tâm chút vì phải xa bố mẹ và vì nhà tôi nghèo. Khi đi, tôi biết bố mẹ còn mấy món nợ để nuôi con ăn học chưa trả được.

Bố tôi vốn là ông đồ, dạy học tư, tiếng Pháp nói, viết và dịch tốt, Hán văn cũng thế. Ông lại biết nghề thuốc. Ông từ quê Nam Trực xuống chợ Ninh Cường mở một hiệu thuốc Bắc ở rồi quen biết mẹ tôi bán hàng xén ở đó. Ông từng cứu nhiều người khi đã cập kề cửa tử. Có lần con bệnh đáp ơn cả một đôi hoa tai 1 chỉ vàng, ông cho chị tôi đeo. Gia đình tôi hồi ấy thuộc loại khá giả.

Sau cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh (1958 – 1960), bố tôi thành ông giáo cấp 1, còn mẹ tôi bị ép bỏ buôn bán về làm hợp tác xã. Con nhà buôn bán nòi mà về làm ruộng khi tuổi đã 40 nên nghề nông không thể thạo. Cảnh nhà túng quẫn từ đấy.

Vì vậy khi ra đi, tôi còn xót xa thương bố gầy yếu, thương mẹ vất vả. Chứ còn chuyện sống chết, gần như chẳng băn khoăn gì. Lại ân hận vì thỉnh thoảng hay cãi bà, còn bố thì không dám, y như lũ con tôi bây giờ.

Chị tôi theo em lên nơi tập trung, hôm sau giao quân xong thì về. Chị khóc dữ lắm. Chị mới được xuất ngũ khỏi Thanh niên xung phong. Có lần nhớ nhà, chị trốn đơn vị về. Một bác ở ủy ban xã nhận chị làm con nuôi, đến hỏi xem con về có được phép không. Biết chị bỏ về, bác bắt chị lên đơn vị, giải thích vì nghĩa vụ, vì danh dự gia đình này nọ. Thế là chị lại đi. Chị kể, đơn vị bắt tất cả làm đơn tình nguyện đi tiền tuyến. Gọi là đơn tình nguyện nhưng phải hiểu đó là lệnh, chứ có ai thực sự tình nguyện. Chị em ký đơn tình nguyện xong, về lán ôm nhau khóc.

(Xem tiếp trang 2)

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here