Những kẻ đánh cắp mùa xuân

Phạm Minh-Tâm - Diễn Đàn Giáo Dân

- Quảng Cáo -

Theo sự vận-hành của thiên-nhiên, lại một mùa xuân nữa của đất trời đã đến, đến với mọi người ở khắp mọi nơi trên mặt đất. Đó là thời-gian của mấy tháng mà thời-tiết đẹp nhất trong năm gọi là mùa xuân.

mua-xuan-mai-vangTừ hoa lá, cỏ cây đến mưa nắng đều tươi vui và dịu nhẹ hơn các mùa khác. Vì vậy, chữ “xuân” đã trở thành một thứ hình-dung-từ chỉ mang nghĩa tươi tốt, đẹp lành mà thôi. Rồi cũng từ ý nghĩa này, người ta đã dùng chữ “xuân” theo nghĩa rộng hơn để diễn-tả những thực-tại tốt đẹp của cuộc sống con người trong nhiều khía-cạnh, nhiều lãnh-vực của cá-nhân, của tập-thể và ngay của cả một dân-tộc hay một cộng-đồng nhân-loại. Chẳng hạn, khi nói đến mùa xuân của đời người chính là khi con người đã “vừa ý toại tâm” về mình và với người. Mùa xuân của chính mình chỉ có khi  trong lòng không có những ray-rứt, dằn vặt; không còn những trăn-trở hay âu-sầu, lo-lắng.

Cùng với thiên-nhiên xoay chuyển, bánh xe lịch-sử cũng quay đều và cái vòng tử-sinh của đất nước Việt-Nam sau biến-cố 30-4-1975 đến nay đã  tròn bốn mươi mốt năm rồi. Bốn mươi mốt năm với bốn mươi mốt mùa xuân của thiên-nhiên cứ đều-đặn theo định-kỳ tạo-hoá sắp đặt mà không cần biết đến những con người sống trên dải đất đó đã đằng-đẵng kéo lê gần nửa vận-số đời người trong tang-thương, trong u-uất. Đó là sự vô-tình của luật tự-nhiên như một thi-sĩ đã thấy sự thật xót-xa rằng…từ đống tro sầu hoa cũng nở…

Có điều, cho đến giờ này vẫn chưa mấy ai thấy buồn, thấy xót, thấy tủi cho cái kiếp long-đong của  những người lưu-vong xứ lạ; của những kẻ đang  chịu nạn vong-nô mất nước  ngay trên chính miền đất tổ quê cha mình…Thời-gian qua đã gần nửa đời nguời rồi mà sao những người ngồi đếm ngày dài vẫn chưa nguôi cơn ác-mộng, vẫn còn thấy bàng-hoàng khi cứ tưởng chừng như mới vừa chớp mắt, mới vừa ngã sấp mặt xuống đất nên chưa kịp gượng dậy, chưa kịp thấy chóng mặt để mỗi năm Tết đến vẫn thấy tự đáy lòng  mình hoa xuân chưa nở.

- Quảng Cáo -

Và nếu đã có mấy ai ngồi tính sổ đời, tính suốt từ ngày đầu biết phân-biệt nghĩa lý, biết cân nhắc giá-trị  từng ngày của cuộc sống – một cuộc sống không chỉ đơn lẻ giữa ốc-đảo mà là cộng-thông với nhau trong tình người, tình quê-hương và đất nước – và nhất là biết cảm-nhận nỗi vui, nỗi buồn của đời người đúng nghĩa vui,  buồn trời ban thì mới thấy đời mình thực đã được đan kết bằng nhiều chuyện mất còn mà mình chỉ biết cứ giương mắt ếch nhìn, rồi tự yên-ủi bằng những chắp vá đáng thương. Mới thấy hơn bốn mươi năm qua, mùa xuân chung của cả dân-tộc đã bị đánh cắp sau khi chiêu-bài xã-hội chủ-nghĩa tung ra.

mua-xuan-lanh-dao-csvn

Ở trong nước, đa-số tuổi trẻ Việt-Nam đã mất gốc, mất nguồn vì chính-sử không được giảng dạy để lưu-truyền. Chữ nghĩa bị xuyên-tạc vì giáo-dục bị thoái-bộ; phần vì chủ-trương của chế-độ, mà phần nữa cũng vì những kẻ vừa ngu vừa dốt làm thầy. Các người làm cha làm mẹ càng có trí-thức, có trình-độ thì càng vô-cảm và vô-ý thức để chỉ còn sự khôn lanh luồn-lách tìm chốn yên thân và vô-hình-trung tiếp tay cho những kẻ đánh cắp giá-trị và nhân-cách của con cái mình.  Để thay vì quan-tâm đến tiền-đồ của tuổi trẻ Việt-Nam  được lớn lên trong cương-vị mầm non của đất nước, dùng sức sống của tuổi trẻ để vươn lên bằng tư-thế đầu đội trời, chân đạp đất thì lại làm cho lớp trẻ chỉ còn là những kẻ vô-tri, vô-cảm và ngu-ngơ. Vô-tri vì không thấy mình đã bị đánh cắp những quyền con người như người nhạc-sĩ trẻ Duy Quốc Nam đòi. Vô-cảm vì dửng-dưng trước những biến-động của xã-hội, của đất nước và không chút mảy-may xúc-động hay quan-tâm đến ai ngoài bản-thân trong các nhu-cầu vật-chất. Ngu-ngơ vì những ý-niệm về nhân-quyền, về dân-chủ, về niềm tự-tôn nòi giống…chẳng hạn chỉ như những tiếng lạ không quen tai…Chẳng lẽ sống như thế là mùa xuân sao?

Thử hỏi, từ sau ngày 30-4-1975, chỉ nói riêng những người Miền Nam ra đi tỵ-nạn nước ngoài, những người còn lại sống còn trong chế-độ cộng-sản, mấy ai còn giữ được trong lòng ý-thức giáo-dục và duy-trì cho  thế-hệ con cái mình chút tâm-tình căn-bản làm người như tâm-thức của nhạc-sĩ Hùng Lân qua lời hát “học-sinh nề chi tuổi xanh, chung sức phấn-đấu…học-sinh vì nước vì dân mà thôi”…Có vậy, tuổi trẻ mới có được bầu nhiệt-huyết, mới giữ được nhiều nét đặc-trưng của gia-đình Việt-Nam và văn-hóa dân-tộc để từ đó vươn lên làm người, những con người Việt-Nam yêu quê-hương bằng niềm tự-trọng. Còn bây giờ, qua một cuộc đổi đời như một thử-thách vàng đá, đất nước còn lại gì cho hiện-tại và mai sau?

Cũng có thể người ta nghĩ những gì đang có, đang làm cho họ vô cùng tự-mãn trước hiện tại với nhà cao cửa rộng, với xe pháo sang trọng chính là mùa xuân đích thực của đời mình.  Lại cũng không thiếu các điều để tự-hào hơn nữa về con, về cháu xuất-thân từ đại-học nọ, học-viện kia với các văn-bằng to như manh chiếu và công ăn việc làm vững-vàng ở chức-vụ cao, lương nhiều mà thiên-hạ bá-tánh đã biết dùng chất xám đúng công, đáng của…Chẳng khác gì muôn hoa xuân được mưa gió thiên-nhiên thuận-hoà nên đua nở, nên rực-rỡ …trước ánh mắt lạc-thần lơ-láo của Mẹ Việt-Nam, tiếc con tiếc cháu muốn chảy máu mắt. Tiếc vì đám con cháu này biết gì về Việt-Nam để mà yêu, mà nhớ, mà bảo-vệ. Đáng tiếc lắm chứ…

Thành vậy mà bây giờ, bên cạnh bốn mươi mốt mùa xuân héo úa của dân-tộc nói chung thì còn là bao nhiêu và bao nhiêu người Việt-Nam lại đang tưng-bừng mở hội trong lòng, trong đầu vì cuộc sống của họ được xem như nở hoa từng ngày từ trong nỗi chết cũng từng ngày của đất nước, của dân-tộc.  Kể từ sau ngày mảnh đất quê-hương Việt-Nam không còn nơi nào có tự-do, có dân-chủ và có đời sống an-vui trong một mùa xuân đích thực với bao cuộc đời bị điêu-tàn thì lại cũng đã có bằng ấy người nghĩ rằng chính nhờ vào sự héo tàn của đất nước mà gia-đình họ tươi xanh.

mua-xuan-kieu-bao-ve-nuoc-an-tet

Để được gọi là xuân về đâu phải chỉ là dịp cho người ta mua quần, sắm áo. Đâu phải chỉ là dịp để ăn uống, chè chén với cỗ bàn thịnh-soạn; để bày-biện, tô-chuốt cho bản-thân và gia-đình nhiều vẻ “hoa hòe hoa sói” và phô-trương sự phú-túc bằng  bánh mứt, trà rượu đã được chuẩn-bị riêng cho ba ngày Tết. Ngày xuân đúng nghĩa vui mừng phải là mùa hoan-lạc nơi từng cõi lòng để hoà chung vào với quê-hương như nhạc-sĩ Phạm Đình Chương từng mong ước cho hết mọi thành-phần trong cộng-đồng dân-tộc.

Anh nông-phu vui lúa thơm hơi. Thương-gia lợi-tức. Công-nhân ấm no. Người vì nước quên thân mình đi chiến-đấu thành-công. Mẹ già nghe được bước con về.  Người nghệ sĩ tô điểm đời mới bằng tiếng thi-ca, bằng nét chấm-phá. Non sông hoà-bình. Quê-hương yên vui trong một ngày mai sáng trời tự-do và muôn người hạnh-phúc chan-hoà. Người người thoát ly đời gian lao nghèo khó. Hạnh-phúc nơi-nơi. Hương thanh-bình dâng phơi-phới….(Ly rượu mừng)

Chỉ bấy nhiêu ý-niệm về xuân của một người nhạc-sĩ cũng đủ để mỗi đầu óc Việt-Nam suy nghĩ về mùa xuân chung cho nhau, cho các thế-hệ. Hãy ngược dòng thời-gian ôn lại xem chúng ta đã có những mùa xuân như thế hay chưa…Nếu có thì  chúng ta đã mất những mùa xuân như thế từ thuở nào và nhất là bao nhiêu mùa xuân như thế của chúng ta, của con cháu chúng ta đã bị những kẻ nào đánh cắp… Tại sao, ngày nay và giờ đây, hai chữ Việt-Nam lại bị hoà chung trong âm-hưởng của những chữ bất-công, dối-trá…lại dẫy đầy những tiếng than, tiếng khóc đầy oan-khuất và thê-lương. Lại làm cho nhiều con dân bị dằn-vặt và ray-rứt.

Việt-Nam, Việt-Nam

Hai tiếng gọi thật êm-đềm tha-thiết

Nghe ngọt-ngào nhưng buốt giá tận trong tim…

Êm-đềm và tha-thiết vì đã được dốc hết tâm-huyết vào phút sống sau cùng để hô to cho kịp trước khi lưỡi máy chém rớt xuống. Ngọt-ngào vì là tên nước của chung chín chục triệu người, là tên của từng người được gọi làm người sống trên dải đất hình chữ S theo dòng lịch-sử thăng-trầm. Buốt giá đến tận tim, tận óc là vì giờ đây đã không ít những người chỉ còn mang hai chữ Việt-Nam trong quốc-tịch nhưng vẫn chưa một phút giây nào uốn lưỡi đánh vần cho rành-mạch cái âm của hai tiếng Việt-Nam đang vang-vọng ra sao trong đầu, trong tim và giữa gia-đình. Buốt giá là vì cái âm của hai chữ Việt-Nam đã từng vang lên trong các phiên toà chính-trị của các Hội-đồng đề-hình thời Pháp-thuộc và được thắm-tươi nhờ máu của bao anh-hùng, liệt-nữ đã vì hai chữ này mà sẵn-sàng đổ ra.

mua-xuan-liet-si

Buốt giá vì trong các cuộc hội-nghị quốc-tế, các cuộc hoà-đàm, các cuộc thương-thuyết và thương-thảo,… được phát ra nơ-nớ từ những ông Tây ông Tầu, ông Anh ông Mỹ để thành vận nước hôm nay song có lẽ nghe còn có “hồn”, còn có sự nhấn mạnh đúng tầm quan-trọng hơn những người chỉ vì đang cầm cái sổ thông-hành mang quốc-tịch Việt-Nam mà đã, đang phải nói để  trả lời nhân-viên các phi-truờng ngoại-quốc.

Nói cho xong một thủ-tục.

Cho nên,  tất cả những người Việt-Nam nào, cho dù là cá-nhân hay tập-thể, cho dù ở trong nước hay đang lang-bạt đâu đâu cũng không thể chối bỏ trách-nhiệm phải đi tìm lại mùa Xuân chung cho Việt-Nam. Bằng như, vì hèn yếu, bạc-nhược mà cầu-an vô-cảm hay vì đặc-quyền đặc-lợi mà xuôi theo thời-thế để chỉ lo được ấm-êm với ngày ba bữa no cơm ấm-áo, để cam tâm nhìn thế-hệ con cháu ngay trong hiện-tại cũng như tương-lai trở thành lớp người không nguồn cội, không lịch-sử, không thấm đượm được chút tình trong hai chữ Việt-Nam thì chẳng khác gì đồng-lõa  với những kẻ đã ăn cắp mùa Xuân Việt-Nam.

Phạm Minh-Tâm

- Quảng Cáo -

5 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here