Tình nghĩa đồng-minh

- Quảng Cáo -

Phạm Minh-Tâm

T

ừ gần vài tháng nay, sau tin về sự-kiện thủ-đô Kabul thất-thủ vào ngày 15-8-2021, toàn bộ nước Afghanistan  lại đặt dưới quyền kiểm-soát của Taliban, thì bên cạnh tính-chất của một sự-kiện nóng đủ gây sôi-nổi về thời-sự thế-giới ra, người ta còn xôn-xao  thêm về cái gọi là tình-nghĩa đồng-minh của Hoa-kỳ.

Mấy ngày đầu, xem tin-tức, nhìn hình-ảnh người dân Kabul lôi-thôi xốc-xếch, dắt-díu nhau tìm đường bỏ chạy bằng chỉ một lối thoát là đổ-xô ra phi-trường, cố làm sao leo lên được chiếc máy bay vận-chuyển C47 của Úc và các chiếc phi-cơ lớn hay trực-thăng của Hoa-kỳ với hy-vọng được đưa đi khỏi Kabul, để đất nước Afghanistan thành quê-hương bỏ lại, làm người ta liên-tưởng đến Sài-gòn, đến Việt-Nam cách đây 46 năm.

- Quảng Cáo -

Một số cơ-quan truyền-thông thế-giới cũng cắc-cớ khi song-song với việc loan tin-tức đang diễn ra ở Kabul thì lại còn chiếu kèm theo các hình-ảnh cũng tương-tự đã xẩy ra Sài-gòn trong mấy ngày trước 30-4-1975, làm cứ như một kịch-bản đang diễn lại. Song có bàn ra tán vào đến đâu thì kết-luận vẫn là nếu Hoa-kỳ không bỏ đi được cái tự-tôn siêu-cường, cũng như cứ tự cho mình có quyền xen vào nội-tình bất cứ quốc-gia yếu kém nào ở Á-châu để đem một chính-sách “ready made” từ bản-quốc đến áp-đặt cho mỗi nơi, thì từ những gì đã xẩy ra ở Sài-gòn, ở Việt-Nam đến  sự thể như vừa diễn ra tại Kabul, tại Afghanistan sẽ trở thành biểu-tượng thất-bại (symbol of defeat) dài-dài của Hoa-kỳ tại nhiều nơi nữa. Vậy thì vai-trò “đồng-minh” của Hoa-kỳ từ trước đến nay có nghĩa là gì ngoài cái thói lúc nào cần phô-trương thanh-thế trên một địa-bàn nước nhỏ nào đó với đối-thủ chính – có lẽ phải nói là đối-tác thì đúng hơn – như trước kia là Liên-sô và giờ này là Trung-cộng, thì tìm đủ cách nhảy vào cho bằng được và khi cảm thấy cần chuyển hướng khác lợi hơn thì nhẹ-nhàng phủi tay như chẳng hề xẩy ra chuyện gì cả.

Là một người Việt-Nam từ Miền Bắc ra đi vào Miền Nam bằng cuộc di-cư ồn-ào, từng làm náo-loạn công-luận thế-giới một thời, tôi đã thật tin như các bậc cha anh đã khuyên-bảo thế-hệ chúng tôi rằng Hoa-kỳ là ông bạn đồng-minh khổng-lồ rất nhiệt-tâm giúp Miền Nam Việt-Nam chúng tôi chống chủ-nghĩa cộng-sản. Lý-do cũng đơn-giản vì nửa nước Việt-Nam phía nam này là… tiền-đồn của thế-giới tự-do… để ngăn chặn làn sóng đỏ lan-tràn khắp vùng Đông nam Á-châu, gồm các nước Việt-Nam Cộng-hoà, Ai-lao, Cao-miên…Như vậy có nghĩa là Hoa-kỳ không khi nào để Miền Nam rơi vào tay cộng-sản. Bản-thân tôi tin như thế, cả khối người dân Việt-Nam tôi đều tin như thế.

Trở lại chuyện Kabul mà thế-giới cứ xì-xèo là giống Sài-gòn, giống Việt-Nam. Nếu xét theo hiện-tượng bỏ rơi vùng đất đã từng đến khua chiêng gióng trống, rồi bỏ đi khi màn diễn  chưa xong nhưng đạo-diễn thấy oải mệt nên bỏ theo cái kiểu xưa nay đã vốn quen là kiểu bán đồ nhi phế, thì giống, song xét về bản-chất thì không.

Chuyện Taliban với chính-quyền Afghanistan suốt gần hai mươi năm mới đúng là nội-chiến. Họ không đánh nhau vì ý-hệ chính-trị mà vì niềm tin tôn-giáo cùng phát-xuất từ một gốc tâm-linh mà mức độ cảm-nghiệm thì đã cách nhau hơi xa. Taliban chủ-trương dựa vào truyền-thống Hồi-giáo thuần-túy nên cực-đoan, cực-đoan đến độ tàn-khốc; trong khi chính-quyền Afghanistan đã bị phân-hoá theo nếp sống phương tây đạo đời lẫn-lộn. Đây là điểm chính yếu để Taliban có chính-nghĩa đối với thành-phần tín-đồ Hồi-giáo bảo-thủ. Chẳng vậy, mà lúc đầu Taliban mới chỉ là một phong-trào nho-nhỏ do giáo sĩ Mohammad Omar thành-lập với chủ-trương khôi-phục “Hồi-giáo thuần-túy” và  chỉ mới xuất-hiện ở miền nam Afghanistan năm 1994, song đã quy-tụ được các sinh-viên xuất-thân từ các trường thần-học  theo dòng Hồi giáo cực-đoan để thành lực-lượng quân-sự.

Lại cũng đừng quên rằng, sau  khi  kéo lực-lượng tiến vào thủ-đô Kabul ngày 27-9-1996  và thành-lập  Tiểu Vương-quốc Hồi-giáo Afghanistan, Taliban đã được một số nước phương Tây coi là đồng-minh; ngoại-trưởng Mỹ Madeleine Albright còn khen ngợi và họ nhận được sự hỗ-trợ quân-sự từ Pakistan, chi-viện tài-chính từ Saudi Arabia, hỗ-trợ tình-báo từ CIA…Taliban cũng nhận đuợc sự ủng-hộ của người dân vì họ đã ổn-định được xã-hội Afghanistan sau khi Liên-sô rút quân ra khỏi đây. Nhờ vậy, lực-lượng Taliban có điều-kiện củng-cố càng ngày càng mạnh thêm, cho đến khi Taliban có đụng chạm lớn với Hoa-kỳ thì mới trở mặt thành thù.

Do việc tổ-chức khủng-bố Al Qaeda phá sụp hai tòa tháp Trung-tâm Thương-mại thế-giới của Mỹ ngày 11-11-2001 nhưng Taliban lại không chịu giao nộp Osama Bin Laden là thủ lĩnh Al Qaeda cho Hoa-kỳ nên mới có chuyện. Thành vậy, Hoa-kỳ kéo được cả các quốc-gia thành-viên của NATO (North Atlantic Treaty Organization) đem quân vào Afghanistan. Đây không phải là đi giúp, đi cứu nguy hay đi bảo-vệ Afghanistan. Mà  là mượn đất đứng để trừng-trị Taliban nên thay vì  giúp Afghanistan từng bước tự-lực và phát-triển thì lại tạo cho đất nước này một cuộc nội-chiến bất-đắc-dĩ trong suốt gần 20 năm và một hệ-thống chính-quyền tham-nhũng quá tồi-tệ. Nói đây là cuộc nội-chiến bất-đắc-dĩ, vì giữa Taliban và Afghanistan với nhau không có những mâu-thuẫn sinh-tử phải diệt trừ nhau vì chính-kiến hay ý-hệ mà chỉ là khác nhau về mức truyền-thống của kinh-điển hay giáo-luật mà thôi.

Cho nên, cuộc nội-chiến ở Afghanistan giữa Chính-phủ và nhóm Taliban như đã trình-bày với lẽ phải hay kiểu chính-nghĩa thuộc bên này hay bên kia dẫy núi Pyrénées (Vérité au‑deçà des Pyrénéeserreur au‑delà) thì hãy để lại cho người dân Afghanistan suy ra từ chính tâm-thức của họ. Nhất nữa, họ cũng không trụ tại ý-thức-hệ ngoại-lai nào, mà là phần tâm-linh tôn-giáo riêng họ tương-thông đến đâu thôi. Người Việt-Nam như chúng ta đã khác quốc-gia, khác lịch-sử, khác niềm tin tôn-giáo thì cũng khó tìm chỗ đứng ở đâu cho phải trên đất nước họ, thì so-kè xem ra không được ngang xứng.

Nhìn lại Việt-Nam hoàn-toàn khác vì cũng hai mươi năm chiến-tranh trên đất nước không phải là nội-chiến cho nên nếu có như người ta suy rằng Kabul giống Sài-gòn thì cũng chỉ là kinh-nghiệm chung về hai chữ “đồng-minh” thôi.

Một bậc trưởng-thượng đã bảo tôi…Việt-Nam không có nội-chiến. Hai bên đều là người Việt cả, nhưng cuộc chiến này không như cuộc Nam Bắc phân-tranh trước kia. Cũng không thật sự là Miền Bắc đánh Miền Nam, mà là cộng-sản đánh cả hai miền… Mà nếu vậy thì kẻ đầu hàng phải là tập-đoàn lãnh-đạo Hà-nội mà như cách nói của cụ Nguyễn Du thì họ đúng đang là đám “hàng thần lơ-láo”.

Hai chữ “đồng-minh” khi được dùng trong lãnh-vực giao-tế chính-trị giữa hai tập-thể cầm quyền, của hai quốc-gia thì chính-xác là cả hai đã có cùng một ước-nguyện sẽ bênh-vực nhau, giúp đỡ nhau về các mặt như quân-sự, kinh-tế, chính-trị. Chữ này xuất-hiện rõ-ràng nhất và trở thành gần như độc-quyền của lãnh-vực bang-giao quốc-tế sau Thế-chiến thứ hai khi một số nước Tây-phuơng đồng thuận hợp-sức lại thành phe đồng-minh (cùng kết ước) để chống lại ba nước Đức, Ý và Nhật-bản. Rồi cũng từ đó, vô-hình-trung, cứ nói đến “đồng-minh” thì trước tiên người ta nghĩ ngay đến Hoa-kỳ là nước đứng đầu phe đồng-minh.

Sau năm 1954, cả Miền Nam chúng ta tin vào vai-trò “tiền đồn chống cộng” của mình do Hoa-kỳ quàng lên vai….Song họ giúp Miền Nam được bao nhiêu đúng theo nghĩa đồng-minh hay chỉ cầm chừng để toan-tính thế-đứng của họ kiểu “America first” ngay trên đất nước Việt-Nam.

Cụ-thể, Chính-phủ Ngô-Đình Diệm đã có yêu-cầu Hoa-kỳ giúp cho Miền Nam một Đài Kiểm-thính siêu-tần như họ đã giúp Đài-loan. Công-dụng là để quan-sát và theo dõi hệ-thống liên-lạc của Miền Bắc từ các cuộc điện-đàm, các công-điện mật của trung-ương Miền Bắc liên-lạc với cục R là Trung-ương Cục Miền Nam, với các cơ-sở nằm vùng của họ, theo dõi đường di-chuyển của các đơn-vị chính-quy Bắc Việt xâm-nhập Miền Nam, song Hoa-kỳ từ chối. Tổng-thống Tưởng Giới Thạch và Chính-phủ Đài-loan lại chuyển hết cho Chính-phủ Việt-Nam các dụng-cụ, thiết-bị kỹ-thuật của Đài Kiểm-thính họ đã nhận từ Hoa-kỳ; đồng thời gửi thêm một Trung-tá và 20 chuyên-viên Đài-loan sang làm việc cho Đài Kiểm-thính này dưới sự điều-khiển của Trung-uý đồng-hoá Phan Quang Đông…Ngày 03-11-1963, Thiếu-tướng Đỗ Cao Trí là tư-lệnh lực-lượng đảo-chính tại Huế đến bắt  Trung-uý  Phan Quang Đông. Ông Phan Quang Đông đã huỷ bỏ tất cả danh-sách nhân-viên, máy-móc liên-lạc, hồ-sơ tài-liệu và nói với tướng Đỗ Cao Trí:…Chúng tôi hoạt động ngoài Bắc. Không dinh dấp gì đến chuyện trong Nam. Một số nhân viên của tôi hiện đang hoạt động ngoài đó, Thiếu-tướng lo cho họ. (Liên Thành. Biến Động Miền Trung. Trang 6). Sau ngày này, hệ-thống tình-báo Miền Nam mà Đệ-nhất Cộng-hoà đã dầy công gầy dựng để đối-đầu với Cục Quân-báo và Cục Tình-báo Chiến-lược của cộng-sản Miền Bắc hoàn-toàn sụp đổ. Còn các cơ-sở hữu-dụng khác của Việt-Nam thời đó như Thủy-điện Đa-nhim là của Nhật; Đại-học Y-khoa Huế là của Đức.

Giờ đây, từ Kabul – Afghanistan hay sẽ còn ở đâu-đâu nữa cũng không phải là điều những người đã hơn một lần qua cầu như chúng ta ngồi ai-oán vì ai. Mà điều quan-trọng là chúng ta cần học thêm nữa cho khôn ra bài thuộc lòng rằng chính-trị là như thế, đồng-minh với siêu-cường là như thế. Chẳng thể trách ai nhưng cần phải trách mình trước nhất. Trách mình đã ỷ-lại, đã ươn-hèn, đã phản-phúc, đã gian-tham bạc-ác khi nghe lời ngoại-nhân mà giết nhau. Là có dịp soi lại bóng hình mình chập-chờn trong bóng tối quê-hương.

Suy từ bản-thân từng người vào cái ngày 30-4-1975 đau thương kia, có thể không mấy ai nhìn rõ được chính mình trong toàn-cảnh thê-lương chung vào lúc đó. Vì ai cũng bị ám-ảnh bới hai chữ “Việt cộng” đang tới để dồn hết hồn vía vào chinh sự an-nguy của bản-thân, của gia-đình mà chạy. Chạy như người dân Afghanistan ở Kabul. Bây giờ, sau 46 năm ra di, làm lại  từ đầu trên xứ người để  sinh-mạng và cuộc sống được tái-sinh nơi quê-hương thứ hai, thì tin-tức và hỉnh ảnh của Kabul hôm nay chính là một tấm gương đầy nước mắt, như nhạc-sĩ Nguyễn Đình Toàn đã viết:

Ngày đau thương kia ta còn nhìn thấy mình

Trong tấm gương đầy nước mắt.

Trăm muôn lời than, rồi khăn tang và tiếng thét….

Với bao nhiêu đời dở-dang…

Còn các câu chuyện về đồng-minh, về Hoa-kỳ thì đại-để nó ráo cả như nhau chứ chẳng riêng gì Mỹ. Cái liên-hội đồng-minh đầu tiên trong Thế-chiến thứ hai cũng nào có thủy có chung với nhau đâu, khi Staline nuốt lời, xăm-xăm một mình vào Bá-linh trước dù đã hẹn với Anh, Mỹ, Pháp là chờ nhau cùng tiến đó sao.

Mới đây nhất là câu chuyện ba nước Úc, Anh và Mỹ thành-lập liên-minh AUKUS (Australia – Unìted Kingdom – United States) về vũ-khí và tiềm-thủy-đỉnh hạch-tâm. Thủ-tướng Úc Scott Morrison đã tỉnh-bơ  như không khi đơn-phương huỷ-bỏ đơn đặt hàng mua 12 tầu ngầm chiến-lược nguyên-tử của Pháp để đi mua tầu ngầm chiến-lược nguyên-tử chạy bằng năng-lượng hạch-tâm của Hoa-kỳ.

Cho nên, hãy chấp-nhận cho quen chuyện các ông lãnh-tụ nước lớn ứng-xử với nhau lắm khi thua xa các bà thím ngoài chợ về chữ “tín”, vì đó là chuyện không lạ. Quan-trọng là chính mình có thể dõng-dạc nói được “Việt-Nam first” như ông Donald Trump lớn tiếng “America first” hay ông Scott Morrison tuy không nói “Australia first” nhưng vì lợi-ích của nước Úc trên hết chịu mang tiếng tráo-trở trong ngoại-giao để lợi cho việc quốc-phòng nước mình, hay không mà thôi.

- Quảng Cáo -