Cái chết của Fidel Castro và cơ hội mới của Cu Ba

LS Trần Hồng Phong - Blog Bình luận án

Chiếc xe chở tro cốt Fidel Castro về nơi an táng cuối cùng ngày 3/12/2016.
Chiếc xe chở tro cốt Fidel Castro về nơi an táng cuối cùng ngày 3/12/2016. Ảnh: AFP
- Quảng Cáo -

Fidel Castro, lãnh tụ của đảng cộng sản Cu Ba, đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25/11/2016, ở tuổi 90. Fidel có thể xem là vị lãnh tụ cộng sản cuối cùng còn sống trên trái đất. Cái chết của ông rõ ràng sẽ mở ra một cơ hội mới, sáng sủa hơn, để quốc đảo nhỏ bé và xinh đẹp ở Mỹ la tinh này cất cánh, đổi thay và phát triển.

Tôi đã lặng lẽ theo dõi những sự kiện, vấn đề liên quan, xung quanh cái chết của Fidel trong những ngày qua, và nay muốn chia sẻ một vài suy nghĩ, đánh giá lặt vặt của mình.

Trước hết, tôi thấy có vẻ Fidel là một người sung sướng và hạnh phúc. Nếu như ông thực sự quan tâm đến cuộc sống thanh nhàn, hưởng thụ. Từ suốt nhiều chục năm qua trong cuộc đời, Fidel, hẳn nhiên, được hưởng những chế độ ưu đãi đặc biệt, sống trong nhung lụa, với những tiêu chuẩn sang trọng, cao cấp nhất.

Nhưng nếu là một nhà cách mạng, với lý tưởng cộng sản, thực sự có hoài bão mong muốn đem lại hạnh phúc, cuộc sống no đủ sung sướng cho người dân nước mình, thì ông đã thất bại. Vì lý tưởng cộng sản của ông dù đã triển khai trên đất nước Cu Ba từ hơn nửa thế kỷ qua rồi, nhưng tới nay vẫn chưa thành công, dang dở rất nhiều.

- Quảng Cáo -

Về mặt lý luận, sự thành công của lý tưởng cộng sản, theo chủ nghĩa Mác Lê, chính là sự thành công của cơ sở vật chất, nền kinh tế hiện đại, phát triển và mức độ hưởng thụ vật chất của người dân. Chứ không phải là sự thành công trong lời nói. Qua những hình ảnh, thông tin trên báo chí, truyền hình chính thống (VTV)… chúng ta thấy rõ một đất nước Cu Ba thật sự xinh đẹp, nhưng rõ ràng là đang có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đường sá xuống cấp nghiêm trọng, rất nhiều dinh thự, những con phố tuyệt đẹp nhưng tàn tạ, hư hỏng vì không được tu sửa do thiếu kinh phí; những chiếc ô tô Mỹ thương hiệu Chevrolet sản xuất từ những năm 1950, tưởng đã bị thanh lý từ lâu, vẫn còn chạy khá nhiều trên đường phố Cu Ba, v.v…

Nhưng điều đáng nói hơn, là cuộc sống người dân Cu Ba, vẫn theo kiểu bao cấp như những năm 1980 ở Việt Nam. Người dân hầu như hiếm hoi, cũng chỉ gần đây mới có cơ hội tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy vi tính, internet… là những điều bình thường cơ bản theo “chuẩn” quốc tế hiện nay.

Cu Ba không phát triển được suốt nhiều chục năm qua chủ yếu là do bị lệnh cấm vận của Mỹ và các nước tư bản. Hay nói khác đi, không chơi với tư bản, thì bản thân một nước cộng sản không bao giờ có thể và có cơ hội để cất cánh, phát triển được. (Cho dù chủ nghĩa tư bản chính là “kẻ thù” không đội trời chung của chủ nghĩa cộng sản – lý tưởng mà ông Fidel Castro theo đuổi).

Tại sao ông Fidel Castro không “phá” được thể trận cấm vận của Mỹ, trong khi hầu như tất cả các nước đi theo con đường cộng sản, chủ nghĩa xã hội (trừ Triều Tiên) đã làm được điều đó từ rất lâu? Đây không thể coi là sự thành công, mà có lẽ chỉ là minh chứng cho cho sự “kiên định” con đường của ông Fidel.

Ông Fidel qua đời tuy không có gì là bất ngờ, như một quy luật tất yếu (dù là ai, lãnh tụ hay thường dân, thì cũng sẽ phải chết, xương thịt cũng sẽ phải mục nát), nhưng lại có nhiều phần bất thường – nếu như chúng ta so sánh theo kiểu thông thường – đối với một lãnh tụ cộng sản.

Đó là ông không có di chúc hay di ngôn gì để lại. (Hoặc cũng có thể có nhưng không được công bố).

Đó là ông được hỏa táng một cách “thần tốc” hầu như ngay sau cái chết của mình, trong vòng khoảng 12 giờ đồng hồ. Tôi còn nhớ ngay sau khi cái chết được loan tin, trên mạng xã hội rất nhiều người phỏng đoán Fidel sẽ bị xây lăng, ướp xác. Tuy nhiên thật bất ngờ khi gần như ngay sau đó, em ruột ông, nhà lãnh đạo Raul Castro cho biết Fidel đã được “hỏa táng” theo ý nguyện và gia đình đã thực hiện!

Như vậy có thể thấy, cái chết, hay ít nhất là việc an táng Fidel gần như nằm ngoài “tầm kiểm soát” của Bộ chính trị đảng cộng sản Cu Ba, mà hầu như do gia đình thực hiện, rất riêng tư, nhanh gọn, siêu đơn giản (nếu so sánh là một quốc tang của một lãnh tụ cộng sản).

Đời tư của Fidel cũng không ai biết, mặc dù hầu như chắc chắn ông có vợ và con và có người đang ở Mỹ (theo kiểu đào tẩu). Điều này thật kỳ lạ, vì lẽ ra một lãnh đạo thực sự gần gũi với người dân, thì những chuyện này đều phải công khai, để người dân được biết và yêu mến.

Cái chết của Fidel cũng không được dư luận quốc tế quan tâm nhiều. Hầu như rất rất ít các lãnh đạo các quốc gia gửi lời chia buồn, hay đến dự đám tang – như lẽ ra phải thế.

Bất luận thế nào, cái chết của Fidel rõ ràng đã đưa đất nước Cu Ba sang một trang mới, tạm gọi là giai đoạn không còn (có được) sự quan tâm, lãnh đạo của lãnh tụ cộng sản Fidel nữa. Điều này là tốt hay xấu thì chưa biết, nhưng biết đâu nhờ đó nhân dân Cu Ba có thể sẽ được thực sự tự do, dân chủ hơn – theo tiêu chuẩn chung do Liên Hợp Quốc đưa ra.

Và điều đáng nói hơn, là Cu Ba còn đang có quá nhiều lợi thế mà các quốc gia khác không thể có được, như:

– Nằm ngay sát Mỹ. Nên chỉ cần “mở cửa”, là sẽ trở thành thiên đường du lịch cho người dân Mỹ tràn qua. Ngành du lịch sẽ cất cánh.

– Và cũng do vị trí địa lý thuận lợi này (gần Mỹ), nên hầu như chắc chắn Cu Ba sẽ luôn an toàn về an ninh quốc phòng, không thể bị các nước khác dòm ngó, xâm chiếm biển đảo như kiểu Trung Quốc đang làm với Việt Nam. Trừ khi là cho Nga hay Trung Quốc đặt tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ nhắm qua Mỹ – như một kịch bản từng xảy ra cách nay 50 năm.

– Đất nước Cu Ba chưa bị ô nhiễm môi trường. Thiên nhiên còn hoang sơ, rất sạch và đẹp. Đây là điều Việt Nam có nằm mơ cũng không còn cơ hội để quay lại được nữa. Sẽ thật tuyệt vời nếu Cu Ba giữ nguyên được tình trạng môi trường như vậy. Bảo vệ môi trường và phát triển du lịch, các ngành công nghiệp không khói.

– Tài nguyên thiên nhiên tại Cu Ba hầu như vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị khai thác, hủy hoại nhiều.

– Chính Phủ Cu Ba chưa vay nợ nước ngoài. Người dân hiện tại và các thế hệ mai sau chưa phải oằn lưng gánh nợ, trả nợ.

– Đất đai vẫn còn nguyên và thuộc về đất nước, chưa giao, hay cho các tập đoàn nước ngoài hay Trung Quốc thuê quá nhiều (nói chung trên thương trường quốc tế, chỉ có tập đoàn gốc Hoa mới quan tâm và luôn tìm thuê những khu đất rộng lớn, tại những nơi hiểm yếu, vắng vẻ, môi trường còn nguyên lành …vv).

Tôi không rõ cái chết của Fidel thực sự mang lại điều gì, niềm vui hay nỗi buồn cho người dân Cu Ba. Nhưng mặc dù đã để ý kỹ, hầu như tôi không thấy ai khóc lóc hay bi thương một cách quá thái. Nếu nói theo kiểu “nguyên tắc”, thì người dân sẽ rất buồn, đau khổ. Nhưng có vẻ điều ấy là không chắc, khi ai cũng biết rằng ở những nước cộng sản, truyền thông báo chí được xác định là công cụ tuyên truyền cho đảng, vận hành theo sự lãnh đạo và chỉ đạo của đảng – nên khó bảo đảm phản ánh sự thật khách quan. Dù vậy, tôi biết chắc có hàng triệu người yêu mến, thậm chí là tôn thờ, sùng bái Fidel. Bản thân Fidel được đánh giá đã từng “truyền lửa” cho rất nhiều người. (Thiết nghĩ việc một cá nhân yêu quý/hay không yêu quý một cá nhân khác – là quyền con người rất cơ bản, cần được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Dù khác biệt về quan điểm).

Tất nhiên, nếu xét về phương diện CON NGƯỜI, thì cái chết là vĩnh biệt, là nỗi buồn và không phải là chuyện để cười cợt, ác ý. Thế nên, tôi cũng xin thắp một nén nhang tình người cho ông.

Nếu Fidel là một người tốt, hẳn ở nơi cửu tuyền ông cũng mong cho đất nước Cu Ba đổi thay và phát triển cùng nhân loại, người dân Cu Ba sẽ sớm được sống trong hạnh phúc, được quyền lựa chọn “con đường” của mình – theo đúng nghĩa của từ này, chứ không phải là giả tạo, tuyên truyền.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here