Chiến thắng của Donald Trump có ý nghĩa gì?

Châu Thanh Vũ - nhabaotudo.com

- Quảng Cáo -

Kỳ bầu cử 2016 cuối cùng cũng đã khép lại, với thắng lợi của tỉ phú Donald Trump. Nhiều người tin rằng đây là kỳ mệt mỏi, căng thẳng, và kỳ lạ nhất trong lịch sử, khi cả 2 vị ứng cử viên tổng thống đều có nhiều khuyết điểm. Donald Trump phải vật lộn với những câu nói xỉ nhục phụ nữ, chống lại người Hồi giáo và người gốc Mỹ Latin; trong khi Hillary Clinton vẫn không thoát ra được khỏi bóng ma của vụ scandal sử dụng email server riêng cho việc quốc gia, quá khứ ủng hộ tự do thương mại, và tâm lý chống Washington của cử tri.

Nhưng cuối cùng người Mỹ cũng đã lên tiếng: họ chọn Donald Trump. Nhiều người hỏi tôi là, điều này có ý nghĩa gì, và sẽ có ảnh hưởng gì đến nước Mỹ/thế giới?

Trước hết, trong tương lai gần, không có đủ lý do ở thời điểm này để tin rằng việc Donald Trump trở thành tổng thống sẽ là một thảm họa về mặt chính sách.

Tất nhiên, những chính sách Obama và của Đảng Dân Chủ nói chung nhiều khả năng sẽ bị bãi bỏ, từ Obamacare, TPP, hay kế hoạch tăng thuế đối với người có thu nhập trên $200.000/năm. Hơn nữa, Trump sẽ có cơ hội bổ nhiệm vị thẩm phán tòa án tối cao thứ 9, chắc chắn sẽ là một người bảo thủ thiên Cộng Hòa. Nhưng đây là điều mà bất cứ ai của Đảng Cộng Hòa cũng sẽ làm, không đặc biệt riêng Donald Trump.

Thế có gì đặc biệt trong chính quyền Trump hay không? Trump là một người rất ngẫu hứng, có tiền sử thiếu suy nghĩ, và đã từng đề xuất nhiều điều vô lý. Do đó, ông hoàn toàn có thể cố gắng thông qua một chính sách vô lý nào đó, như việc xây tường ngăn Mỹ và Mexico (nếu ông còn nhớ). Tuy nhiên, nếu Donald Trump đưa ra một chính sách đặc biệt vô lý, thì có thể dám hy vọng Quốc hội Mỹ, dù bị kiểm soát bởi Đảng Cộng Hòa, cũng sẽ có đủ suy nghĩ để kiểm soát vị Tổng thống của chính đảng mình. Ngay cả khi ông lạm dụng quyền Tổng thống của mình qua các Lệnh Thi hành (executive order) – công cụ để các Tổng thống thực hiện các chính sách của mình mà không cần thông qua Quốc hội, được sử dụng rất nhiều bởi Franklin Roosevelt hay Obama – thì cũng có thể trông chờ ở Tòa án Tối cao để kiểm soát quyền lực của Tổng thống.

- Quảng Cáo -

Nhưng việc Donald Trump trở thành Tổng thống, theo tôi, lại có những ý nghĩa khác đặc biệt hơn là những thay đổi chính sách.

Thứ nhất, chọn Donald Trump là tổng thống là phủ nhận tất cả những giá trị nhân văn cơ bản nhất.

Cử tri Mỹ đã nói cho thế giới rằng, dù anh có là người sàm sỡ phụ nữ và thích khoe khoang về việc làm đó, có gọi người Mexico là “những kẻ hiếp dâm,” có bài xích hẳn một tôn giáo, chọc quê người khuyết tật, tạo ra một đại học giả để lừa tiền,… cũng không sao. Ngay cả khi cử tri Mỹ không đại diện cho tất cả những thói hư tật xấu của Trump, việc chọn ông làm tổng thống cũng thể hiện rằng một nửa lượng cử tri Mỹ sẵn sàng thừa nhận những điều xấu xí ấy, và đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

usa-race-chicago
Dân Chicago biểu tình đòi công lý cho nạn nhân Laquan McDonald – REUTERS /Jim Young

Ở một nước mà còn chia rẽ màu da, sắc tộc, và tôn giáo sâu đậm như Mỹ, việc chọn Donald Trump làm tổng thống sẽ khích lệ nhiều thành phần cực đoan của nước Mỹ bộc lộ bản chất thật sự của họ. Những người phân biệt chủng tộc sẽ cảm thấy phân biệt chủng tộc cũng không là gì xấu, vì Tổng thống của họ cũng thế. Những người trọng nam khinh nữ cũng sẵn sàng gọi phụ nữ là “heo”, vì Tổng thống của họ cũng đã từng như thế.

Cũng giống như việc chọn Obama vào năm 2008 làm Tổng thống Mỹ gốc Phi đầu tiên là việc đưa sự đa dạng sắc tộc và niềm hy vọng lên ngôi, câu chuyện của năm 2016 sẽ là đưa lên ngôi sự bài xích tôn giáo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thành kiến giới tính,… những điều xấu xí ngược lại với các giá trị nhân văn mà nước Mỹ cố gắng gìn giữ bấy lâu.

Cũng như một số báo cáo về tình trạng hành hung người nhập cư tăng lên sau Brexit, nước Mỹ có thể trông chờ 4 năm chia rẽ sâu sắc hơn khi một bộ phận của 63% người da trắng tại Mỹ học theo vị tổng thống của mình để sỉ nhục người da màu, người Mỹ lâu năm sỉ nhục người nhập cư.

Thứ hai, Donald Trump đã chứng minh rằng chính trị dân túy (hứa hẹn) và mị dân bằng những lời nói dối cực đoan là phương án rất thành công.

Chưa bao giờ ngành công nghiệp “fact-check” (kiểm tra sự thật) lại nở rộ ra như kỳ bầu cử 2016 này; và người thường xuyên bị đánh giá nói sai sự thật là không ai khác ngoài Donald Trump.

Ví dụ như, vốn biết cử tri Mỹ giận dữ về chính quyền Washington, Trump đã vô cớ cho rằng mọi hệ thống chính trị đã bị “điều khiển” để cho Clinton chiến thắng. Dù cho FBI đã tuyên bố Clinton không phạm tội trong scandal email của bà 2 lần, Trump vẫn liên tục thông báo với cử tri rằng bà đã phạm tội, và FBI chỉ đang hùa với hệ thống để bảo vệ bà mà thôi. Trong một ví dụ khác, Trump mô tả các “thành phố bên trong” (inner city) đang bị xuống cấp trầm trọng và tỉ lệ tội phạm tăng cao; trong khi các số liệu thống kê đều cho thấy ông đang quan trọng hóa vấn đề.

mr_donald_trump_new_hampshire_town_hall_on_august_19th_2015_at_pinkerton_academy_in_derry_nh_by_michael_vadon_03Nhưng, mọi người tin Trump hơn là bất cứ số liệu nào, vì một lý do rất đơn giản: câu chuyện và những lời nói dối cụ thể của Trump là những dẫn chứng rất ăn nhập với suy nghĩ chung của mọi người rằng “nước Mỹ đang có vấn đề.”

Để dễ hiểu hơn, thử bàn về hậu quả của NAFTA và các hiệp định tự do thương mại khác mà Mỹ tham gia. Các nhà kinh tế có thể bất đồng với nhau về nhiều chuyện, nhưng tự do thương mại hầu như không nằm trong số bất đồng đó. Hầu hết các nghiên cứu với số liệu kỹ càng đều chỉ ra rằng: (1) phần lớn công việc bị mất ở Mỹ là do tự động hóa (máy móc thay người) chứ không phải do tự do thương mại, và (2) nếu cắt tự do thương mại thì người chịu ảnh hưởng đầu tiên là người nghèo, vì họ không còn mua được những sản phẩm giá rẻ nhập từ Trung Quốc nữa.

Thế rồi Trump đưa ra một câu chuyện: vì các hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là NAFTA và thương mại với TQ, mà người Mỹ bị mất việc. Câu chuyện này rất dễ tin và có thật, đã xảy ra ở những ngành cụ thể với một bộ phận cử tri cụ thể. Nhưng đây hoàn toàn không phải là một vấn đề lớn khi chúng ta đánh giá bằng số liệu. Thế nhưng, cử tri Mỹ có vẻ không cần số liệu. Họ tin vào những câu chuyện đơn giản, dễ hiểu của Trump hơn.

Nếu chủ nghĩa dân túy bên Đảng Dân chủ – đứng đầu là Bernie Sanders – nằm dưới dạng “tất cả đều màu hồng”: hứa miễn phía đại học, chăm sóc sức khỏe,… thì chủ nghĩa dân túy của Donald Trump có thể hiểu là thuộc dạng “tất cả đều màu đen”: nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, và cần một người ngoài Washington để thay đổi gấp. Và, trong thời buổi (không quá) khó khăn, câu chuyện làm quá của ông Trump lại nghe thực hơn thông điệp đầy hy vọng của bà Clinton.

Cuối cùng, chiến thắng của Trump đặt ra dấu chấm hỏi lớn về chế độ dân chủ.

Với chủ nghĩa dân tộc nổi lên khắp mọi nơi năm 2016, nền dân chủ ở các nước phương Tây bị đưa vào thử thách. Nhiều chính trị gia cánh hữu cực đoan như Marine Le Pen của Pháp hay Norbert Hofer của Áo đã suýt giành được thắng lợi lớn ở nước họ; còn đảng UKIP của Anh lại chiến thắng với Brexit ở Anh.

Điều gì đang sai với chế độ dân chủ hay sao? Thực ra chẳng có gì sai cả. Chỉ là, một bộ phận dân chúng thuộc nhóm bảo thủ, vốn im lặng bấy lâu giờ đã quyết tâm lên tiếng. Ý kiến của họ cũng đáng lắng nghe như ý kiến của giới thượng lưu, giới trí thức, những người sống trong thành thị hay bất cứ bộ phận dân chúng nào khác. Dù lựa chọn của phần đông có là lựa chọn không tối ưu đi chăng nữa, nó cũng là lựa chọn đúng vì đã là lựa chọn của số đông. Và, đó là đặc điểm của một nền dân chủ: ai ai cũng có cơ hội cất lên tiếng nói của mình.

Tuy nhiên, nếu những lá phiếu này không thể hiện suy nghĩ, mà chỉ thể hiện những cảm xúc thì sao? Và nếu những cảm xúc này là nhất thời và không dẫn đến kết quả tối ưu thì sao?

american-experiment-300x156-2Thử trở lại vấn đề người nhập cư. Nước Mỹ từng được gọi là “the American experiment” (tạm dịch: thí nghiệm Mỹ) vì là một nước trẻ, và luôn mở rộng vòng tay đón nhiều làn sóng nhập cư: từ người gốc Anh, Đức, đến Ireland, rồi gốc Á, Do Thái,… xuyên suốt lịch sử. Cứ mỗi lần có một làn sóng nhập cư, tinh thần bài ngoại lại tăng cao vì những người Mỹ hiện tại không dám chấp nhận sống chung với một luồng người mới. Tuy nhiên, về lâu về dài, nước Mỹ lại thừa hưởng rất nhiều từ sự đa dạng sắc tộc này, từ kinh tế đến văn hóa. Nếu cứ mỗi lần bị đưa ra phép thử, người Mỹ lại chọn cảm xúc/tinh thần bài ngoại nhất thời và đóng cửa, không chấp nhận các làn sóng nhập cư, thì liệu nước Mỹ có đến được như ngày hôm nay hay không?
(Chuyện bên lề: tất cả những người Mỹ được giải Nobel năm nay đều có gốc nhập cư.)

Tình huống tốt nhất là lãnh đạo, chính quyền hiện tại có thể giải thích, trấn an cảm xúc của người dân. Đó là điều Obama đã làm vào năm 2008. Nhưng ở năm 2016, với một ứng cử viên Hillary Clinton được cho là “thiếu cảm hứng”, còn một ứng cử viên Donald Trump lại một cách thuyết phục thổi lửa vào các cảm xúc giận dữ của cử tri này, họ cảm thấy họ nên bầu cho ông vì ông có vẻ “thật” và “hiểu cử tri”.

Nhưng, từ phương diện của người thứ ba, nền dân chủ có lẽ đã tạo cơ hội cho một người như Trump lợi dụng tình huống để nắm lấy quyền lực. (Nhà triết học Aristotle đã từng cảnh báo về khả năng trỗi dậy của những kẻ mị dân trong một nền dân chủ.) Điều này không khiến người ta đặt ra câu hỏi: dân chủ kiểu hiện tại thực ra liệu có tốt không? Hay nên có những thể thức nào (như kiểm chứng thông tin tốt hơn để tránh mị dân) để khiến một nền dân chủ hùng mạnh hơn nữa?

Tôi vẫn tin vào hệ thống dân chủ, nhưng câu hỏi trên sẽ cần nhiều suy nghĩ trong 4 năm của nhiệm kỳ tổng thống Trump.

Châu Thanh Vũ,
Harvard 9/11/2016

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here