Dự lễ tưởng niệm 29 năm ngày các chiến sĩ Đông Tiến hy sinh trên đường về quang phục quê hương

Trùng Dương - Tác giả gửi CTMMedia

Linh vị các chiến sĩ Đông Tiến. (Ảnh Trùng Dương)
- Quảng Cáo -

Năm nay tôi đi dự lễ tưởng niệm Cố Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các chiến sĩ Đông Tiến được tổ chức tại Sacramento, Bắc Cali, với trong đầu những hình ảnh về thảm hoạ môi trường ở Việt Nam, những cuộc biểu tình đòi biển sạch và quyền làm người của dân tộc Việt không những đang diễn ra trong nước mà còn khắp nơi trên thế giới của các cộng đồng người Việt từ cuối tháng 4 khi vụ cá chết hàng loạt trắng 200 km bờ biển miền Trung bùng nổ, khởi đầu từ những hình ảnh liên hệ và bài thơ “Quê hương mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Hà Tĩnh Trần thị Lam trên các diễn đàn dân sự, đặc biệt qua Facebook và YouTube.

Tôi đi dự lễ với trong đầu cả mấy cái phim ngắn trên YouTube về những diễn tập dẹp biểu tình khá qui mô, với từng đòan xe nhà binh, giây thép gai, lưụ đạn khói, dùi cui và súng ống của công an cộng sản tại Hà Nội do mấy người bạn gửi tới mới hôm trước (khiến có người tưởng là biểu tình thật), và một tâm trạng bất nhẫn hơn đối với chế độ Việt cộng đang đẩy dân tộc tới bờ vực thẳm, bên cạnh hiểm họa có thể về một Bắc thuộc lần thứ năm.

Buổi lễ do cơ sở Việt Tân phối hợp tổ chức với các hội đoàn địa phương. Sacramento là nơi có một cộng đồng Việt Nam tương đối hài hòa. Điển hình, với tôi, là họ đã tổ chức tưởng niệm cả cố Tổng thống Ngô Đình Diệm lẫn cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hoà, và gần đây là buổi lễ tưởng niệm cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Và hôm Chủ nhật 28 tháng 8, nhiều người, trong đó có một số khuôn mặt trẻ, đã đến góp mặt để tưởng nhớ các chiến sĩ đã bỏ mình trong Chiến dịch Đông Tiến cách đây trên 30 năm.

- Quảng Cáo -

Tưởng cũng nên nhắc qua về Chiến dịch Đông tiến. Vào cuối thập niên 1970, giữa không khí sôi động của những chuyến vượt biên, vượt biển bi thảm của hàng trăm ngàn người Việt không chấp nhận cộng sản và với vết thương 30 tháng 4, 1975 còn rướm máu, nguyên Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh đã giã từ vợ con, cùng một số đồng chí lên đường về vùng Đông Dương lập chiến khu trong một chiến dịch tên gọi là Đông Tiến, với mục đích tối hậu là giải phóng Việt Nam và xây dựng dân chủ. Phối hợp với các nhóm phục quốc khác trong nước, từ danh xưng Mặt trận Quốc Gia Giải Phóng Việt Nam khi được thành lập vào năm 1980 chuyển thành Việt Nam Canh tân Cách Mạng Đảng, tắt là Việt Tân hai năm sau đó, ông Minh đã được đề cử làm chủ tịch đảng để lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và canh tân đất nước.

“Giai đọan năm năm sau đó, từ 1982 đến 1987, đánh dấu một thời cực kỳ khó khăn, phức tạp và nguy hiểm,” theo đương kim Chủ tịch Đỗ Hoàng Điềm kể trong phần mở đầu cuốn tài liệu 700 trang, tựa là “Trên Đường Đông Tiến” xuất bản năm 2007. “Khó khăn vì cả nền tảng của cuộc đấu tranh đã phải xây dựng trong hoàn cảnh thiếu thốn, hoàn toàn chỉ dựa vào sức của chính dân tộc Việt Nam làm căn bản. Phức tạp vì với những sự nghi kỵ, tấn công từ nhiều phía lại làm khó khăn thêm chồng chất. Và nguy hiểm vì môi trường hoạt động thường xuyên bị đe doạ bởi quân đội cộng sản chưa kể đến những rủi ro khác của rừng sâu, nước độc.”

Dầu vậy, các kháng chiến quân vẫn kiên trì hoạt động bằng những đóng góp của nhiều người Việt hải ngoại không chịu bỏ cuộc mặc những đánh phá, xuyên tạc. Nhiều cán bộ Việt Tân đã tình nguyện về nước hoạt động để xây dựng hạ tầng cơ sở và phát triển nhân sự.

image004“Tháng 7 năm 1987, lượng định rằng sự hiện diện tại quốc nội của ông [Hoàng Cơ Minh] và bộ phận lãnh đạo Việt Tân là điều cần thiết trước những biến chuyển của tình hình, ông đã cùng một số cán bộ chỉ huy rời hậu cứ trên đất Lào để tiến về quê hương,” ông Điềm kể tiếp.

“Nhưng chuyến đi này lại là định mệnh. Ngày 28 tháng 8 năm 1987 ông và những chiến hữu thân cận nhất đã  hy sinh cho đất nước, cho lý tưởng tự do khi chỉ còn cách quê hương có vài chục cây số.”

Từ đó tới nay đã ba thập niên. Cá nhân tôi sau khi rời Mặt Trận vào cuối thập niên 1980 vì những lý do rất riêng tư, tôi vẫn theo giõi việc làm của anh chị em Việt Tân, trong đó có một số bạn tôi vẫn duy trì liên lạc. Họ là những người theo đuổi công cuộc đấu tranh từ khi tóc còn xanh, nay đã điểm bạc, từ khi Việt Tân còn trong bóng tối nay đã ra công khai trong nước, với thêm nhiều khuôn mặt trẻ.

Từ những hình ảnh các kháng chiến quân phục sức áo quần mầu đen, cổ quấn khăn rằn ri, vai đeo súng mà nhiều người có thể đồng hoá với một cuộc đấu tranh bạo động, Việt Tân thực ra đã từ lâu áp dụng các nguyên tắc đấu tranh bất bạo động vốn đã đưa những cuộc cách mạng Đông Âu tới thành công, và cũng đã được các nước Trung Đông áp dụng nhưng bất hay chưa thành.

Mahatma Gandhi (1869-1948) là người đã dùng đấu tranh bất bạo động đưa Ấn Độ ra khỏi sự thống trị của Đế quốc Anh vào giữa thế kỷ 20, và do đấy đã phổ thông hoá chiến thuật đấu tranh bất bạo động này. Và người có công phổ biến các phương cách đấu tranh bất bạo động vào thời chủ nghĩa cộng sản đang cùm kẹp các quốc gia Đông Âu là Giáo sư Gene Sharp (sinh ngày 21 tháng 1, 1928). Nguyên là giáo sư chính trị học của Đại học Massachusetts Dartmouth, ông đã sáng lập ra Học viện Albert Einstein chuyên nghiên cứu và phổ biến các phương pháp đấu tranh bất bạo động. Sách vở tài liệu liên hệ về đấu tranh bất bạo động do ông đề ra đã ảnh hưởng sâu đậm tới những cuộc đấu tranh bất bạo động và đã dẫn tới thành công của các nước Đông Âu cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990.

Trong một tài liệu quảng bá trên Internet, Tiến sĩ Sharp liệt kê cả thẩy 198 phương thức mà ông gọi là “vũ khí bất bạo động,” trong đó gồm những cuộc vận động dư luận nhằm vào các cơ quan, tổ chức, đoàn thể như các chính quyền, các tổ chức báo chí, và những cách thức truyền đạt tới quảng đại quần chúng qua các khẩu hiệu, bích chương, quảng cáo và các phương tiện truyền thông như báo, đài, truyền đơn và nhiều phương cách khác nữa — những phương cách ta thấy trong nhiều cuộc biểu tình ở Việt Nam từ lâu nay qua hệ thống YouTube. (**)

Ngày nay, khác với thời các chế độ Đông Âu và Liên Sô tan rã, cuộc đấu tranh ở Việt Nam còn có thêm sự hỗ trợ của các diễn đàn dân sự như Facebook, YouTube rất hữu hiệu, mặc dù nhà cầm quyền cộng sản ra công đánh phá ngăn chặn. Chính Facebook là diễn đàn đầu tiên đưa tin nổ về vụ cá chết ở Miền Trung vào cuối tháng 4, nơi người dân chưa hề được lãnh đạo trung ương một lần về thăm và ủy lạo, trong khi ông thủ tướng cộng sản gần đây đi “thăm dân cho biết sự tình” với cả chục xe hạng sang hộ tống tại Phố Cổ Hội An cách đó không xa.

Tôi nhìn lên các linh vị của chiến sĩ Đông Tiến, trong đó ít ra có ba vị tôi đã được trực diện, hoặc chỉ bắt tay hoặc đã chuyện trò, những kỷ niệm không thể phôi phai trong ký ức tôi, và sẽ còn đẹp mãi. Tôi thầm cầu nguyện anh linh của các tử sĩ phò trợ cho dân tộc Việt kiên trì trong cuộc tranh đấu đòi lại núi sông.

Buổi lễ tưởng niệm các chiến sĩ Đông Tiến diễn ra trong vòng trang nghiêm, cảm động. Nghe bản Quốc ca Việt Nam Cộng Hoà đã nhiều lần, nhưng hôm nay tôi thấy đặc biệt ngậm ngùi khi nhìn lên những bức ảnh các chiến sĩ Đông Tiến trên bàn thờ.

thanhuuVT BaiCaDongTienHoangCoDinh

Các anh chị Việt Tân và thân hữu đồng ca bản “Bài Ca Đông Tiến” của kháng chiến quân nhạc sĩ Trần Thiện Khải, trái. Ông Hoàng Cơ Định, bào đệ của Cố Đề đốc Hoàng Cơ Minh, góc trái trong hình bên mặt, đang kể lại những kỷ niệm về các kháng chiến quân, trong đó có chuyện chiếc khăn tay của nhạc sĩ Khải cho cậu con của ông mượn để gói chiếc răng gẫy của cậu bé nhân chuyến ra công tác ở hải ngoại và đưa cậu bé đi chơi, rồi sau đó nhạc sĩ đi về chiến khu, khiến cậu bé chưa kịp trả lại khăn, nên giữ lại làm kỷ niệm. Cậu bé đó giờ là phát ngôn viên Hoàng Tứ Duy của Việt Tân. (Ảnh Trùng Dương)

Chaoco01Chaoco02

Các thân hữu trong lúc chào Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ mở đầu buổi lễ tưởng niệm các liệt sĩ Đông Tiến. (Ảnh Trùng Dương)

Đã bao nhiêu năm rồi, từ khi bài hát “Thanh niên hành khúc” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Quốc gia Việt Nam vừa được độc lập năm 1945 chọn làm quốc ca và sau đó Việt Nam Cộng Hoà tiếp tục công nhận từ 1954 tới 1975. Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi / Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống / Vì tương lai Quốc dân, cùng xông pha khói tên / Làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền […] Công dân ơi! Mau làm cho cõi bờ / Thoát cơn tàn phá, vẻ vang nòi giống / Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng …

Lẽ ra là người Việt đã phải là đang xây dựng đất nước để chen chân với những “con rồng kinh tế” ở vùng Đông Nam Á chứ, chứ đâu phải vẫn còn đang đòi cho mình được cái quyền tối thiểu là quyền làm người cho ra con người trong khi đất nước trở thành nơi thừa hưởng những nhà máy sả thải độc hại như Formosa và nhiều cơ sở đầu tư ngoại quốc khác; chứ đâu phải thấy cảnh một chính quyền thay vì lo cho dân đang chết dở vì cá chết, biển độc, rừng cạn và “những con thuyền (đành) nằm nhớ sóng khơi xa” thì lại đi lo diễn tập để đàn áp biểu tình? Không những thế còn quay phim đưa lên diễn đàn YouTube phổ biến chắc khôn gngoài mục đích để dằn mặt người dân như vậy?

Tôi ngậm ngùi vì dường như mỗi ngày cụm từ “Xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng” mỗi lùi xa đối với dân tộc một thời đã có sự kiêu hãnh đó rồi chứ nào phải không. Ai đã cướp giật đi của họ lòng tự hào dân tộc ấy?

Tôi nhìn lên những bức ảnh thờ một lượt, và dừng lại ở bức ảnh mà người trong ảnh một dạo đã trở nên thân thiết như chị em một nhà – nhà văn Võ Hoàng, tác giả của nhiều truyện ngắn đầy triển vọng đi xa của một văn tài, nhưng Hoàng quyết định viết cuốn truyện dài đầu tay bằng những bước chân đi vào chiến khu với ước vọng quang phục quê hương.

Trước khi Hoàng lên đường, tôi đã có vài buổi tối ngồi với Hoàng ở nhà anh Nguyễn Xuân Nghĩa, nguyên vụ trưởng Vụ Tuyên Vận dưới chiến hiệu Đồng Sơn do ông Hoàng Cơ Minh đích thân đặt cho. Hồi ấy còn có cả cố ký giả Lê Thiệp, tổng thư ký của bán nguyệt san Kháng Chiến. Chúng tôi đã có một thời trẻ trung và lý tưởng, có hơi lãng mạn, và tôi vô cùng trân quý kỷ niệm đó.

Tôi nghĩ với riêng mình trong buổi lễ: Tôi nợ Võ Hoàng và các chiến sĩ Đông Tiến bài viết này.

Và tôi đã viết. Như một nén nhang trân trọng tưởng nhớ.

[TD, 08/2016]

Chú thích:

(*) Về đấu tranh bất bạo động: https://en.wikipedia.org/wiki/Nonviolent_resistance; nhấn vào chữ Tiếng Việt trong cột bên trái để xem bản Việt ngữ. Xem thêm: “Đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam: hiện tại và tương lai,” http://www.sbtn.tv/vi/blog/dau-tranh-bat-bao-dong-tai-viet-nam-hien-tai-va-tuong-lai.html.
       Về Tiến sĩ Gene Sharp, người khai triển và phổ biến các phương thức đấu tranh bất bạo động đã đưa tới thành công tại các nước Đông Âu vào cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990: https://en.wikipedia.org/wiki/Gene_Sharp.
       Phim tài liệu về Tiến sĩ Gene Sharp và ảnh hưởng của những tài liệu của Học viện Albert Einstein: “How to Start a Revolution”: http://www.dailymotion.com/video/x1birds_how-to-start-a-revolution_newshttps://www.youtube.com/watch?v=dkx1mnloKg8.
       Bản dịch Việt ngữ cuốn cẩm nang đấu tranh bất bạo động: “Từ Độc Tài Đến Dân Chủ – Một Hệ Thống Ý Niệm Về Giải phóng,” https://vnctcmd.files.wordpress.com/2008/12/tudoctaidendanchu.pdf

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. how important is democracy for a nation?, to these people it is so important that they can give up their lives for it their most precious, to give the people in vn hopes, where on earth you can die because of your political beliefs? IN COMMUNIST COUNTRIES LIKE VIETNAM. they are good conscience people went to waste.

    where are these people now? their flesh became dust, their bones are decaying, they are in skeletons in the cold ground and silence for eternity, but in those decaying bones there are tremendous love for this nation of our, more loves than many of the living, and if all of us have the same commitment/dedication like them our nation will be be SAVED. “”
    LEST WE FORGET””

  2. TÔI THẤY BẤT CỨ MỘT GIA NÀO THI CŨNG CẦN ĐƯỢC ĐỘC LẬP, HÒA BÌNH LÀ KHÁT VỌNG CỦA CẢ NHÂN LOẠI TRỨ KHÔNG PHẢI CỦA GIÊNG AI, THẾ KỶ 21 ĐÃ KHÉP LẠI CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM DÀI ĐẰNG ĐẴNG, NHẼ RA NGƯỜI VIỆT NAM CHÚNG TA MÁU ĐỎ DA VÀNG PHẢI SUNG SƯỚNG NẾU KHÔNG CÓ CHIẾN TRANH, CÁC NHÀ SỬ HỌC TRÊN THẾ GIỚI ĐÃ PHÂN TÍCH NHIỀU QUỐC GIA GIỎI LÀ CƯỜNG QUỐC MẠNH, NHIỀU TƯỚNG GIỎI NHƯNG ĐẾN VIỆT NAM ĐỀU THẤT BẠI, LÍ DO LÀ HỌ KHÔNG HIỂU VĂN HÓA VIỆT NAM, NGƯỜI VIỆT NAM SINH RA ĐÃ YÊU CHUỘNG HÒA BÌNH TỰ VỆ LÀ CHÍNH, ẤY NHƯNG NHỮNG CON KIẾN NHỎ VẪN GIẾT VOI LÀ VẬY KHÔNG ẢO VỌNG MƠ TƯỞNG ĐẾN NHỮNG ĐIỀU VIỂN VÔNG HẬN THÙ KHÉP LẠI QUÁ KHỨ NO LÀM ĂN LƯƠNG THIỆN . CÓ TÀI GÌ THÌ GIÚP NHÂN LOẠI VỀ VẬT CHẤT CỨU NHỮNG MẢNH ĐỜI CƠ NHỠ KHÓ KHĂN HOẠN NẠN THÔI THAM VỌNG LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN LÀM GÌ CHẾ ĐỘ NÀY QUÁ TỐT RỒI, XƯA ÔNG BÀ, CHA MẸ TA CÓ CƠM ĂN ĐÂU ÁO CÓ MẶC ĐÂU SỐNG KIẾP NGƯỜI CHẲNG RA NGƯỜI, VẬT KHÔNG RA VẬT,NHÀ KHÔNG CÓ RUỘNG CÀY CŨNG KHÔNG. CÓ ĐẢNG BÁC HỒ ĐẤT NƯỚC MỚI PHỒN VINH NHƯ HÔM NAY, MỘT QUỐC GIA ỔN ĐỊNH CHÍNH TRI BẬC NHẤT. NGƯỜI DÂN TỶ LỆ NGHÈO GIẢM TRÊN 98 PHẦN TRĂM TỐT QUÁ RỒI

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here