Vụ cá chết hàng loại tại Việt Nam cho thấy rõ vấn đề thiếu tự do báo chí

Helen Clark - The World Post

Bức xúc vì không bán được cá đánh bắt do cá bị ô nhiễm, người dân Quảng Bình hôm 29-04 đã đem cá liệng ra đường và giăng lưới chặn đường quốc lộ.
- Quảng Cáo -

Mùi hôi thối của vụ xì-căn-đan cá chết tại Việt Nam là triệu chứng của điều đáng lo ngại hơn cả vấn đề an toàn thực phẩm và môi trường: đó là truy cập thông tin và quảng bá tin tức.

Vào ngày 30 tháng Sáu, gần ba tháng trời từ sau khi vụ cá chết hàng loạt bắt đầu, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa cùng bản tin: Công ty thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty con của Tổ Hợp Formosa Plastics của Đài Loan, bị nhiều người đổ lỗi về vụ cá chết, nay đã nhìn nhận trách nhiệm gây ô nhiễm kỹ nghệ làm thiệt hại môi trường nặng nề và sẽ đền bù 500 triệu đô la. Chính quyền Việt Nam, trước giờ vẫn giữ yên lặng, cũng lên tiếng quy trách nhiệm cho Formosa. Vào đầu tháng có tiến triển về kết quả nhưng không có xác nhận nào, như báo Tuổi Trẻ đưa tin:

Vào ngày 2 tháng Sáu, chính phủ họp báo và tuyên bố là đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì đang chờ phản biện.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo ngày 2-6-2016 là đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì đang phản biện. Hình: tuoitre.vn
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo ngày 2-6-2016 là đã tìm ra nguyên nhân cá chết nhưng chưa công bố vì đang phản biện. Hình: tuoitre.vn

Trong khi quần chúng chờ câu trả lời và ngành du lịch bị thiệt hại, báo chí cũng bị cấm đoán. Như báo New York Times đưa tin, “Giới chức cho biết là cần phải giới hạn việc đưa tin về thảm họa trong lúc đang điều tra.” Điều này không phải là điều bất thường trong một quốc gia mà ký giả thường gặp trở ngại trong khi tác nghiệp, nhưng nó nhấn mạnh một tình cảnh không lấy gì sáng sủa lắm trong thời gian tới. Việt Nam thường xuyên được xếp hạng thấp về tự do báo chí, và vụ cá chết cho thấy một thay đổi trong làng báo Việt Nam: làm báo về môi trường bị theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết vì quần chúng đã ý thức được vấn đề – và có xác suất sẽ phản ứng có tổ chức. Tiếp theo sau vụ xì-căn-đan này thì việc đưa tin tường tận về các vấn đề môi trường có thể giảm bớt, trong lúc mà ý thức về môi trường bắt đầu bám rễ trong quần chúng Việt Nam.

- Quảng Cáo -

Phản ứng đối với xì-căn-đan này là một phản ứng hiếm hoi của chính quyền so với những vụ tương tự trong quá khứ. Sắp tới đây, mức độ tin tức tiếp nối sẽ xác định báo chí được tự do bao nhiêu trong các vụ này. Tuy nhiên hiện nay, phản ứng của chính quyền và tiền phạt 500 triệu đô la là một điều khích lệ so với các vụ phạt cho có lệ trong quá khứ.

Cho đến nay thì các vấn đề về an toàn thực phẩm và môi trường là một chủ đề chắc chắn được phép để điều tra, vì là những đề tài an toàn hơn chuyện viên chức tham nhũng, hay chính quyền quản lý tồi tệ. Nhưng một khi các vấn đề gây nhiều tranh cãi được nhiều chú ý thì việc đưa tin bị giảm xuống hay ít nhất là được kiểm soát cẩn thận hơn. Như vụ cá chết hàng loạt này.

Chuyện này thì không có gì mới mẻ. Những ai chỉ trích nhà nước có thể bị bắt giam dưới ba điều luật hình sự khác nhau: điều 88, 79 và 258. Báo chí Việt Nam thuộc về nhà nước, nhưng mỗi đơn vị tin tức dưới quyền điều khiển của các cơ phận khác nhau, thay vì dưới quyền trực tiếp của Đảng Cộng Sản. Thay vào đó, chỉ thị được ban hành và phải biết tự kiểm duyệt; ban biên tập và ký giả biết khi nào thì sự việc hay đề tài trở nên nóng bỏng.

Khi các cuộc biểu tình về vụ cá chết nổ ra cách đây hai tháng, người dân phẫn nộ về chính quyền thiếu phản ứng và câu trả lời kênh kiệu của phát ngôn nhân công ty Formosa. Đến đầu tháng Năm, số người biểu tình tại Tp.HCM lên tới hàng trăm hay hơn, và không những chỉ có các nhà hoạt động, mà còn có các thường dân.

Biểu tình tại Hà Nội ngày 1-5-2016. Hình: Reuters
Biểu tình tại Hà Nội ngày 1-5-2016. Hình: Reuters

Trong suốt thời gian xảy ra sự việc, chính quyền ngăn chận tin tức liên quan đến sự việc, viện dẫn “tính chất nhạy cảm” và do đó người dân xoay qua những phương tiện truyền thông khác để chia sẻ thông tin và bày tỏ bức xúc.

Vào tháng Năm, một tháng sau vụ cá chết hàng loạt thì Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam. Quần chúng Việt Nam tạm gác vụ cá chết qua một bên để đón chào Tổng thống Obama nồng nhiệt.

Đến ngày 5 tháng Sáu thì biểu tình bắt đầu trở lại. Theo blogger Phạm Đoan Trang, thì các cuộc biểu tình sau khi tổng thống Obama đi về có ít người tham dự hơn, có lúc công an cảnh sát đông hơn người biểu tình. Cô cho biết là nhiều người biểu tình bị công an lôi đi, đánh đập và bị lấy cung dùng những biện pháp của thời Sô Viết.

Chuyện dài môi trường là những chủ đề tường thuật lôi cuốn trong những năm qua tại Việt Nam, nhưng khi cuộc thảo luận chuyển qua xã hội dân sự và mạng xã hội, và mối quan tâm về vấn đề môi trường tăng lên, thì thái độ nhà nước có thay đổi. Đối với các ký giả, công việc điều tra phi chính trị bây giờ mang màu sắc chính trị vì có nhiều nhà hoạt động trẻ dính vào đó.

Lương Nguyễn An Điền, một ký giả Việt Nam vừa trở lại sau khi tu nghiệp khoa báo chí tại Đại Học Columbia, Hoa Kỳ, cho tôi biết, “Bây giờ mạng xã hội bùng nổ tại Việt Nam, và giới chức trách ngày càng lo ngại về cảm nghĩ của giới quần chúng này. Đối với họ, bất cứ vấn đề môi trường nào cũng có thể được chính trị hóa. Vụ cá chết là một thí dụ.”

Mặc dầu bị chính quyền ngăn cản, ký giả vẫn đưa tin về những đề tài nhạy cảm cho đến khi nó quá nóng trên mạng xã hội. Khía cạnh này trên mạng xã hội có thể mang lại hiệu quả méo mó: những điều sai sự thật được truyền bá trên mạng không bị ràng buộc bởi các chuẩn mực biên tập. Nhưng ngay cả thế, tin tức trên mạng vẫn mang nét chân thật hơn là lời nhà nước in trên mặt báo, được Bộ Thông Tin và Truyền Thông kiểm duyệt trước.

Một bé trai nhìn cá chết dạt vào bờ biển Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình. Hình: STR/AFP/Getty
Một bé trai nhìn cá chết dạt vào bờ biển Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình. Hình: STR/AFP/Getty

Các tổ chức môi trường trên mạng bắt đầu tạo tiếng nói tại Việt Nam từ năm 2009, khi nhiều nhóm liên kết lại để chỉ trích dự án bô-xít của nhà nước tại vùng cao nguyên. Người dân càng giận dữ hơn khi biết dự án này do công ty Trung Quốc điều hành. Dân chúng tổ chức chiến dịch chống đối qua Facebook, gây bất ngờ cho chính quyền, và trang này bị tường lửa chận thường xuyên (tuy không chính thức bị “cấm”). Cùng năm đó, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) nêu tên Việt Nam trong top 10 mười quốc gia tệ nhất cho giới blogger.

Trong những năm gần đây, các nhà hoạt động trẻ ra tay hành động nhiều hơn là nói, phê bình chính quyền. Khi chính quyền Hà Nội thông báo dự án đốn cây cổ thụ, giới trẻ nhanh chóng tụ họp trên mạng để chống đối.

An Điền hồi tưởng lại vụ xì-căn-đan môi trường dính đến Đài Loan hồi năm 2008 khi công ty sản xuất bột ngọt (MSG) Vedan làm một khúc 10km của sông Thị Vải, tỉnh Đồng Nai “chết ngắc” về mặt sinh thái. Sự việc được đưa tin rộng rãi trong giới báo chí Việt Nam – và gây phẫn nộ. Nhưng ngoài ra không có mấy cuộc biểu tình và cũng không có nỗ lực tổ chức nào trên mạng.

An Điền cũng làm phóng sự về những vấn đề môi trường khác tại Việt Nam. Trong một bài viết cho VN Express, ông đặt vấn đề với Monsanto, công ty sản xuất chất độc da cam, lại được hoan nghênh đón chào trở lại Việt Nam.

Đề tài này chưa đến tầm vóc của vụ cá chết, một phần vì không có ấn tượng trực tiếp: không có cá chết hàng loạt. Liệu quần chúng có phản ứng với những mối đe dọa xa xôi hay không thì cần chờ xem, tuy nhiên khi vấn đề an toàn thực phẩm nói chung đã trở nên một mối quan tâm lớn thì phong trào môi trường sẽ dần dà lớn mạnh. Trong khi đó thì việc tự do thông tin về môi trường có thể bị giảm xuống, ít ra là trong lúc này.

Hoàng Thuyên lược dịch theo The World Post – Ngày 2-7-2016

 

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here