Formosa Hà Tĩnh ‘đẻ non’ và ‘phớt lờ bảo đảm môi trường’

Ts. Nguyễn Thành Sơn - Blog Bùi Văn Bồng

- Quảng Cáo -

Ngày 15/01/2008, Tổng giám đốc Tổng công ty Formosa công nghiệp nặng Ngô Quốc Hùng, từ Đài Bắc đã gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Thư bảo đảm xin đầu tư xây dựng dự án cảng Sơn Dương và khu liên hợp gang thép tại Hà Tính”.

Mặc dù thư này được gửi cho Thủ tướng, nhưng ngay ngày hôm sau, từ Hà Tĩnh, phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự đã ký công văn số 102/UBND/CN2 ngày 16/01/2008 về việc đầu tư vào Hà Tĩnh của Tập đoàn Formosa (Đài Loan). Công văn này đã khẳng định: “Sau khi xem xét văn thư ngày 15/01/2008 của Tập đoàn Formosa (Đài Loan) về việc cam kết đầu tư Dự án cảng Sơn Dương và Dự án nhà máy luyện thép công suất 15 triệu tấn/năm… UBND tỉnh Hà Tĩnh xin báo cáo và đề nghị như sau: … Formosa là Tập đoàn có các nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép… Kính đề nghị Thủ tướng Chính Phủ và các Bộ, ngành liên quan cho phép Tập đoàn lập dự án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện dự án nói trên”.

Như vậy, bằng công văn 102/UBND/CN2 ngày 16/01/2008 nói trên phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cố tình hợp thực hóa công văn số 3182/UBND-CN2 ngày 12/12/2007. Văn bản trên còn cho thấy rõ hành động vô trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Trong khi Formosa là đối tác được thế giới bêu danh hàng đầu trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường, thì, chỉ trong vòng 24h, sau khi Formosa “cam kết đầu tư” với Thủ tướng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã khẳng với Thủ tướng: “Formosa là Tập đoàn có các nguồn lực và kinh nghiệm đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án cảng biển và luyện thép”!!!.

Những ưu đãi không có cơ sở

Mặc dù Formosa chưa trình dự án, ngày 28/02/2008, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh đã lập “Biên bản ghi nhớ về điều kiện ưu đãi đầu tư cho dự án nhà máy thép và cảng Sơn Dương”. Biên bản này đã nêu cụ thể 14 mục ưu đãi đối với Formosa. Trong đó, có những mục như “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực”. Đây là hành động “cầm đèn chạy trước ô tô” của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Vì, sau đó 4 ngày, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải mới ký văn bản số 323/TTg-QHQT ngày 04/3/2008 “về việc đầu tư xây dựng Nhà máy luyện thép và cảng nước sâu tại Hà Tĩnh”, trong đó có nội dung: “UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành có liên quan chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư và hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tổ chức thẩm định Dự án và hồ sơ theo quy định hiện hành của Luật đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Ông Hoàng Trung Hải là người ký quyết định đưa đến sự ra đời của dự án công ty thép Formosa Hà Tĩnh.
- Quảng Cáo -

Sau khi có ý kiến chỉ đạo trên, thay vì phải “hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư” theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngày 25/3/2008, cũng chính Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, đã ký “Biên bản ghi nhớ bổ sung, sửa đổi về điều kiện ưu đãi đầu tư cho dự án nhà máy thép và cảng Sơn Dương”. Trong đó, mục “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực” đã được sửa đổi thành: “Thời gian thuê đất 70 năm, kể từ khi hợp đồng thuê đất có hiệu lực. Trước khi hết hạn thuê đất 2 năm nếu có nhu cầu, nhà đầu tư (FORMOSA) phải trình UBND tỉnh Hà Tĩnh đơn xin thuê đất cho thời gian tiếp theo và trong vòng 03 tháng (kế từ ngày nhận được đơn xin thuê đất), UBND tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm trả lời nhà đầu tư. Khi đó, FORMOSA là nhà đầu tư được ưu tiên để tiếp tục thuê đất nhưng chính sách thuê đất được áp dụng theo quy định của luật Việt Nam tại thời điểm hiện hành”.

Qua sự việc trên cho thấy, trong khi chủ đầu tư chưa trình Dự án, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký biên bản thỏa mãn tất cả các yêu cầu của chủ đầu tư. Đặc biệt, việc giao đất 70 năm được bổ xung các điều kiện được chấp nhận kéo gần như vô thời hạn.

Mặc dù Báo cáo đầu tư của Formosa chưa được lập và chưa được các cơ quan hữu quan phê duyệt, ngày 09/4/2008, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự đã ký văn bản số 858/UBND-CN2 về việc xác nhận ưu đãi đầu tư cho Tập đoàn Formosa. Văn bản này đã đưa ra 5 ưu đãi về thuế, 3 ưu đãi về đất, 2 ưu đãi về bồi thường, giải phóng mặt bằng, 4 hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật, 2 hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, và 1 hỗ trợ về chi phí quảng cáo. Riêng về ưu đãi thuê đất, văn bản đã khẳng định “Thời gian cho thuê đất là 70 năm. Khi hết hạn thuê đất, nếu có nhu cầu, Formosa sẽ được ưu tiên tiếp tục thuê đất; chính sách thuê đất được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam tại thời điểm đó”.

Nhờ có những ưu đãi “từ trên trời rơi xuống”, ngày 11/4/2008, hai ngân hàng Hongkong and Shanghai Banking Corporation Ltd. (HSBC) và Mega International Commercial Bank Co., Ltd đã có “Thư quan tâm” gửi cho Formosa. Trong đó, HSBC đã lưu ý nếu chính sách của chính phủ thay đổi thì Thư quan tâm này sẽ cần được HSBC khẳng định lại!

Những rủi ro về môi trường chưa được xem xét

Dự án Formosa có nhà máy luyện gang thép với công nghệ lạc hậu, nên phải dùng than mỡ để luyện coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để luyện ra 2,52 triệu tấn coke (xem tr.24, Thuyết minh tổng hợp). Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng 0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám.

Quy trình luyện coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous (≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).

Như vậy, Chỉ riêng 3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực độc nói trên.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here