Sự kiện cá chết hàng loạt xảy ra từ Vũng Áng, Hà Tĩnh kéo dài đến các tỉnh ven biển miền Trung, Việt Nam, đang dấy lên một sự quan tâm của dư luận rất lớn. Quan tâm không chỉ vì hàng ngàn ngư dân miền Trung bỗng chốc trắng tay, thiệt hại lên hàng ngàn tỷ đồng, mà còn là sự đối phó quá chậm chạp của chính quyền địa phương lẫn Trung ương.
Cho đến nay sau hơn hai tuần lễ xảy ra sự kiện nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ tìm ra lý do cá chết là do nhiễm độc tố cực mạnh trong nước biển, nhưng nguyên nhân vì sao có chất độc trong nước biển thì được trả lời là chưa tìm ra. Trong khi đó, dư luận nói chung đều tin là nhà máy Formosa trong khu công nghiệp Vũng Áng, do Trung Quốc đầu tư, là nơi đã xả nguồn độc tố này. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân.
***
CTM Media: Kính chào ông Lý Thái Hùng. Xin ông cho biết nhận xét của ông về thảm cảnh cá chết hàng loạt hiện nay tại miền Trung và sự đối phó của chính quyền Hà Nội.
Lý Thái Hùng: Thưa chị, chúng tôi rất quan tâm về sự kiện này và đúng như chị nhận xét, đây là thảm cảnh do con người gây ra chứ không do thiên tai, khi mà qua khảo sát cho thấy cá và các loài thủy sản đã chết ở tầng đáy chứ không phải ở gần mặt nước.
Từ lúc phát hiện vụ cá chết đồng loạt ở gần khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh hôm 4/4, sau đó lan rộng đến các tỉnh ven biển miền Trung, mãi đến hơn nửa tháng sau, ngày 23/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới có cuộc họp chính thức với chính quyền các tỉnh thành phố liên hệ. Tuy ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết là đã tìm ra nguyên nhân cá chết là do độc tố cực mạnh, nhưng lại rất mù mờ vì sao lại có chất độc cực mạnh trong nước biển.
Trong khi đó, dư luận chung đều nghi ngờ là chính những độc tố đã thải ra từ những ống nước thải đặt sâu dưới biển của nhà máy Formosa, trong khu công nghiệp Vũng Áng, do Trung Quốc đầu tư, đã là nguyên nhân gây ra cái chết hàng loạt của các loại thủy sản. Tuy nhiên, ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường cho là việc đặt ống nước thải xuống biển của Formosa là hợp pháp, khiến cho dư luận càng phẫn nộ về điều này.
Cùng lúc đó, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, nơi nhà máy Formosa đang hoạt động, lại nói rằng các lồng bè nuôi cá ở Vũng Áng vẫn sống bình thường nên ông kêu gọi dân cứ ăn cá và tắm biển bình thường.
Rõ ràng là cách ứng phó của chính quyền Hà Nội rất lúng túng, tránh né tới độ vô trách nhiệm. Lúng túng là họ biết rõ nguyên do, nơi tạo ra nguồn độc tố cực mạnh nhưng lại không dám điều tra và ngăn chận khẩn cấp vì ngại phản ứng của Bắc Kinh. Tránh né là ngại đụng độ với bọn đầu gấu Trung Quốc đang bảo vệ khu công nghiệp như đã từng đối đầu năm 2014, sau khi xảy ra vụ Giàn khoan HD 981. Kết quả là sự thiệt hại của ngư dân cũng như nguy hiểm tới tính mạng của giới tiêu thụ và người dân trong vùng khi ăn cá ngấm chất độc.
Cách giải quyết câu giờ của Hà Nội hiện nay là đang giúp cho nhà thầu Trung Quốc tẩu tán chất độc hại vì sau khi họ rửa xong ống thải và nước biển cuốn trôi đi các độc tố, mọi chuyện sẽ lại như cũ.
Nói tóm lại, theo tôi, cách giải quyết của chính quyền Hà Nội hiện nay đồng lõa với thủ phạm để Formosa có thì giờ phi tang mọi tang chứng. Điều dễ thấy nhất của sự bao che này là ông Nguyễn Phú Trọng đã đến Hà Tĩnh ngay vào lúc cá chết hàng loạt xảy ra mà không một lời phát biểu, không viếng thăm bà con ngư dân đang bị thiệt hại nặng nề hay ngỏ lời quan tâm tới tình trạng nguy hiểm của cư dân, cho thấy là Nguyễn Phú Trọng ngại Bắc Kinh khó chịu.
CTM Media: Bộ Tài nguyên và Môi trường thì cho là việc nhà máy Formosa thiết lập ống thải nước của nhà máy xuống biển là hợp pháp và được kiểm tra 3 tháng một lần, ông nghĩ sao về điều này?
Lý Thái Hùng: Đúng là Bộ Tài nguyên Môi trường cho phép nhà máy Formosa đặt ống thải nước xuống biển và có kiểm tra 3 tháng một lần. Nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng phi pháp mà các nhà thầu Trung Quốc đã từng làm trên đất nước của họ và càng thả cửa hơn trên đất nước chúng ta, sẵn sàng đặt những ống thải nước bí mật khác mà các viên chức Hà Nội không biết hoặc nhận tiền hối lộ rồi im lặng.
Có hai sự kiện đáng quan tâm.
Thứ nhất là theo ông Nguyễn Viết Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản nhận định, khả năng nguyên nhân cá chết do độc chất là rất lớn. Việc tác động của độc chất đối với cá nổi ít hơn so với loài sống ở tầng đáy. Điều này cho thấy là độc chất thải ra từ những ống đặt sâu dưới đáy biển.
Thứ hai là anh Nguyễn Xuân Thành, người thợ lặn nổi tiếng ở Hà Tĩnh, đã cung cấp nguồn tin dưới đáy biển Vũng Áng có một đường ống dẫn nước thải khổng lồ dài 1,5 cây số, đường kính rộng 1,1 mét. Từ ngày 29/3 đến 4/4, khi lặn xuống biển bắt cá, anh phát hiện hệ thống ống xả nước xuống biển của Formosa đang phun chảy, nước có màu vàng đục, rất bẩn. Anh Thành nghi là chất độc nên bơi lên khỏi mặt nước và đi báo cho Đồn biên phòng Đèo Ngang (TX.Kỳ Anh). Sau khi thông báo tin nói trên thì anh Nguyễn Xuân Thành mất tích cho đến nay không biết anh đi đâu.
Qua hai dữ kiện nói trên, tuy Bộ tài nguyên Môi trường chưa công bố kết quả điều tra nguồn chất độc đến từ đâu, nhưng đa phần dư luận đều thấy rõ là do nhà máy Formosa thải ra, và nhà nước CSVN đang bịt miệng người báo động để ém nhẹm sự việc. Số mệnh anh Thành có thể bị nguy hiểm.
CTM Media: Trong tình đồng bào, đồng hương, theo ông thì chúng ta có thể làm gì để giúp cho bà con ngư dân đang bị những thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền Trung, thưa ông?
Lý Thái Hùng: Như chị có đề cập, vụ cá chết hàng loạt hiện nay là do con người gây ra chứ không phải thiên tai. Do đó nếu xác định rõ ràng thủ phạm mà nhiều phần từ khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh thì ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung phải đòi bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên trước mắt, tôi nghĩ là chúng ta có thể làm một số việc như sau:
Thứ nhất là đòi hỏi Bộ tài nguyên Môi trường phải nhanh chóng mở cuộc điều tra công ty Formosa và cả khu công nghiệp Vũng Áng về hệ thống nước thải. Lý do là khu công nghiệp này do Trung Quốc đầu tư rất lớn bao gồm công nghiệp luyện kim, trung tâm nhiệt điện và lọc hóa dầu, công nghiệp khai thác biển.
Thứ hai là cùng nhau vận động để đòi hỏi các nhà thầu Trung Quốc tại Vũng Áng, nhất là công ty Hưng Nguyên Formosa phải chấm dứt những nguồn nước thải độc hại và phải nhanh chóng bồi thường cho các ngư dân.
Thứ ba là chúng ta có thể thăm hỏi và chia xẻ những mất mát thiệt hại của bà con ngư dân trong tình đồng bào như là một sự liên đới trong tinh thần của xã hội dân sự. Trong một xã hội dân chủ, những thảm cảnh xảy ra như hiện nay, không cần chờ đến chính quyền kêu gọi, mọi cá nhân và những tổ chức xã hội dân sự đều có quyền tham gia hỗ trợ từ tinh thần đến vật chất như nhiều đoàn thể, đảng phái, nghiệp đoàn Nhật Bản đang cùng nhau cứu giúp nạn nhân trận động đất vừa xảy ra tại Tỉnh Kumamoto, hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Nói tóm lại, chúng ta có thể làm rất nhiều điều để chia xẻ những sự thiệt hại của bà con ngư dân hiện nay, và ngăn ngừa những vấn nạn tiếp nối sẽ xảy ra trong tương lai.
CTM Media: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng đã chia xẻ một số những nhận định liên quan đến thảm cảnh cá chết hàng loạt tại các cảnh ven biển miền Trung. Tai họa này không do thiên tai mà chắc chắn do Trung Quốc đã đầu tư tại khu công nghiệp Vũng Áng gây ra bởi những chất độc cực mạnh thải xuống biển như họ đã từng thải ra tại các nhà máy ở Hồ Bắc, Trung Quốc, gây ô nhiễm và khiến hàng ngàn người Trung Hoa đã ngộ độc và chết. Hãy chờ xem chính quyền Hà Nội có dám thực hiện và công bố kết quả điều tra theo đúng sự thực hay không.