Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội vừa hoàn tất Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 để xác định danh sách ứng cứ viên chính thức cho dân chúng Hà Nội chọn làm đại biểu của họ trong Quốc hội khóa 14.
Kết thúc hội nghị này, có 36/39 người mà Đảng và Nhà nước của Đảng giới thiệu được chọn làm ứng cử viên chính thức (ba người mà Đảng và Nhà nước giới thiệu không trở thành ứng cử viên chính thức không phải không được chọn mà vì họ tự ý xin rút lui). Chỉ có 2/48 người tự ứng cử được chọn.
Chọn 30 đại biểu Quốc hội từ 38 ứng cử viên chính thức, trong đó có tới 36 ứng cử viên do Đảng và Nhà nước của Đảng giới thiệu thì khỏi cần bàn cũng biết, Đoàn Đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội sẽ hoạt động theo kiểu nào trong cơ quan dân cử tối cao!
***
Đã có nhiều người bàn về tiến trình sàng lọc – lựa chọn – đề cử ứng cử viên cho chuyện bầu đại biểu Quốc hội. Bàn thêm e rằng thừa!
Tự thân tiến trình này đã khắc họa một cách rõ ràng diện mạo của “dân chủ đến thế là cùng” ra sao!
Đến giờ, chuyện mới để ngẫm có lẽ chỉ còn tâm sự của bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội.
Bà Oanh phân bua rằng, lý do khiến đa số cá nhân tự ứng cử bị gạt ra khỏi danh sách ứng cứ viên chính thức không phải vì họ “không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, đạo đức, uy tín, trách nhiệm” mà chỉ vì “số lượng, cơ cấu, thành phần được phân bổ có hạn”.
Nói một cách tổng quát, thành phố Hà Nội chỉ có 30 ghế tại Quốc hội và phải ưu tiên số ghế đó cho những người mà Đảng, cũng như Nhà nước của Đảng giới thiệu, thành ra Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội đành phải loại gần như hết những cá nhân tự ứng cử.
Bầu cử đại biểu Quốc hội ở Việt Nam không phải là chọn – bầu người đại diện cho mình – mà là hợp thức hóa cho những người đã được Đảng, cũng như Nhà nước của Đảng sắp đặt.
Bầu cử như thế tất nhiên chỉ có thể có ở những xứ mà người ta đủ tự tin để khẳng định “dân chủ đến thế là cùng!”.
***
Bà Oanh có dùng một câu thành ngữ để khái quát tại sao lại chọn người này, bỏ người kia khi xác lập danh sách ứng cử viên chính thức. Câu thành ngữ đó là “so bó đũa, chọn cột cờ”.
Trong số những người được xếp vào loại “đũa” và bị loại có ông Trần Đăng Tuấn.
Ông Tuấn là người thế nào thì những người có quan tâm đến thời cuộc đều đã biết, nói thêm là thừa.
Với rất nhiều người, ông Tuấn là một trong số rất ít người rất thành công khi đánh thức lương tri xã hội, khiến nhiều người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam xúm vào, cùng với nhau san sẻ giúp lũ trẻ nghèo đang kiệt sức vì thiếu cơm, thiếu áo,…
Tuy rất điềm đạm, không thích “ti toe” nhưng rõ ràng kẻ sáng lập “Cơm có thịt” là một thứ “cột cờ”.
Đó có thể cũng là lý do ở hai trong số ba vòng “hiệp thương”, tuy tự ứng cử nhưng ông Tuấn đạt 100% tín nhiệm. Chỉ tới vòng ba, ông Tuấn mới bị loại.
Giải thích theo kiểu bà Oanh thì ông Tuấn bị loại vì ông không được Đảng, cũng như Nhà nước của Đảng giới thiệu – nôm na, ông Tuấn không phải “cột cờ”.
Thứ “cột cờ” mà Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội chọn theo chỉ đạo không giống loại “cột cờ” mà đa số người Việt mong mỏi và muốn có.
Với Đảng và Nhà nước của Đảng, “cột cờ” chỉ có thể phất phới cờ đỏ búa liềm, bảo vệ tham vọng “muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ” của mình.
Theo tiêu chí đó, những thứ cột khác, dẫu có cao, vững song nếu chỉ treo ý thức trách nhiệm đối với xứ sở, với dân tộc, khuyến khích – phát triển lòng nhân ái, nghĩa đồng bào thì chỉ là… “đũa”.
cứ chỉ định thầu như vừa rồi cho xong khỏi tốn tiền dân để bầu với bán .
mình chỉ hích cờ…tây!
Những trò hề của cs thế thôi không có gì lạ