Vào mùa bầu cử QH.
Lục trong đống tư liệu xưa, gã nhón ra ghi chép của gã khi nhễu… chuyện với bác nhà văn Nguyễn Khải tác giả của “Đi tìm cái tôi đã mất” mà tìm hoài chính bác Khải đọc lại, giật mình tò te nói với gã rằng: Một khi cái tôi đã mất thì may ra tìm ra vài mảnh xác mục ruỗng của nó chứ hồn của nó biến tịt đâu rồi.
Đôi ba đối đáp lúc ngủn, lúc ngân giữa gã và bác nhà văn cháu quá trời đời của tướng quân Nguyễn Bặc, của các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Thiện Thuật, như sau.
Gã: Sau mấy năm trọn gói thâm nhập thực tế ở QH bác thấy có cái gì có ích cho nghề văn của bác?
Nguyễn Khải: Làm cái gì cũng phải say mê, chuyên nghiệp. Làm ĐBQH càng phải say mê và chuyên nghiệp. Nếu không say mê hoạt động chính trị, không say mê làm luật thì đừng làm ĐBQH.
Gã: Xét theo tiêu chí ấy thì…
Nguyễn Khải: Tớ đếch xứng đáng.
Gã: Vậy bác hãy tự kiểm trước em một thằng cử tri đi!
Nguyễn Khải: Tớ… lười biếng, làm ĐBQH lười biếng là điều cấm kỵ. Ví dụ, khi nhận đơn kiện của cử tri ĐBQH phải lăn xả làm đến nơi, đến chốn nhưng tớ thường lủi rồi đùn đẩy chỗ khác cho xong chuyện. Nhiều người hy vọng tớ là nhà văn sẽ luôn phản ánh trung thực cuộc sống vào Diễn đàn QH, nhưng sự thật tớ lại quá dè dặt…
Gã: Cảm giác của bác khi lần cuối cùng từ biệt Hội trường Ba Đình?
Nguyễn Khải: Ân hận. Năm năm qua đóng góp quá ít cho người dân và có cả sự ấm ức vì chưa dám đấu tranh để QH có quốc sách về Văn hóa, Giáo dục – nền tảng của một quốc gia.
Gã: Bác có lời khuyên nghiêm túc gì với các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, trí thức chuẩn bị ứng cử vào QH?
Nguyễn Khải: Hãy đấu tranh để QH ra được Luật Bảo vệ Văn hóa dân tộc.
Gã: Còn lời khuyên động… trời?
Nguyễn Khải: Sứ mệnh của nhà văn, nghệ sĩ, trí thức là sáng tạo vì vậy phải nồng nhiệt ủng hộ cái mới và dũng cảm căm giận những thứ cũ rích bảo thủ đang kìm hãm cái mới. Sứ mệnh của nhà văn, nghệ sĩ, trí thức là phục vụ con người, những luật lệ, chính sách gì đem hạnh phúc cho con người thì cương quyết không bỏ lỡ. Những luật lệ, chính sách gì làm khổ con người, hành hạ con người thì bằng mọi giá chống lại.
Gã: Câu hỏi chót, bác có bao giờ nghĩ rằng thực ra các văn nghệ sĩ, trí thức được đề cử vào QH là để làm… cảnh không?
Nguyễn Khải bỗng chớp chớp mắt liên tục làm cái mụn ruồi to đùng trên mắt ông nhẩy tưng tưng: Tớ nhiều lúc cứ nghĩ không ra vì sao người ta lại giới thiệu mình làm ĐBQH nhể?
Gã: Bây giờ thì bác nghĩ ra chửa?
Nguyễn Khải độp ra điều kiện: Tớ chết rồi mới được kể nhá! Có lẽ tại người ta nắm thóp mình là thằng trí thức có tiếng, có tăm vậy thôi, có mồm, có mép vậy thôi, chứ thực ra rất nhát, rất hèn…
*
Mất cái “tôi” thì tuổi quái gì cũng…vứt.
Hôm qua chót kể chuyện về bác Nguyễn Khải, thế rồi cái mạch nhớ về bác nhà văn cao ngồng, trắng trẻo thư sinh, mắt luôn chớp chớp như thẹn thùng này không chịu dời tâm trí gã. Đây trong mớ tư liệu… nhớ của gã từ năm 1995 có cái đẫn bác nhà văn tán chuyện về cái sự già mà bác ấy ở tuổi 65 đang va, đang vấp nó.
Gã xin kể lại để cho chính gã phải giật mình… chơi.
Gã hỏi móc bác Nguyễn Khải: Bác cứ hay tự chập chập miệng rằng mình đã già. Hừ bác mới có 65 tuổi chứ bao nhiêu, trong khi đó các bác Nguyễn Tuân, Khương Hữu Dụng, Hoàng Lập Ngôn, Võ An Ninh tuổi trên bẩy mươi, tám mươi vẫn phây phây ra cả đấy?
Nguyễn Khải: Thật ra, tớ nghĩ tuổi già dễ làm trò cười lắm, đừng tưởng bọn trẻ không cười vào mũi trước sự hăng hái quá lố của ông Nguyễn Tuân đấy? Làm sao ông Tuân còn cái sắc sảo, táo tợn như bọn ranh nữa? Gìa rồi mình nhõn cái chân thành tốt nhất cứ chân thành cho nó ….lành. Nói vậy thôi, chứ bố già nào cũng ưa tinh tướng hết. Chính tớ khi gặp bọn trẻ luôn véo hông mình, Khải ơi, mày già rồi, đừng nói nhiều nhá, đừng ta đây dạy dỗ bọn nó nhá. Nhưng rồi thế quái nào chỉ mép cứ tháo tuệch hết mẹ nó ra. Khi về nhà mới thấy ân hận vì trót lắm nhời.
Hừ, mỗi lần tớ nghe cụ Khương Hữu Dụng đọc thơ là tớ chuồn. Cụ đọc thơ say quá là mình bỏ… mẹ. Nói thật, tuổi già con mình nó nhòm mình nó còn chán huống hồ bọn trẻ. Tớ ngẫm kĩ rồi, đừng hy vọng gì cái tuổi già hết. Với thằng viết văn, ở tuổi 40, 50 viết gì viết được thì viết ngay, đừng để tuổi 60, 70 cho…. chín là nẫu hết, bố ai ngửi được.
Tớ cảm giác Tạo hóa luôn giữ cái bí mật của mình nên bắt người già không được minh mẫn nữa mà phải… nghễnh ngãng. Nếu các bố già mà sáng suốt, minh mẫn hết thì Tạo hóa còn gì là bí mật nữa?
***
Sáng hôm sau, có việc đi sớm lên Sài Gòn, vừa phóng xe qua cầu Tân Thuận thì gã nhận ra bác nhà văn Nguyễn Khải mặc may ô cháo lòng và chiếc quần đùi xanh nước biển đang đứng trên cầu ưỡn bụng với gập lưng tập thể dục.
Hì. Sợ tuổi già.
Và chính ở tuổi 76, hai năm trước khi… rụng, bác Nguyễn Khải để lại cho đời tác phẩm hay nhất, tài nhất, chân thành nhất của mình hơn đứt các tác phẩm đồ sộ được đủ các loại giải thưởng cao giá mà bác ấy kì cụp viết ở cái tuổi… trẻ và tuổi sồn, đó là tùy bút “Đi tìm cái tôi đã mất”.
Gã mới hay rằng, khi để mất cái “tôi” thì tuổi quái gì cũng…. vứt. Và đó mới chính là Bí mật lớn nhất của Tạo hóa .