HÀ NỘI – Chất thải y tế độc hại được bệnh viện nghiền nát, làm biến dạng tại chỗ, tuồn bán cho các cơ sở nhựa tái chế để sau đó trở thành các đồ dùng nhựa thường ngày bày bán trên thị trường gây nguy hiểm cho sức khỏe đại chúng.
Loại nhựa tái chế nầy sau đó có thể qua chế biến trở thành cái thau nhựa, hộp đựng thực phẩm, cái ống hút nước, hộp sữa chua (yoghurt) trong đời sống hằng ngày, trong nhà bếp, nơi quán giải khát, cửa hàng ăn uống, v.v… khắp nước.
Các phóng viên Lao Động Online trong thiên phóng sự đăng 8 Tháng Giêng mô tả chi tiết bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã cắt nhỏ ống truyền dịch (serum), ống nhựa, tháo bỏ kim chích còn ống chích thì cho vào máy nghiền nát, v.v… với mục đích làm biến dạng đồ dùng y tế để qua mặt nhân viên kiểm soát vệ sinh, dịch tể.
Nhóm phóng viên cũng miêu tả các công đoạn trước đó như: Tách riêng bông băng, xịt nước rửa ống truyền, ống chích, v.v… cho sạch vết máu của các bệnh nhân còn dính, đọng lại. Và tất cả được cho vào bồn ngâm bằng thuốc tẩy ja-ven (eau de javel/bleach) vài giờ cho trắng và tuồn bán cho các cơ sở thu gom nhựa tái chế.
Theo lời kể của hai người làm các công việc trên tại đây ước tính, hằng ngày họ sơ chế khoảng 1 tấn rưỡi loại rác thải y tế dễ lây nhiễm thu được cả tạ rưỡi nhựa từ ống chích, dây truyền dịch, v.v…
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hàng đầu của Việt Nam, toạ lạc tại thủ đô Hà Nội.
Thông thường, rác thải y tế từ các bệnh viện được thu gom, phân loại tỉ mĩ sau đó được xử lý, thiêu huỷ bởi các công ty chuyên nghiệp qua các qui trình được kiểm soát vô cùng nghiêm nhặt.
Được biết, nửa năm trước đây cũng do dư luận đồn đãi, các viện kiểm nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm nghiệm (Bộ Y tế) đã kiểm nghiệm hơn 50 mẫu hộp xốp đựng thức ăn, ống hút nhựa, v.v… và kết quả là… đều có các chỉ số an toàn cho người tiêu dùng. Nói cách khác, đều không phát hiện các chất độc hại.