Giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ, những đống sắt vụn và con ốc vít

Nguyễn Xích Long - Dân Luận

- Quảng Cáo -

Lâu nay người ta vẫn đặt câu hỏi tại sao Việt nam có quá nhiều giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ mà chẳng có mấy sang chế, phát minh được thế giới công nhận và mới làm được con ốc vít cung cấp cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đã mừng hú khoe ầm ĩ trên báo chí, trong khi cuộc sống đời thường vẫn có những người nông dân sácg chế được các sản phẩm, thiết bị khoa học kỹ thuật ứng dụng tốt trong thực tiễn thì lại không được công nhận đưa vào sử dụng đến nỗi người ta phải đi ra nước ngoài làm việc hoặc bán sáng chế cho nước ngoài…

Câu trả lời không khó, nguyên nhân sâu xa gốc rễ của vấn đề vẫn là thể chế độc đảng độc quyền đẫn đến cơ chế xin cho nịnh bợ, học giả vờ vịt, mua bằng cấp, chạy quyền chạy chức, cả một hệ thống giả tạo lừa bịp từ trên xuống dưới không có chân tài thực học, kiến thức sáo rỗng, ăn bẩn tham nhũng, nó càng ngày càng lộ rõ sự vô trách nhiệm, xảo trá, dốt nát một cách công khai từ những cấp cao nhất. Những điều này thì cũng đã có nhiều người nói, nhiều người hiểu, trong phạm vi bài này tôi chỉ xin đưa ra những câu chuyện, những ví dụ cụ thể để làm rõ, minh chứng cho cái ngyên nhân gốc rẽ sâu xa đẩy cả hệ thống trở thành bất tài vô dụng.

Từ thời kỳ đầu những năm 90 khi chính sách đổi mới mở cửa bắt đầu thực sự đi vào cuộc sống, làn sóng đầu tư nước ngoài bắt đầu ồ ạt đổ vào Việt Nam với các dự án liên doanh có vốn đầu tu nước ngoài như Nhà máy Coca Cola, Nhà Máy bia Halida, Nhà máy ô tô Ford, Thức ăn chăn nuôi CP, Con cò….. Khi đó cầm quyền chưa cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài với hy vọng khi liên doanh sẽ học tập bắt chước được khoa học công nghệ và cách quản lý của họ để phát triển sản xuất trong nước. Thế nhưng hỡi ôi những cán bộ nhà nước được đưa ra làm cho các liên doanh được các ông chủ nước ngoài trả lương cao hơn hẳn mặt bằng lương trong nước đã trở thành tay sai một cách thuần túy cho họ, bảo gì làm nấy và chỉ là người đi chạy thủ tục giấy tờ hợp thức hóa các tài liệu, giấy tờ thủ tục của họ cho phù hợp các chính sách xuất nhập khẩu, thuế, hải quan… của Việt nam để họ tìm cách chuyển giá báo lỗ trốn thuế rồi dần dần bắt đối tác Việt nam góp thêm vốn vào, mà thực chất phía Việt Nam không có tiền chỉ góp đất thế là sau vài năm phải bán lại cổ phần cho phía nước ngoài để họ trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Ý đồ học hỏi, ăn cắp khoa học công nghệ, khoa học quản lý phá sản hoàn toàn. Điều này dễ hiểu vì các tài phiệt tư bản nước ngoài họ đã có kinh nghiệm đầu tư đi trước cả trăm năm ở những nước mới phát triển với đội ngũ quan chức tham lam ngu dốt chỉ biết tiền và tham nhũng mà sẵn sang bán hết mọi thứ kể cả danh dự và tổ quốc.

- Quảng Cáo -

Song hành cùng những nhà đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài là những công ty, các tập đoàn thương mại đa quốc gia, họ ào ạt đổ vào khai thác thị trường tiềm năng non trẻ mới phát triển ở Việt nam. Với dân buôn thì chỉ cần biết lợi nhuận, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi, vô số những dự án, nhà máy, thiết bị nghiên cứu… bị nhập về những đống sắt vụn rồi sau đó bán thanh lý. Đây là tôi nói với hoàn toàn nghĩa đen chứ không phải cách nói cường điệu hóa với nghĩa bóng cho hay đâu nhé. Tôi có thể kể ra rất nhiều các ví dụ cụ thể như bộ Nông Nghiệp thời ông Nguyễn Thiện Luân, ông Nguyễn Công Tạn có nhà máy cà chua cô đặc Hải Phòng nhập thiết bị công nghệ về không có nguyên liệu sản xuất chưa nổi 1 tháng đóng của cho đến ngày thanh lý, thiên hạ còn đồn chuyện sau khi khánh thành ông thứ trưởng xuống thăm quan giám đốc nhà máy phải đi trốn vì không có chi phí tiếp khách.

Rồi nhà máy bia Bắc Sông Hồng đang ăn nên làm ra thì đâu tư dây chuyền chế biến nước quả nhập về cũng đắp chiếu cho đến ngày bán thanh lý, các nhà máy đường mía công nghệ lạc hậu không có vùng nguyên liệu, nhà máy tinh bột sắn, nhà máy xi măng lò đứng, nhà máy thép… số tiền thất thoát nếu tính cả trượt giá thì còn lớn hơn cả vụ VINASHIN, VINALINE nhiều. Các Viện nghiên cứu cũng không hơn gì, những năm đầu 2000 nhà nước có chính sách đầu tư nâng cấp khả năng nghiên cứu ứng dụng khoa học cho tất cả các viện nghiên cứu nhưng mỗi viện được bao nhiêu lại phụ thuộc vào khả năng xin cho. Do đó có những viện cứ xin thật nhiều đã còn giải ngân vào việc gì thì tính sau đến nỗi không biết mua gì cho hợp lý phải gọi các đối tác ở các công ty nước ngoài đến tư vấn cho xem nên mua gì.

Có viện lúc đầu sắp đặt gói thầu mua thiết bị 3 tỷ nhưng do tranh chấp quyền quyết định chấm thầu với vụ tài chính của bộ phải hủy đi đấu thầu công khai lại và giá trúng thầu cho cùng lô thiết bị là 983 triệu đồng, các lãnh đạo viện kêu trời vì năm đó không có tiền ăn tết. Có viện bị vụ tài chính ép phải để nhà thầu của vụ giới thiệu trúng, trưởng phòng nghiên cứu đầu ngành phải làm căng thiết bị là do nhu cầu của chúng tôi, về có dùng được không là do chúng tôi cuối cùng vụ tài chính của bộ phải nhượng bộ để viện tự chấm thầu. Có viện nhu cầu nghiên cứu khảo sất mẫu địa chất chỉ mỗi năm 1-2 lần gửi nước ngoài mất vài trăm đô la/lần nhưng cũng vẽ dự án mua thiết bị cả triệu đô la để tự làm….. kể ra thì có thể viết cả quyển sách chưa hết. Đến nỗi khoảng cuối những năm 2000 tôi đã ngồi nghe 2 anh bạn làm quản lý cho các công ty thương mại của Đức và Pháp bảo nhau “bây giờ sắp hết cái thời Việt nam nó mua những đống sắt vụn công nghệ lạc hậu về nước rồi, phải chuyển hướng thôi.”. Thế nhưng sau đó không mua thiết bị công nghệ lạc hậu của châu Âu thì hiện nay lại rơi vào tình trạng mua thiết bị, công nghệ TQ là đổ thải loại của các nước phát triển.

Đầu tư thiết bị thì như thế, còn công tác nghiên cứu khoa học thì thế nào? Xin thưa lại vẫn xin cho vẫn vẽ dự án để chia tiền, bịp dân. Hàng năm các bộ ngành vẫn có những khoản ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn nhưng do cơ chế xin cho dự án, chạy quyền chạy chức mà những người có chức quyền không có trình độ thực nên họ cấu kết bấu víu vào nhau vẽ dự án bịp dân moi tiền ngân sách, hơn 95% các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học chỉ được vẽ ra để moi ngân sách rồi bỏ xó. Tôi biết những câu chuyện về quan hệ của các quan chức bộ ngành và các giáo sư, tiến sĩ các viện nghiên cứu và trường đại học gần như trở thành mối quan hệ ăn chia gặp nhau chỉ để thỏa thuận năm nay trình dự án loại gì cho đúng quan tâm của nhà nước và xã hội rồi chia nhau bao nhiêu. Các quan chức mua bằng chạy chức không cần biết và cũng không đủ trình độ thẩm đjnh chất lượng và hiệu quả các dự án khoa học và ứng dụng thực tiễn. các giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cũng mua bằng mua danh không đủ trình độ làm các sáng chế phát minh ứng dụng thực tiễn. Các trường đại học và cao đẳng dạy nghề cũng đều tình trạng như vậy.

Tại sao cả một đống giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ làm quản lý và nghiên cứu cho nước Việt Nam, lại để nền kinh tế yếu kém trì trệ tụt lùi thua cả Lào Cam Pu Chia, khoa học kỹ thuật yếu kém đến mức chưa làm nổi con ốc vít? Có phải người Việt Nam bây giờ kém cỏi ngu dốt quá rồi không? Xin thưa không, người Việt Nam ra nước ngoài sống dưới các chế dộ dân chủ phát triển, công bằng minh bạch rất nhiều người thành đạt có danh tiêng trong nhiều lĩnh vực, ngay trong nước các nông dân yêu nghề vẫn đang sang chế được những máy móc ứng dụng thực tiễn. Vậy chỉ còn một nguyên nhân chủ yếu cơ bản, gốc rễ sâu xa chính là cơ chế độc đảng, độc quyền mất dân chủ không minh bạch. Từ nguyên nhân này mọc ra chuyện mua bằng cấp học giả vờ vịt sáo rỗng, chạy quyền chạy chức, con ông cháu cha, những người không có trình độ thực bất tài vô dụng được nắm quyền quản lý, những kẻ cơ hội lợi dụng chuyện này để ăn cắp tham nhũng ngân sách cũng là tiền thuế của nhân dân, tài nguyên của đất nước. Kể cả những người lúc đầu học giỏi nhưng khi đã chui vào guồng máy này đầu óc họ cũng chỉ tập trung cho suy nghĩ âm mưu vẽ dự án, ăn cắp tham nhũng, bè cánh đấu đá, mưu mô nịnh bợ, nịnh trên đè dưới, tranh công đổ tội rồi ăn chơi nhậu nhẹt làm gì còn đầu óc đâu để học hỏi, nghiên cứu, làm gì còn thời gian đâu mà nghĩ chuyện ích nước lợi dân. Cho nên còn thể chế độc đảng, độc quyền này những căn bệnh mua bằng cấp danh hiệu, chạy quyền chạy chức, tham nhũng ăn cắp… sẽ vẫn chỉ là cái vòng luẩn quẩn ngày càng nặng thêm trong mọi lĩnh vực, mọi cấp ngành, nhân dân chỉ càng ngày càng khó khăn khổ sở chịu thêm bất công không thể nào có cách gì chữa được. Cách duy nhất để đất nước phát triển nhân dân no ấm là phải thay đổi thể chế dân chủ đa đảng thượng tôn pháp luật, minh bạch công khai, bầu cử phổ thông đầu phiếu có sự giám sát của nhân dân.

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here