Một bạn bảo tôi : chỉ có người Việt Nam mới tự gọi quốc gia mình là Nước.
Ờ, đúng chúng ta thường gọi nước Việt Nam, nước Lào, nước Đức nước Nga…Toàn là nước nọ nước kia, trong khi các châu lục khác người ta gọi quốc gia của họ là đất. Con người sinh sống trên đất bám đất để sống, đất là tài sản vô giá của quốc gia. Đất là tất cả cuộc sống, Vậy ta gọi nước là sao ?
Nhớ ngày xưa, những người theo giặc thường bị gọi là Việt gian bán nước. Bán nước, chứ chưa từng có ai bảo Việt gian bán đất bao giờ.
Thủy – thổ là hai vị trí luân chuyển trong ngũ hành tương khắc, trong đó đất khó dịch chuyển, nước thì ngược lại, không cố định, nước chảy chỗ trũng. Dân mình lại dùng cái không cố định để nói cái định vị là quốc gia. Nghe chữ đất thì cảm nhận đất không mênh mang như nước, hẹp và bó cứng vì đất có bờ có cõi rạch ròi. Còn nước thì không.
Nhưng với vị trí địa lý, nước ta đều nằm ở cuối nguồn sông, có vẻ như đất ta là quà tặng từ nước. Nước cuốn phù sa đọng lại ở cửa sông, phải chăng đất của ta có sự cống nạp từ nước do trời ban tặng ?
Hồi bé học địa lý nói về đất mũi Cà Mau, mỗi năm nhoai ra biển hàng trăm mét do phù sa bồi đắp. Phía đông – nam đường biên giới nước mình vùng cửa sông phần lớn tiếp giáp biển nở nang theo thời gian, lớn lên theo thời gian. Người Nam ta nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, đấy là nói tính năng của nước. Nhưng xa hơn là nói về tính cách sống của người Việt, giống như nước, thế nào cũng thích ứng đuợc. Chẳng lẽ người Việt ta dùng tính năng của nước để chỉ quốc gia mình sống là nước, vì luôn có sự biến đổi? Thế thì bao nhiêu năm lại phải vẽ lại bản đồ vùng các cửa sông ? Thực ra gịọt nước bao giờ cũng ở thế thu tròn. Đất thì đâu có thế mà dân ta lại gọi đất là nước.
Sinh thời, giáo sư sử gia Trần Quốc Vượng nói : Dân ta là dân lúa nước. Ông cười nhấn mạnh : Dân lúa nước là chữ của tớ đấy nhá.
Xin cảm ơn câu nói của ông làm tôi chợt nhớ ra rằng dân Việt chúng ta sống bám trên mặt nước cấy lúa mà ăn, bắt cá để sống, cho đến bây giờ vẫn gần 80% dân làm nông. Dân ta hiểu nước và biết ơn nước, nên hàng năm dù nắng hạn hay thuận hòa, vào ngày đầu năm đều có lễ hạ điền cầu mưa. Nên nhớ là chỉ cầu mưa thôi chứ không có lễ cầu nắng.
Khoa học hiện đại chứng minh rằng ở đâu có nước thì ở đó có sự sống. Cha ông ta có lẽ chưa từng có những nghiên cứu tinh vi như thế, nhưng cũng đã nhìn nhận ra vai trò của nước quí nhường nào.
Có câu tục ngữ rất hay : cơm ở ruộng, cá ở sông thì chỉ dân lúa nước mới có thể có tổng kết này. Hẳn nào mà trên trống đồng, hoa văn thuyền bè nhiều, sóng nước nhiều mà các hình cách điệu cũng đẹp hơn tất cả các nhóm hoa văn khác.
Cùng với con người, con cò con vạc con nông, giống chim kiếm ăn trên mặt nước quấn quýt trên mặt trống cùng các loài loài thủy sinh và muông thú. Con cóc trên mặt trống mặt thạp, con con cóc gác ở cửa chùa Bút Tháp, con nào cũng rướn lưng ghếch mặt như đang cất tiếng kẹc kẹc đòi mưa : “Lạy trời mưa xuống, cho Nước tôi uống, cho ruộng tôi cày, cho đầy bát cơm”.
Lúc này tôi mới đọc ra mặt trống đồng tròn là hình giọt nước, là khái niệm vô biên. Đó là một mặt nước mênh mông và cuộc sống sôi động trên đó. Ngắm mặt trống, ta nghe thấy tiếng lách cách thuyền bè chuyển động cùng tiếng hô chèo thuyền, tiếng bì bõm của con trâu cày, tiếng quẫy của cá, những ngư phủ đang phóng lao…Cho nên dân ta gọi quốc gia mình là nước thì thật sự là quá chuẩn !
Lại ngẫm, nước thể lỏng tuy yếu mà mạnh. Khi nước bị chặn, dồn tích, nước phá ra thì sức công phá thật kinh hoàng. Chẳng thế mà có tổng kết là “thủy hỏa đạo tặc”. Giặc giã chỉ đứng hàng thứ tư, nước là mạnh nhất. Lịch sử tồn tại của nước ta nói lên tất cả : Giặc vào cướp nước dồn nén dân ta nhưng giặc dù hung hãn đến mấy, sớm muộn rồi cũng bị quét sạch. Chỉ có sức mạnh của nước mới làm được thế.
Chúng ta gọi tổ quốc bằng một từ đơn giản là nước chẳng đúng lắm sao, chẳng thâm thúy lắm sao ? Một bạn lại bảo tôi; thời trước nước ta không có cầu, đi bộ gặp nước là xuống thuyền, đi trên nước cũng như trên bộ, dân ta sống hòa với thiên nhiên cũng là đặc biệt. Và đặc biệt nữa, trong chiến tranh giữ nước, từ Ngô Quyền chống quân Nam Hán đến Lê Hoàn phá Tống bình Chiêm, và Nhà Trần ba lần đại phá quân Nguyên chôn vùi kẻ địch trên sông Bạch Đằng…Đều thắng chúng trên mặt nước, xuất phát từ sức mạnh của nước. Nước luôn là một đồng minh lớn.
Lại một lần nữa cho thấy chữ nước chỉ quốc gia của ta là chính xác. Ngày thiên đô của Đức Thái tổ vào tháng Bảy cũng là vào những ngày con nước. Từ cố đô Hoa Lư theo dòng chảy, Ngài chọn đúng mùa nước đầy ! Tháng Bảy là tháng cuối cùng của mùa mưa, nước có đầy thì đoàn thuyền mới thông đồng bén giọt. Từ ngày ấy, Ngài cũng đã biết lo chuyên tắc đường. Nước là quí, gọi Tổ quốc là nước bây giờ mới thấy dân ta thật kỳ tài, một từ nước thôi mà ý hàm ý đủ tôn vinh đất trời và thành kính tổ tiên.
Là con dân lúa nước đúng nghĩa, tôi mạn phép viết bài suy ngẫm về nước và tổ quốc này kính dâng lên Đức Thái tổ và Đại lễ nghìn năm Thăng Long để tỏ lòng biết ơn đất trời và các tiền liệt đã tồn sinh trên mặt nước, trồng cây lúa nước để dựng nên tổ quốc. Tổ quốc chúng ta bắt nguồn từ nước. Hôm nay chúng ta phải biết xiết chặt tay nhau cùng bảo vệ lấy non sông đất nước.
Nước có từ những cơn mưa và những dòng sông chuyển tải. Trời cho nước, rừng giữ nước, sông ngòi chứa nước. Chúng ta nói yêu nước thì chúng ta phải biết giữ lấy rừng để giữ nước, yêu quí những dòng sông. Chúng ta cư xử với nước thuận hòa thì chúng ta tồn tại. Ví như thủy điện dồn ép nước quá thì chúng ta sẽ sớm bị nước nghiệm thu. Chúng ta phá rừng là chúng ta chối bỏ nước, làm ôn nhiễm những dòng sông là chúng ta phản bội nước.. Hãy hiểu điều ấy thì cuộc sống có hậu. Nếu không nước sẽ từ bỏ chúng ta.
Đỗ Đức