Hoa Kỳ hoan nghênh Tòa Quốc tế xử vụ kiện “đường lưỡi bò”

Phiên tòa PCA hồi tháng 7-2015 - Philippines điều trần luận điểm vụ kiện Trung quốc. Ảnh: PCA
- Quảng Cáo -

Washington DC – Ngay sau khi Toà Trọng tài Thường trực (PCA – The Permanent Court of Arbitration ) tại The Hague hôm 29-10 ra phán quyết chấp nhận thụ lý vụ kiện Trung Quốc của Phi Luật Tân, Hoa Kỳ bày tỏ ủng hộ và cho rằng PCA có thẩm quyền xử vụ kiện về “đường lưỡi bò” Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông. Theo lời một viên chức cao cấp quốc phòng thì phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực LHQ cho thấy “luật pháp quốc tế đã được áp dụng vào tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.”

Cùng lúc trong ngày, Philippines cũng lên tiếng hoan nghênh phán quyết của PCA, gọi đây là diễn biến quan trọng trong vụ kiện. Trong một thông báo phổ biến hôm nay, Luật sư trưởng Florin Hilbay cho biết “Quyết định của PCA thể hiện một bước tiến lớn trong nỗ lực của Manila để tìm kiếm hòa bình, giải quyết công bằng tranh chấp, và làm rõ quyền lợi các bên theo Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS)”.

Hôm 7-7 vừa qua, trong phiên toà kéo dài một tuần, tòa PCA bắt đầu nghe giải trình của Philippines để quyết định xem tòa có đủ thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không. Luật sư Hilbay, người dẫn đầu đoàn Philippines tham gia các phiên điều trần tại PCA hồi tháng 7 vừa qua nói “Việc bác bỏ sự phản đối của TQ để thể hiện thẩm quyền xét xử của tòa mở đường cho Philippines trình bày giá trị trong những tuyên bố của mình”. Theo ông, Tòa PCA sẽ tổ chức phiên điều trần và ra phán quyết sau đó 6 tháng.

Trong buổi họp báo hôm nay, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby cũng phát biểu rằng theo các điều khoản trong UNCLOS, quyết định của PCA sẽ có tính ràng buộc pháp lý với cả Philippines và Trung Quốc.

Đường lưỡi bò 9 đoạn so với luật biển UNCLOS – Ảnh: PCA
Đường lưỡi bò 9 đoạn so với luật biển UNCLOS – Ảnh: PCA
- Quảng Cáo -

Liên quan đến sự kiện này, TNS John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, xem quyết định PCA là bước tiến quan trọng trong việc duy trì luật pháp quốc tế, cũng như chống lại những nỗ lực khẳng định chủ quyền đáng ngờ của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông dựa trên “đường 9 đoạn” hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà nước này tự vẽ ra, sát bờ biển của các nước quanh vùng như Philippines, Việt Nam… Nước này còn tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền bằng các hoạt động cải tạo và xây dựng trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, là Toà Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Đây là một bước đi được đánh giá là khá táo bạo và mạnh mẽ của Philippines trong bối cảnh lấn áp của Trung Quốc, thường có xu hướng sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp của mình. Việc tòa án trọng tài quốc tế quyết định rằng cơ quan này có thẩm quyền thụ lý vụ việc khiến các bên tranh chấp và liên quan khác sẽ tích cực hơn trong việc tận dụng UNCLOS để kiềm chế Trung Quốc.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here