Việt Nam cần phải có hệ thống công đoàn độc lập

- Quảng Cáo -

Trong báo cáo về tình hình kinh tế Việt Nam, vừa được công bố hôm 20/07/2015, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) đã khuyến cáo rằng Việt Nam cần phải có hệ thống công đoàn độc lập. Theo Ngân Hàng Thế Giới, đây là việc phải làm để thích ứng với những đòi hỏi của nền kinh tế thị trường. Trung Quốc – một quốc gia Cộng Sản như Việt Nam cũng đã phải làm như vậy.

Ngân Hàng Thế Giới nhận xét, đến nay, hệ thống quan hệ lao động tại Việt Nam vẫn như thời kỳ kinh tế kế hoạch tập trung và vì vậy mắc một nhược điểm cơ bản là thiếu sự tách bạch giữa công đoàn, giới chủ và nhà nước.

Cho đến nay, tất cả các tổ chức công đoàn hợp pháp đều thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam thì được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Hệ thống công đoàn này đảm trách nhiều vai trò khác nhau song không thống nhất với nhau và vì vậy, mâu thuẫn với nhau về lợi ích.

Chẳng hạn, tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thường có quan hệ mật thiết với giới quản lý. Thậm chí ngay cả trong các doanh nghiệp do người ngoại quốc làm chủ, giới lãnh đạo và quản lý cũng là thành viên công đoàn và giữ các vị trí hàng đầu trong công đoàn, thành ra khó làm tròn vai trò “đại diện cho lợi ích của người lao động” cũng như bảo vệ phúc lợi cho người lao động. Một điểm mâu thuẫn khác là công đoàn vừa giữ vai trò cầu nối giữa Đảng CSVN với người lao động lại vừa đại diện cho người lao động trong quá trình hình thành các quyết định của chính quyền.

- Quảng Cáo -

Những mâu thuẫn vừa kể được xem là lý do khiến số lượng các cuộc “đình công tự phát” (không do công đoàn tổ chức và lãnh đạo) tăng vọt.

Ngân Hàng Thế Giới cho rằng, kiểu hoạt động trước nay khiến hệ thống công đoàn tại Việt Nam có vai trò rất hạn chế trong việc làm trung gian hòa giải về kinh tế – xã hội. Tình trạng đình công gia tăng cho thấy các cơ chế khác để giải quyết tranh chấp lao động chưa phát triển. Năng lực của người hòa giải và trọng tài yếu. Nhiều người trong số này đảm nhiệm quá nhiều việc, đôi khi mâu thuẫn với nhau hoặc chưa được đào tạo bài bản về đàm phán tập thể và giải quyết tranh chấp.

Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo Việt Nam nên xem cải thiện hệ thống quan hệ lao động là chìa khóa giúp giải quyết nhiều thách thức căn bản của thị trường lao động.

Trước mắt, Việt Nam nên gia tăng các biện pháp giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức công đoàn và hiệp hội doanh nghiệp. Kế đó, nên chủ động đề ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống quan hệ lao động, thúc đẩy sự hợp tác hài hòa trên thị trường lao động. Ví dụ như không để giới lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp đảm trách các vị trí điều hành hoạt động công đoàn. Đơn giản hóa các quy định về giải quyết tranh chấp trong quan hệ lao động. Cho phép thành lập các Ban Đại Diện Công Nhân hay Ban Quản Lý Lao Động giống như nhiều quốc gia Châu Âu và Nam Hàn. Xây dựng các hệ thống hòa giải và trọng tài lao động bên ngoài hệ thống tòa án để giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp các tổ chức hiện có không thể giải quyết tranh chấp một cách hữu hiệu.

Về lâu dài, Việt Nam nên để các tổ chức công đoàn hoạt động độc lập với Đảng CSVN và chính quyền. Để cho hệ thống này tập trung chủ yếu vào vai trò đại diện cho lợi ích của người lao động.

Ngân Hàng Thế Giới dẫn Singapore như một dẫn chứng, từ khi Singapore có Tổng Liên Đoàn Quốc Gia đại diện cho người lao động và hoạt động độc lập với chính quyền, tại Singapore gần như không có đình công.

Cũng cần nhắc lại rằng, chấp nhận hệ thống công đoàn độc lập đang được xem như một điều kiện để Việt Nam trở thành một thành viên của TPP.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here