Dân khốn đốn vì nước nhiễm mặn bất thường ở miền Tây

- Quảng Cáo -

Nhiều tỉnh ở miền Tây Việt Nam đang điêu đứng vì nước nhiễm mặn bất thường, làm lúa chết, gia súc ngắc ngoải và con người khốn khổ.

Theo Tuổi Trẻ ngày 19/7/2015, đợt hạn hán từ đầu tháng 7 đến nay hết sức bất thường trong suốt 15 năm qua. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang đã có gần 2,000 hecta đất trồng lúa của các huyện Giang Thành, Hòn Ðất, Châu Thành và thành phố Rạch Giá… bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Chưa kể những thiệt hại ở lĩnh vực chăn nuôi, sinh hoạt và đời sống của ít nhất 300,000 dân sinh sống tại Rạch Giá và các vùng phụ cận ở Châu Thành, Hòn Ðất, Tân Hiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Kiên Giang, nguyên nhân của đợt xâm nhập mặn lịch sử năm nay do mực nước ngọt ở thượng nguồn trên sông Cửu Long xuống thấp. Ở một số nơi bị nhiễm mặn nhẹ, nông dân chỉ cần cấy giặm cho lúa dày, mật độ đều. Ở vùng nhiễm nặng như ấp Tân Ðiền, Hưng Giang, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Ðất, nông dân phải thuê máy cày trục bỏ lúa chết, gieo sạ lại từ đầu.

- Quảng Cáo -

Thậm chí như ở xã Bình An, huyện Châu Thành, người dân cày ải đất xong cả tháng nay vẫn chưa có nước ngọt để sạ lúa. Nhiều người nóng ruột thấy trời mưa đem lúa giống ra sạ cầu may đã bị mất trắng. Nhiều nơi lúa sắp trổ đòng nhưng bị nhiễm mặn khiến cây lúa èo uột, làm chi phí phân thuốc tăng lên gấp đôi, gấp ba lần so với những năm trước.

Còn tại thành phố Rạch Giá, tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của trên 250,000 dân vẫn đang tiếp diễn.

Cũng theo Tuổi Trẻ, ngày 18 tháng 7, ông Lê Phước Ðại, chi cục trưởng Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Hậu Giang cho biết, tình trạng mặn xâm nhập bất thường đã lấn sâu vào nội đồng hơn 10 ngày qua tại các huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh, với độ mặn dao động từ 1, 10 đến hơn 60.

Nước mặn đã xâm nhập theo kênh xáng Xà No hướng từ tỉnh Kiên Giang vào sâu địa phận thành phố Vị Thanh và tuyến kênh Quản Lộ, Phụng Hiệp từ tỉnh Bạc Liêu vào huyện Long Mỹ và Phụng Hiệp, khiến nông dân khốn đốn.

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here