Phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng và ai cũng nhận ra qua thực tế cuộc sống hàng ngày. Nhiều bài viết cũng như phát biểu của các chuyên gia khi đề cập đến tình trạng này thường dùng những hình ảnh đối chiếu như “giữa đô thị rực rỡ đèn màu về đêm, chen chúc những căn lều xiêu vẹo trong con hẻm tối tăm”, hay “trong khi các đại gia chi tiêu hàng chục triệu đồng cho một buổi tiệc tùng tiếp bạn bè thì có những gia đình không đủ ngày hai bữa cơm”.
Khoảng cách giàu – nghèo không phải chỉ là một chỉ tiêu kinh tế. Nó còn phản ánh sự gắn kết xã hội và là một thể hiện của sự bình đẳng trong xã hội. Nói cách khác, nó là một chỉ số vừa của môi trường kinh tế vừa của môi trường xã hội.
Hiện nay, hệ số chênh lệch giàu nghèo của Việt Nam cao hơn nhiều nước đã trải qua thời kỳ dài phát triển kinh tế thị trường. Số người làm giàu lại thường không đóng góp bao nhiêu để chia sớt gánh nặng với người nghèo mà còn làm cho tiềm lực kinh tế ngày càng suy giảm.
Nguyên nhân từ đâu ? Trách nhiệm này thuộc về ai ? Giải pháp nào cho sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam ? Mời quý vị cùng nghe nhận định của nhà báo Nguyễn Đình Ấm qua cuộc phỏng vấn với phóng viên Trần Quang Thành.