Nắng hạn tại Tây Nguyên trong thời gian qua khiến nông dân tại đây cũng khó khăn không kém nông dân miền Trung phải khốn đốn vì ngập lụt.
Nắng hạn từ ngay trong thời điểm cây cà phê đơm bông kết trái, mãi cho đến khi cây cà phê cho hạt vẫn phải tưới tiêu bằng nguồn nước bơm máy đã khiến chất lượng cà phê giảm đi rất nhiều.
Hơn nữa, giá điện tăng dần và giá tiền nộp phạt sử dụng điện cũng tăng tỉ lệ vì nhu cầu tưới tiêu rất cao nên bất kỳ gia đình nào trồng cà phê đều bị đóng phạt mỗi tháng lên đến vài triệu đồng; và khi giá điện tăng, đồng loạt các loại khác đều tăng giá, từ phân bón đến tiền công lao động, tiền máy cày, máy sấy cà phê… Trong khi đó, giá thành cà phê liên tục rớt, thị trường cà phê Việt Nam tiêu thụ không được mạnh, điều này làm bà con nông dân lo lắng và mệt mỏi.
Theo bà Thương, một người trồng cà phê ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, thì vấn đề nông dân gặp khó khăn không phải mới diễn ra lần đầu ở Tây Nguyên. Nhưng những lần trước, dù sao người nông dân cũng có thể bù lỗ bằng nhiều cách, trong đó đợi mùa sau thu hồi vốn và lãi là chuyện quen thuộc. Nhưng ba năm trở lại đây, nguy cơ nếu thua lỗ sẽ dẫn đến mất trắng của người nông dân rất cao.
Nguyên nhân là do chiến lược lớn từ phía nhà nước. Ví dụ như chiến lược trồng cao su ở các tỉnh Tây Nguyên, cây cao su không những không mang lại lợi nhuận mà suốt nhiều năm liền người nông dân phải bỏ vốn, bỏ công chăm sóc, bỏ chi phí cơ hội trong quĩ đất để chờ đợi mủ cao su. Nhưng đến vụ thu hoạch, cây cao su cho lượng mủ rất hạn chế bởi điều kiện thổ nhưỡng Tây Nguyên không hợp với loại cây này.
Sau vài ba vụ thu hoạch mủ cao su, thấy không thể nào thu hồi được vốn, người nông dân lại phải bỏ ra một lượng tiền lớn để chặt bỏ cây cao su lấy đất trồng loại cây khác. Chỉ riêng với cây cao su, người nông dân Tây Nguyên mất đi một số vốn khá lớn.
Cho đến thời điểm hiện tại, nhà nước CSVN vẫn chưa có chế độ bảo hộ hợp lý cho người nông dân về vấn đề thị trường, nơi tiêu thụ nông sản, đặc biệt là hạt cà phê. Người nông dân hoàn toàn thụ động trên thị trường bởi thiếu thông tin và thiếu những chính sách điều tiết từ phía nhà nước. Chính vì sự thiếu hụt này mà người nông dân phải phụ thuộc vào nhà buôn mọi mặt. (RFA)