Chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương có gì thay đổi ?

- Quảng Cáo -

ChauATBDNgày 4 tháng 11 vừa qua, giới chức trong Bộ quốc phòng Hoa Kỳ thông báo rằng Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel sẽ hoãn chuyến viếng thăm Miến Điện và Việt Nam vào giữa tháng 11 mà có thể sẽ dời sang đầu năm 2015 với lý do là bận chuẩn bị buổi điều trần Quốc hội và tập trung giải quyết vấn đề Syria và Iraq.

Mặc dù ông Chuck Hagel sẽ ghé thăm Miến Điện và Việt Nam nhưng trọng tâm chính của chuyến đi là làm việc với giới chức quân sự của CSVN về những điều kiện mua bán vũ khí, sau khi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho CSVN hồi đầu tháng 10 vừa qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng việc ông Chuck Hagel hủy chuyến viếng thăm Việt Nam cho thấy là vẫn còn những khác biệt lớn giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội trong việc thương thảo các điều kiện mua bán vũ khí sát thương.

Ngoài ra, việc hoãn chuyến đi của ông Chuck Hagel có thể làm ảnh hưởng đến chính sách xoay trục về Á Châu của Tổng thống Obama vì vào cuối tháng 11, Tổng thống Obama sẽ sang Á Châu dự họp APEC tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng định Đông Á tại Miến Điện và Hội nghị G20 tại Úc Châu.  Để tìm hiểu về những động thái của Hoa Kỳ liên quan về các chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel và Tổng thống Obama, xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình phát thanh hôm nay.

 *****

- Quảng Cáo -

Radio CTM:  Kính chào ông Lý Thái Hùng. Thưa ông, nếu như không hoãn chuyến đi vào giữa tháng 11 thì Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel được coi là giới chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam kể từ khi xảy ra vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam từ ngày 2 tháng 5 đến 15 tháng 7. Ông nhận định ra sao về việc hủy bỏ chuyến đi Việt Nam của ông Chuck Hagel vào lúc mà quan hệ Việt Mỹ đang ở vào thời kỳ tốt nhất?

Lý Thái Hùng: Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan HD 981, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tham mưu Liên quân Hoa Kỳ đã có chuyến viếng thăm lần đầu tiên tại Việt Nam hồi tháng 8; nhưng nếu kể là nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Tổng thống Obama viếng thăm Việt Nam sau vụ giàn khoan thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel là nhân vật đầu tiên.

Trong lúc chuyến đi Việt Nam của ông Chucl Hagel còn suông sẻ thì vào ngày 20 tháng 10, Thượng Tướng Đỗ Bá Tỵ, Tham mưu trưởng quân đội CSVN, từng viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 6/2013 đã tuyên bố rằng “Âm mưu thực hiện hóa đường lưỡi bò, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc không thay đổi. Chỉ có điều nó đang chuyển sang giai đoạn đấu tranh khác, thậm chí quyết liệt hơn… nên phải chuẩn bị thật tốt cho chiến tranh.”

Phát biểu của Tướng Tỵ trong lúc chuẩn bị đón một nhân vật phụ trách về an ninh quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ sang bàn thảo những vấn đề mua bán vũ khí  sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương, cho thấy là giới tướng lãnh CSVN đã có những động thái chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc và đang muốn có sự hợp tác của Hoa Kỳ.

Theo nhiều nhà phân tích thời sự thì trọng tâm chính chuyến đi Việt Nam của ông Chuck Hagel là để thông qua những trao đổi về các điều kiện bán vũ khí mà các chuyên viên của hai phía đã thương thảo việc trong nhiều tháng qua. Dựa trên những kết quả trao đổi này, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ sẽ thông qua một đạo luật cho phép chính phủ tiến hành các vụ mua bán vũ khí với CSVN.

Việc ông Chuck Hagel đột ngột ngưng chuyến viếng thăm Việt Nam được Bộ quốc phòng tuyên bố là do bận chuẩn bị vụ điều trần Quốc Hội; nhưng dư luận chung không cho đây là lý cớ thật mà đến từ những nguyên nhân khác:

Thứ nhất là toán chuyên viên của hai phía chuẩn bị các điều kiện mua bán vũ khí chưa có thể hoàn thành văn bản chính thức. Nói cách khác là các điều kiện đưa ra từ hai phía chưa có sự đồng thuận nên phải triển hạn và vì thế chuyến đi Việt Nam của ông Hagel phải dời đến đầu năm sau.

Thứ hai là phía Hoa Kỳ thấy rằng CSVN chưa thật sự muốn đi gần với Hoa Kỳ mà chỉ lợi dụng việc mua vũ khí sát thương nhằm giảm sức ép từ Trung Quốc.

Nói tóm lại, việc ông Chuck Hagel ngưng chuyến viếng thăm Việt Nam vào trung tuần tháng 11 có thể đến từ việc phía CSVN thiếu nghiêm chỉnh trong việc trao đổi quan hệ với Hoa Kỳ.

Radio CTM:  Trong một nhận định trước đây, ông cho rằng việc CSVN mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ hiện nay chỉ nhằm phục vụ cho mục tiêu giảm sức ép của Bắc Kinh. Điều này cho thấy là có thể chuyến viếng thăm  của Chuck Hagel vào lúc này làm cho Bắc Kinh phật lòng nên Hà Nội đã tìm cách trì hoãn chăng?

Lý Thái Hùng: Đúng là giới lãnh đạo Bắc Kinh và Hà Nội đang cố dựng lên những màn kịch nối lại quan hệ hữu nghị đề cao lại 16 Vàng 4 Tốt; nhưng qua phát biểu của cấp lãnh đạo cho thấy là hai phía không còn thời kỳ gắn bó, nồng ấm như trước khi vụ giàn khoan xảy ra.

Trong bối cảnh đó, CSVN đang cố mở rộng quan hệ đối với nhiều nước khác để phục vụ cho mục tiêu giảm bớt sức ép từ Bắc Kinh. Nhưng vì Hà Nội đã quá lệ thuộc vào Bắc Kinh trong nhiều thập niên qua, nên khó thay đổi tư duy và rút chân ra khỏi những lệ thuộc này; từ đó, những quan hệ với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản hiện nay sẽ bị Bắc Kinh tìm cách thọc gậy bánh xe.

Nói cách khác, CSVN đang bị Trung Quốc lôi kéo, bủa vây, áp lực và không cho thoát ra khỏi nanh vuốt của họ.  Trong thời gian gần đây Bắc Kinh đã lên tiếng chính thức về sự không hài lòng khi CSVN tìm cách tiếp cận và mua vũ khí của Hoa Kỳ.

Vì quá nhu nhược và quá sợ Bắc Kinh nên có thể CSVN đã tìm cách trì hoãn chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel, khi mà trước đó Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã chỉ trích Bắc Kinh độc quyền biển Đông và kêu gọi chuẩn bị chiến tranh.

Nói tóm lại, có thể vì sức ép của Trung Quốc lo ngại giới quân đội đi gần với Mỹ nên CSVN buộc phải hoãn chuyến đi của ông Chuck Hagel để bày tỏ lòng trung thành với Phương Bắc.

Radio CTM: Sau chuyến viếng thăm 4 nước Á Châu gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai vào đầu tháng 4 năm 2014 của TT Obama thì biển Đông dậy sóng với sự kiện Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam để thách thức Hoa Kỳ. Liệu chuyến đi Á Châu kỳ này có tạo ra sóng gió gì không thưa ông?

Lý Thái Hùng: Đúng là chuyến viếng thăm Á Châu của Tổng thống Obama vào tháng 4 năm 2014 đã tạo một cú sốc rất lớn cho Tập Cận Bình khi Tổng thống Obama đã có những tuyên bố mang tích chất thách đố Bắc Kinh.

Ví dụ tại Nhật Bản, Tống thống Obama khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ tham chiến nếu quần đảo Senkaku của Nhật Bản bị nước khác xâm chiếm vì Nhật Bản nằm trong Hiệp ước an ninh của Hoa Kỳ. Hay tại Phi Luật Tân, Tổng thống Obama tuyên bố ủng hộ việc chính quyền Manila nộp đơn kiện Trung Quốc ra tòa án Trọng tài quốc tế Liên hiệp quốc về Luật Biển.

Lúc đó, Tổng thống Obama buộc phải có những tuyên bố mạnh mẽ như vậy là vì các tháng trước đó, Bắc Kinh đã có những động thái hiếu chiến như tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự trên bãi đá Gạc Ma ở Trường Sa.

Chuyến đi Á Châu vào cuối tháng 11 này, Tổng thống Obama tham dự các cuộc họp của khối APEC tại Bắc Kinh, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Miến Điện và Hội Nghị G20 tại Brisbane. Nội dung của chuyến đi hoàn toàn mang tính cách công vụ, không nhằm vào việc liên kết các quốc gia đồng minh để chống lại Bắc Kinh nên chắc sẽ không có những sóng gió lớn.

Hơn thế nữa, ngoại trừ Brisbane (Úc), Tổng thống Obama đến Bắc Kinh và Miến Điến là hai nơi khó cho ông Obama có những tuyên bố theo kiểu thách đố Trung Quốc nên hy vọng là nhân loại sẽ khép lại năm 2014 không có những biến cố lớn trên Biển Đông.

Radio CTM: Hoa Kỳ đưa ra chính sách xoay trục về Á Châu từ năm 2011, nhưng dường như Hoa Kỳ không mấy chuyển động và người ta cho là bởi vấn đề Ukraina, Iraq đang cầm chân Hoa Kỳ. Theo ông thì Hoa Kỳ đã chuyển trục về Á Châu như thế nào và trục này đang quay bao nhiêu độ?

Lý Thái Hùng: Trong một bài viết vào tháng 11 năm 2011, đề cập về chính sách xoay trục về khu vực Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ , bà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh đến mục tiêu tăng cường mối quan hệ chiến lược với các đồng minh Nhật Bản, Nam Dương, Ấn Độ và Khối ASEAN để làm sao ngăn chận sự bành trướng của Bắc Kinh, nhất là trên biển Đông.

Mặc dù chính quyền Tổng thồng Obama muốn chuyển trọng tâm về Á Châu, nhưng các bộ phận liên hệ chưa có cái nhìn đồng bộ về khu vực này ngoại trừ bà Hillary Clinton. Nhiều người cho rằng vì những diễn biến  chính trị phức tạp tại Ukraina hay sự trổi dậy của lực lượng Hồi giáo quá khích tại Iraq và Syria đã cầm chân Hoa Kỳ, khiến cho Tổng thống Obama không thể dễ dàng thực hiện chính sách xoay trục. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy là chính quyền Obama chưa muốn xoay trục  mạnh mẽ vì không muốn tạo cho Bắc Kinh cảm thấy bị cô lập để đối đầu mạnh mẽ với lực lượng Hoa Kỳ tại Á Châu.

Nhưng qua vụ giàn khoan HD 981, Tổng Thống Obama đã nhìn ra là nếu không có một chính sách mạnh mẽ tại Á Châu, có thể Trung Quốc sẽ không chỉ bành trướng các ảnh hưởng mà còn nuốt chửng những đồng minh cật ruột của Hoa Kỳ như Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mã Lai, Đài Loan…

Nói cách khác là qua biến cố giàn khoan HD 981, Hoa Kỳ đã xoay trục về Á Châu tích cực hơn qua hai chính sách:

Thứ nhất là liên kết các đồng minh cật ruột ở Á Châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Úc, tạo thành một liên minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Đây có thể coi là liên minh chống Trung Quốc đầu tiên được hình thành kể từ sau khi Hoa Kỳ và Trung Quốc nối lại quan hệ bình thường từ năm 1972 qua cuộc hội đàm lịch sử giữa Tổng thống Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông. Khi hình thành ra khối liên minh này, bắt buộc Hoa Kỳ phải có trách nhiệm nhiều hơn với chính sách xoay trục của mình.

Thứ hai là tìm cách lôi kéo CSVN ra khỏi quỹ đạo Bắc Kinh để đi gần với liên minh chống Trung Quốc ở Á Châu. Hoa Kỳ biết rất rõ CSVN có một vị thế đặc biệt trong khối ASEAN và là quốc gia có bờ biển dài trên biển Đông, nên nếu lối kéo được CSVN tham gia sẽ ngăn chận được sự bành trướng của Bắc Kinh. Chính vì thế mà qua vụ giàn khoan HD 981, Hoa Kỳ có nhiều động thái hỗ trợ CSVN như bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương, ký hiệp ước về hợp tác chương trình hạt nhân dân sự v.v…

Nói tóm lại, chính sách xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương chỉ mới được Hoa Kỳ chuyển động tích cực và mạnh mẽ từ sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981 tức là từ ngày 2 tháng 5 trở lại đây và còn rất là mong manh do phải quan tâm về những biến động tại các vùng khác trên thế giới như Ukraine và Syria.

Radio CTM: Với kết quả của cuộc bầu cử toàn quốc Hoa Kỳ hôm mồng 4 tháng 11 vừa qua, Đảng Cộng Hòa đã chiếm ưu thế ở Lưỡng viện Quốc hội. Điều này có ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama trong thời gian tới, khi mà đảng Cộng Hòa vốn có chủ trương cứng rắn đối với các đối thủ của Hoa Kỳ hơn đảng Dân Chủ, thưa ông?

Lý Thái Hùng: Trước hết chúng ta cần hiểu một nguyên tắc chung của chính quyền và chính giới Hoa Kỳ là mọi nỗ lực của họ nhằm phục vụ cho quyền lợi của nước Mỹ.

Do đó, đảng Cộng Hòa có chiếm ưu thế tại Lưỡng viện quốc hội sau cuộc bầu cử hôm mồng 4 tháng 11 vừa qua thì những chính sách đối ngoại mà họ đưa ra cũng nhằm tăng cường quyền lực của Hoa Kỳ đối với thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay và Tòa Bạch Ốc đang nắm quyền chi phối các chính sách đối ngoại, nên đảng Cộng Hòa có muốn thay đổi cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ nhất là chính quyền Obama sẽ không dễ dàng để cho các chủ trương của đảng Cộng Hòa được tiến hành vì sẽ tạo ra những lúng túng cho Tòa Bạch Ốc vốn không muốn can thiệp tích cực vào các biến cố ở bên ngoài Hoa Kỳ như các chính quyền của đảng Cộng Hòa trước đây.

Thứ hai là đối với Việt Nam, chính quyền Obama đang tiến hành chính sách tiếp cận và lôi kéo CSVN đi gần với Hoa Kỳ qua sự đề xướng của Thượng Nghị Sĩ John McCain thuộc đảng Cộng Hòa. Vì thế dù đảng Cộng Hòa có chiếm ưu thế tại lưỡng viện, chính sách quan hệ với CSVN cũng sẽ không thay đổi gì nhiều.

Nói tóm lại, Tổng thống Obama không tích cực can dự nhiều vào các tranh chấp thế giới nên vì vậy mà vai trò của Hoa Kỳ hiện đang bị xuống thấp. Tuy nhiên, đảng Cộng Hòa cũng sẽ không thể làm gì khá hơn khi mà tình hình chung đang vượt ra ngoài khả năng giải quyết của nước Mỹ.

Riêng đối với công cuộc đấu tranh để chấm dứt độc tài CSVN, dân tộc chúng ta vẫn phải tiếp tục chủ động, lấy sức mình làm chính, nhưng cùng lúc tranh thủ sự hậu thuẫn của quốc tế trên căn bản tương quan quyền lợi cũng như tranh thủ các chính giới Hoa Kỳ có những quan điểm thân thiện và phù hợp với mục tiêu đấu tranh của người Việt Nam.

Radio CTM: Xin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

 

 

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here