Ai cũng biết Giám đốc nhật báo Tần Quả là ông Lê Trí Anh (65 tuổi) và nghị viên Lý Trác Nhân (57 tuổi ) thuộc đảng Dân chủ là những người thường hay kêu gọi người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình đòi bầu cử tự do. Vì ở Hồng Kông người dân còn được phép xuống đường biểu tình nên chính quyền CS Trung quốc có muốn bắt hai ông này cũng không được nên phải tìm cách khác. Ngày 31/08/2014 vừa qua, cảnh sát Hồng Kông được lệnh khám nhà hai ông này với lý do tình nghi từ đầu năm 2014 đến nay ông Lê đã hối lộ 1 triệu 500 ngàn đô la hồng kông (tương đương 200 ngàn mỹ kim) cho nghị viên Lý.
Ngày 3 tháng 9 vừa qua, nghị viên Lý họp báo cho biết đó là số tiền mà ông Lê hiến tặng cho tôi để hoạt động chính trị có khai báo rõ ràng với cục thuế vụ, tôi là một nghị viên đối lập thuộc đảng Dân chủ nên chẳng có quyền hành gì cả trong việc quyết định chính sách. Bắc Kinh biết chắc khi Quốc hội Trung quốc đưa ra quyết định phủ nhận quyền bầu cử tự do của người dân Hồng Kông thì tôi và ông Lê và nhiều nhà hoạt động dân chủ khác sẽ đứng ra kêu gọi người dân xuống đường biểu tình phản đối nên ngầm chỉ thị cho cảnh sát Hồng Kông ập vào khám nhà cốt để bêu xấu tôi và ông Lê. Rõ ràng là chính quyền Hồng Kông hiện nay đang bị áp lực mạnh của Bắc Kinh.
Về phần ông Lê thì phát biểu rằng tôi yêu tự do, dân chủ nên luôn ủng hộ từ tinh thần đến tài chánh cho bất cứ ai hoạt động chính trị chống lại độc tài chứ chẳng riêng gì nghị viên Lý. Tại sao cảnh sát ập vào khám nhà tôi khi mà những số tiền ủng hộ cho nghị viên Lê đều đã khai với sở thuế.
Một số báo đài Hồng Kông không theo Bắc Kinh loan tin cho hay cảnh sát căn cứ vào một email nặc danh tố cáo ông Lê trong 2 năm trở lại đây đã hiến tặng 40 triệu đồng tiền hồng kông cho các nghị viên thuộc dảng dân chủ mà không khai báo với sở thuế để khám nhà ông Lê. Không một cảnh sát nào khám nhà của người bị tố cáo bởi email nặc danh nên người ta có quyền nghĩ cái email nặc danh đó là của ai đó gởi đến theo lệnh của Bắc Kinh và cảnh sát Hồng Kông đã làm theo lệnh đó.
Thưa quý thính giả, ông Lê Trí Anh là người sáng lập ra hãng Giordano chuyên bán áo quần loại bình dân, hãng này không những làm ăn thành công ở Hồng Kông mà còn ở tại nhiều quốc gia khác, hãng Uniqlo của Nhật bắt chước theo cách kinh doanh của Giordano và cũng đã thành công lớn. Năm 1989, biến cố đẩm máu Thiên An Môn đã làm cho nhà tỷ phú họ Lê này ghê tởm hành động khát máu, giết dân của chính quyền Cộng sản Trung quốc nên bỏ tiền ra lập tờ báo Tần Quả với lập trường chống cộng rõ rệt, tờ báo này mỗi ngày phát hành 300 ngàn số, đứng hàng thứ hai, điều này cho thấy người dân Hồng Kông ủng hộ việc chống cộng. Ông Lê đã góp tiền để xây viện Bảo tàng về biến cố Thiên An Môn ở Hồng Kông nên đối với Bắc Kinh ông Lê là cái gai trước mắt cần phải nhổ. Ông Lê còn là một trong những người kêu gọi mọi người chiếm khu phố trung tâm tài chánh Hồng Kông gần đây để phản đối Bắc Kinh không giữ lời cam kết một quốc gia hai chế độ khi nhận lại nhượng địa này từ tay người Anh vào năm 1997.
Để răng đe ông Lê và những người chủ trương chiếm khu trung tâm tài chánh làm nơi biểu tình, chính quyền trung ương Bắc Kinh và giới chức hành chánh Hồng Kông đã lên tiếng chỉ trích rằng đây là một hành động vi pháp, phá hoại trật tự công cộng và hăm dọa sẽ bắt những người chủ chốt, việc chiếm cứ này phải đòi bồi thường thiệt hại cho các ngân hàng, cho các sàn chứng khoáng, cho các công ty mậu dịch…
Theo các bình luận gia thì kinh tế Hồng Kông nói riêng và Trung quốc nói chung sẽ bị thiệt hại nhiều mỗi khi khu trung tâm tài chánh bị vài trăm ngàn người biểu tình bao vây, điều này chẳng ai muốn, nhưng khổ một nổi là không đấu tranh quyết liệt như vậy thì chẳng bao giờ Bắc Kinh để cho người dân Hồng Kông được quyền tổ chức bầu cử tự do hầu chọn người đứng đầu đặc khu hành chánh Hồng Kông theo ý mình. Chuyện chiếm khu trung tâm tài chánh chưa xảy ra nên vẫn còn hy vọng ông Chưởng quản Hồng Kông khôn khéo giải quyết chứ cúi đầu làm theo lệnh Bắc Kinh là hỏng.