Trước khi vào phần trình bày, giáo sư Tono Oka đã tự giới thiệu mình là người theo dõi rất kỹ về ý đồ xâm lược của Trung quốc ở biển Hoa đông nơi có quần đảo Senkaku của Nhật. Ông nói: Vì cần phải nghiên cứu kỹ nên tôi cũng phải theo dõi chuyện Trung quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam và cách ứng xử của chính quyền và người dân nước này để rút tỉa kinh nghiệm hầu góp phần cho việc bảo vệ quần đảo Senkaku của chúng ta (tức là Nhật Bản). Nhiều người Nhật chúng ta và có lẽ cũng nhiều người khác trên thế giới không sao hiểu nổi tại sao người dân Việt Nam muốn bày tỏ lòng yêu nước qua việc mít-ting, biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược lại bị chính quyền CSVN đàn áp, giải tán và bắt bớ… Giả thử sau cuộc nói chuyện này, nếu chúng ta xuống đường biểu tình phản đối hành động Trung quốc xâm lược quần đảo Senkaku của chúng ta mà bị cảnh sát đàn áp thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nói vậy thôi chứ chính phủ và cảnh sát Nhật chẳng bao giờ dám làm chuyện đó, nhưng chính quyền CSVN thì ngang nhiên đàn áp mà không sợ bị người dân họ lên án là kẻ bán nước hay thế giới chỉ trích về chuyện ngăn cấm người dân biểu tình ôn hòa để nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình.
Đường lưỡi bò mà Trung quốc tự ý vẽ ở biển Đông xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1948 trong phụ đồ bản đồ vị trí các đảo Hải Nam, do cục Phương vực thuộc bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc của ông Tưởng Giới Thạch phát hành. Sau khi Mao Trạch Đông chiếm trọn Hoa lục vẫn tiếp tục xác định lãnh hải của mình ở biển Đông theo đường lưỡi bò này. Đó chỉ là bước đầu chuẩn bị cho âm mưu xâm lược của Trung quốc ở biển Đông, đến ngày 19/01/1974 Trung quốc mới thật sự bắt đầu thực hiện việc xâm lược qua cuộc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ gọi là Tây Sa. Dù cho quần đảo Hoàng Sa đang đặt dưới sự quản lý của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng nó là lãnh đảo của Việt Nam thì ít ra chính quyền cộng sản Việt Nam ở miền Bắc cũng phải lên tiếng phản đối, nhưng họ lại im lặng và có một vài tuyên bố thật là khó hiểu có lợi cho Trung quốc. Sau này mới biết sự im lặng khó hiểu đó, là do Thủ tướng của chính phủ ông Hồ Chí Minh ở miền Bắc thời bấy giờ là ông Phạm Văn Đồng ký một Công hàm gởi cho ông Chu Ân Lai, chấp nhận chủ trương hải phận của Trung quốc là 200 hải lý do Bắc Kinh tự ý tuyên bố. Nên nhớ hải phận của mỗi quốc gia là 12 hải lý, vậy mà ông Phạm Văn Đồng chấp nhận hải phận của Trung quốc tới 200 hải lý, nghĩa là coi như quần đảo Hoàng Sa nằm trong lãnh hải của Trung quốc. Hiện nay người dân Việt Nam gọi cái Công Hàm này là công hàm bán nước, mà cũng phải, vì có cái Công Hàm đó nằm trong tay nên Bắc Kinh tiếp tục tiến chiếm nhiều đảo thuộc quần đảo Trường sa của Việt Nam mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa vào tháng 3 năm 1988.
Trước hành động xâm lược trắng trợn đó, người dân Việt Nam ai cũng muốn xuống đường biểu tình chống Trung quốc xâm lấn biển đảo của họ, nhưng sợ chính quyền Cộng sản Việt Nam đàn áp với hai lý do chính, luật pháp Việt Nam hiện nay không cho phép biểu tình (tụ tập từ 5 người trở lên mà không có giấy phép có thể bị công an bắt nếu họ muốn) và thứ hai là chuyện bảo toàn lãnh thổ đã có chính quyền lo, người dân khỏi phải quan tâm làm gì. Tuy nhiên, trước sự xâm lăng ngày càng leo thang của Trung quốc khiến người dân Việt Nam không thể nào chịu đựng được nữa nên vào mùa hè năm 2012 họ đã tổ chức biểu tình phản đối Trung quốc cho dù biết chắc thế nào cũng bị đàn áp. Đúng như dự tưởng, những cuộc biểu tình đó đều bị đàn áp, mạnh nhẹ còn tùy vào từng vụ khiến cho nhiều người sau này không dám tham gia biểu tình nữa. Lực lượng an ninh Việt Nam tự tín và tự hào trong việc dẹp được tất cả các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược biển đảo Việt Nam, cũng đồng nghĩa với chuyện dập tắt được ngọn lửa yêu nước của người dân chống lại sự xâm lược của Bá quyền phương Bắc, trong khi nhờ vào lòng yêu nước này mà Việt Nam đã giữ được đất nước của họ trước bao nhiêu cuộc xâm chiếm của Trung quốc kể cả 1000 năm bị đô hộ. Một quốc gia sẽ bị tiêu vong khi người dân không dám và không muốn bị lôi thôi khi bày tỏ lòng yêu nước.
Chính quyền Hà Nội tin tưởng là chuyện tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ với Trung quốc sẽ giải quyết được qua đàm phán song phương trong tinh thần hữu nghị 4 Tốt và 16 chữ Vàng. Đàm phán ra sao không ai được biết chỉ thấy rằng lãnh hải của Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, người ngư dân Việt Nam không an tâm ra khơi đánh cá ngay trên hải phận của mình, tàu bè Trung quốc ngang nhiên đi sâu vào lãnh hải Việt Nam và làm mưa làm gió ở đó. Những phần nào chiếm được ở Hoàng Sa và Trường Sa, Bắc Kinh cho xây sân bay, hải cảng, những phần chưa lấy được thì lên kế hoạch thôn tính. Tất cả các việc trọng đại đó, chính quyền CSVN đều biết hết, nhưng vẫn làm thinh. Cho đến đầu tháng 5/2014, khi Trung quốc kéo dàn khoan Hải Dương vào tận thềm lục địa Việt Nam thì chính quyền Hà Nội mới bắt đầu ra lịnh cho các tổ chức ngoại vi của đảng CSVN tổ chức mít-ting, biểu tình vì tình trạng chủ quyền đất nước bị xâm phạm ở biển Đông. Nhưng cuộc mít-ting và biểu tình này không có một biểu ngữ, khẩu hiệu nào được phép nhắc đến Trung quốc. Ngoài ra cũng làm lơ để cho người dân được biểu tình. Trước đây, người dân Sài Gòn không dám biểu tình nay cũng xuống đường mà không bị đàn áp. Thật ra nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam cũng dư biết nếu không có người dân thì chẳng một chính quyền nào có thể giữ nước được trước sự xâm lược của Trung quốc ngày càng mãnh liệt, nhưng họ sợ biểu tình chống Trung quốc trở thành chống chính quyền, nên ngăn chận tối đa.
Cuộc biểu tình của 5000 công nhân ở khu công nghiệp Bình Dương và Hà Tỉnh có bạo động khiến có người bị chết và bị thương, kể cả việc hôi của đã là lý do tốt cho chính quyền CSVN tái ra lịnh cấm biểu tình. Lực lượng công an Việt Nam đông lắm với đầy đủ phương tiện có thể giữ trật tự cho một cuộc biểu tình 5000 người, ấy vậy mà họ án binh bất động vào thời điểm đó để cho nhiều chuyện đáng tiếc xảy ra. Tại sao vậy?, nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam nghi ngờ rằng đó là một kế hoạch thâm độc của nhà nước, họ còn thẩy nhiều nhóm đầu gấu vào cuộc biểu tình để khởi xướng bạo động để tạo ấn tượng bất ổn xã hội hầu có lý do chính đáng ngăn cấm biểu tình. Tại hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Miến Điện vào ngày 13 tháng 5 vừa rồi, ông Nguyễn Tấn Dũng đã lên tiếng chỉ trích Trung quốc về vụ dàn khoan HD981 thì nay đã chuyển hướng quay sang cấm biểu tình chống Trung quốc, bắt các công ty điện thoại di động phải chuyển tải thông điệp cấm biểu tình của ông ta cho tất cả những ai sử dụng Mobile Phone mà không sợ người dân bất mãn. Ngoài ra nhà nước CSVN còn mở chiến dịch bắt nguội những người mà họ muốn bắt vì đòi tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Cứ đổ tội cho những người này là bạo động là người dân Viêt Nam và dư luận thế giới khó mà phản đối được.
Sự nghi ngờ này không phải là vô cớ vì thấy ngay những cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn khác dự định sẽ tiến hành vào ngày chủ nhật 18 tháng 5 bị cấm tuyệt, những nơi bất tuân lịnh cấm vẫn tổ chức biểu tình thì bị đàn áp thẳng tay. Thêm một điều quan trọng khác là dư luận thế giới đang nhiệt tình ủng hộ các cuộc biểu tình của người dân Việt Nam chống Trung quốc xâm lược cũng tỏ ra e dè trước sự bạo động đó và rồi cái anh xâm lược Trung quốc được trở thành nạn nhân trong suy nghĩ của nhiều người. Đó là cái nguy hại nhất cho người Việt Nam trong công cuộc phản đối Trung quốc xâm lược. Một điều hơi đáng tiếc, nhưng cần phải nói ra vì đây là sự thật, số là vào ngày 31 tháng 5 tới đây, Cộng đồng người Việt tại Nhật đã cùng nhiều tổ chức, hội đoàn Nhật sẽ tổ chức một cuộc biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược biển Đông và bành trướng sức mạnh quân sự ở biển Hoa Đông.
Khi vận động thì được sự đáp ứng rất nồng nhiệt của nhiều người Nhật, nhưng sau khi xem tin tức biểu tình phản đối Trung quốc ở Việt Nam có bạo động nên nhiều người hơi e dè. Người Nhật chúng ta phải hiểu rằng Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội này để đòi Việt Nam bồi thường thiệt hại nhằm tuyên truyền với thế giới rằng chính họ mới là nạn nhân. Chúng ta phải nhớ rằng những cuộc biểu tình bài Nhật ở Hoa lục từ những năm 2005 đến bây giờ chính quyền Trung quốc đã làm ngơ, thậm chí còn xúi dục một số người đập phá, cướp bóc tại nhiều xí nghiệp Nhật mà chẳng hề bồi thường một xu cho dù chính phủ Nhật đã nhiều lần lên tiếng đòi bồi thường. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ sử dụng đòn đòi bồi thường này như là một áp lực để kiềm chế chính quyền CSVN không cho người dân biểu tình phản đối Trung quốc. Khi mà Bắc Kinh làm mưa làm gió ở biển Đông thì họ sẽ tiện tay xoay qua xâm lược biển Hoa Đông.
Tại Việt Nam hiện nay, người dân không còn được phép đi biểu tình chống Trung quốc, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh ngừng kế hoạch xâm lược Việt Nam, chính quyền CSVN phải hiểu rõ điều này, ngoại trừ khi muốn nhường tất cả cho Bá quyền Bắc Kinh để duy trì quyền lực của mình.
Kết thúc phần nói về sự xâm lược của Trung quốc ở biển Đông, giáo sư Tono Oka đã nói với cử tọa người Nhật như sau: Chính quyền CSVN cấm người dân biểu tình, nhưng họ không có lực cấm Bắc Kinh xâm lược Việt Nam.