Từ mấy năm qua, nhiều chuyên gia, kinh tế gia hàng đầu thế giới đã đưa ra rất nhiều số liệu để khẳng định rằng thị trường bất động sản ở Hoa lục đang bể bóng, người dè dặt hơn thì bảo rằng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Thế nhưng, những nhà đầu tư hàng đầu về lãnh vực này cũng như báo đài ở Trung quốc vẫn coi như không có chuyện gì xảy ra hay cùng lắm cho đây là một cảnh báo cần lưu ý. Về phía người dân Trung quốc thì nghe những lời dự đoán của các chuyên gia, kinh tế gia hợp lý, nhưng đợi hoài mà vẫn chưa thấy thị trường bất động sản nổ bóng, cùng lắm là có trụt giá đôi chút nên nhiều người cho rằng chuyện dự đoán sai cũng bình thường mà thôi, giống như dự báo thời tiết vậy mà.
Ngày 21/12/2013, trong một cuộc hội thảo về tình hình bất động sản ở Bắc Kinh, ông Hoàng Nộ Ba (Chủ tịch tập đoàn đầu tư bất động sản Trung Thôn Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Trung quốc) khi lên trình bày về tình hình bất động sản ở Hoa lục đã thốt lên một câu như sau làm đông đảo cử tọa tưởng chừng như nghe lầm: Tình hình của Spain ngày hôm nay là của Trung quốc ngày mai. Sau Spain là đến Trung quốc thị trường bất động sản sẽ bị sụp đổ.
Một tuần sau, các tờ báo kinh tế ở Hoa lục trong mục thị trường bất động sản cho đăng một bài viết của kinh tế gia Chu Đại Ô (Ủy viên Thường vụ Hiẹp hội Bất động sản Trung quốc) nói rằng mỗi khi mà thị trường bất động sản bị sụp đổ thì khó mà xây dựng lại. Trong vài năm tới Trung quốc phải chuẩn bị đối phó khi bong bóng địa ốc nổ.
Những người buôn bán bất động sản ở Hoa lục cho rằng ông nói đúng về một cuộc sụp đổ toàn diện chứ ở các tỉnh nhỏ giá bong bóng của thị trường bất động sản đã nổ cách đây mấy năm rồi. Cả hai vị tai to mặt lớn trong Hiệp hội Bất động sản Trung quốc chỉ nói lên một sự thật không thể che dấu được mà thôi. Giá nhà đất vào cuối năm 2013 ở thành phố Ôn Châu thuộc tỉnh Triết Giang chỉ còn phân nửa so với thời kỳ cực thịnh của nó, tuy đã hạ nửa giá nhưng vẫn còn quá đắt so với giá thực tế. Thành phố Thường Châu tỉnh Giang Tô), Quý Dương (tỉnh Quý Châu) , Đại Đồng (tỉnh Sơn Tây)…là những Ôn Châu thứ hai, thứ ba, nghĩa là giá địa ốc tuột dốc như xe không thắng, kéo theo việc mất giá cổ phần thị trường bất động sản niêm yết ở thị trường chứng khoáng Bắc Kinh đến mức báo động.
Theo các nhà hoạt động xã hội ở Trung quốc thì những sinh viên tốt nghiệp đại học, may mắn có việc làm chỉ đủ ăn và thuê phòng trọ chứ làm cả đời không ăn uống gì cả cũng không mua được một căn hộ với giá trên trời. Ai là người có tiền mua nhà ?, ngoại trừ gia đình, thân nhân của những người có quyền lực. Tiền tham nhũng, hối lộ không thể chuyển hết ra nước ngoài thì mua bất động sản, giá bao nhiêu cũng mua là nguyên nhân chính tạo nên thị trường bất động sản bong bóng ở Hoa lục.
Đầu năm 2013, Chủ tịch tập đoàn Trường Giang,(kinh doanh bất động sản) ở Hồng Kông là ông Lý Gia Thành đã bán tống, bán tháo tất cả những bất động sản ở Hoa lục mà tập đoàn này sở hữu thu về được một số tiền khoảng 12,6 tỷ đồng nguyên, chấp nhận lỗ hơn phân nửa để rút chân ra khỏi thị trường bất động sản Trung quốc.
Nợ xấu của tất cả ngân hàng Trung quốc nằm trong thị trường bất động sản rất nhiều, từ các công ty bất động sản lớn cho đến người mượn tiền mua nhà bây giờ không trả nổi. Từ đầu năm 2013, bộ Tài chánh Trung quốc đã chỉ thị cho các ngân hàng nhà nước rằng ngoại trừ những trưòng hợp đặc biệt, kể từ nay không cho bất cứ ai mượn tiền đầu tư hay mua bất động sản. Cái chỉ thị này coi như mở khóa cho giá địa ốc tụt dốc, nhưng không còn cách nào khác hơn, chứ nếu tiếp tục bơm tiền vào lãnh vực này thì nợ xấu ngày càng chồng chất thêm cao, hết đường cứu vãn.
Căn cứ vào con số GDP mà chính quyền Bắc Kinh công bố thì Trung quốc là quốc gia có nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, chỉ thua Hoa Kỳ, nhưng gần 46% con số GDP này chôn vùi trong thị trường bất động sản nên thực chất GDP của Trung quốc thua xa Nhật Bản và Đức quốc.
Phần đông người dân Hoa lục đều bất mãn chính quyền Cộng sản Trung quốc, nhưng không dám đứng lên phản đối vì sợ bị đàn áp, nhưng một phần là do đời sống tương đối khá hơn thời toàn trị Mao Trạch Đông nên nín thở qua sông, bây giờ thị trường bất động sản sụp đổ, kéo theo sự suy thoái kinh tế thì chắc chắn sẽ có bạo loạn xảy ra, đó là dự đoán của các bình luận gia thời cuộc ở Hồng Kông.
Thưa quý thính giả, thật ra giá nhà đất ỏ Việt Nam cũng cao ngất ngưỡng chẳng thua gì tại Hoa lục, bong bóng bất động sản ở Hoa lục đã nỗ rồi còn Việt Nam thì sao ?. Từ tháng 4 năm 2013, ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Phát triển Á châu đã khẳng định rằng bong bóng bất động sản ở Việt Nam hiện nay đã nỗ rồi, thế nhưng cuối năm qua chính quyền CSVN chỉ cho rằng đang gặp khó khăn mà thôi, vì muốn cứu thị trường bất động sản Việt Nam nên chính quyền Hà Nội nói sẽ bơm 30 ngàn tỷ đồng cho những người có thu nhập thấp để mua nhà và hy vọng năm 2014 thị trường bất động sản sẽ ấm trở lại và sau 5 năm sẽ hồi phục. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản ở Sài Gòn thì hiện nay nghe người ta nói thị trường hồi phục, triển vọng hồi phục là không đúng thực chất của vấn đề. Triển vọng hồi phục chỉ có được nếu như các cơ quan, ban ngành có được sự minh bạch, công khai và đúng đối tượng, đúng mục tiêu chứ cứ làm chệch hướng như hiện nay là rất nguy hiểm.
Nếu công khai, minh bạch như mong ước của ông Châu thì Việt Nam đã khá từ lâu rồi, đâu còn chế độ cộng sản độc tài nữa, thưa có đúng vậy không.
Về ông Shaw Run Run, cha đẻ ngành điện ảnh Hồng Kong
Báo chí phát hành ở Hồng Kông dành nhiều trang để nói về ông Shaw Run Run, người được coi là cha đẻ ngành điện ảnh của xứ này vừa mới qua đời. Kính mời quý thính giả lắng nghe qua sự tóm lược của Đan Thanh và Hoàng Đỉnh.
Trong tuàn qua báo chí phát hành ở Hòng Kông, đặc biệt là các tuần san văn nghệ, điện ảnh đã dành nhiều trang nói về ông Shaw Run Run (âm Hán Việt là Thiệu Dật Phu), người được coi như là cha đẻ ngành điện ảnh của xứ này vừa mới qua đời hưởng thọ 106 tuổi.
Nói đến phim ảnh Hồng Kông thì người Việt Nam chúng ta ai cũng biết đến loạt phim võ hiệp vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước do Lý Tiểu Long thủ vai chính, sau đó là loạt phim của tài tử Jackie Chan. Chính những loạt phim này đã đưa ngành điện ảnh Hồng Kông lên đài danh vọng, nhưng rất tiếc nó không phải của hãng phim Shaw Prize Foundation do ông Thiệu sáng lập mà là của nhà sản xuất Chow Man Wai (Châu Văn Hoài), một cánh tay phải và cũng là một học trò của ông Thiệu, nhưng vì bất mãn cách làm phim của ông Thiệu nên bỏ thầy để ra thành lập hãng phim Golden Harvest.
Theo các bình luận gia sân khấu, điện ảnh Hồng Kông thì giấc mộng của ông Thiệu là muốn biến Hồng Kông thành một Holly Wood Á châu chứ không đơn thuần là từng bộ phim võ hiệp cần nội dung hay, chỉ cần đánh trúng thị hiếu của nhiều khán giả là đủ. Từ năm 1958, ông Thiệu thành lập hãng phim Shaw Prize Foundation với nhiều phim trường lớn với hy vọng chế tác những phim hay về nội dung cũng như hình thức rồi phân phối trực tiếp đến các rạp chiếu bóng khắp các quốc gia Á châu hầu cạnh tranh với phim Âu Mỹ. Ông Thiệu rất khắt khe với phim ảnh, bất cứ cảnh nào quay xong nếu như không vừa ý là bắt quay đi, quay lại hoài, nhiều phim đã thành phẩm bị chính tay ông Thiệu đem ra đốt vì cho rằng phim dỡ sẽ làm mất uy tín hãng phim. Có lẽ vì khắt khe quá nên nhiều cộng tác đắc lực, nhiều học trò của ông Thiệu không chịu nổi bỏ hãng Shaw Prize Foundation ra làm ăn riêng. Ý tưởng của ông Thiệu không sai, nhưng khắt khe quá cũng không được, ngay cả Holly Wood vẫn có nhiều phim dỡ. Khi thấy các bộ phim Ký Tiểu Long, Jackie Chan hốt tiền về như nước trong khi mình cố gắng thực hiện những phim có giá trị thì chẳng được khán giả ái mộ nên vào năm 1985 ông Thiệu quyết định không sản xuất phim nữa mà chú tâm vào lãnh vực truyền hình. Nhiều người cho rằng ông Thiệu đã bị chính học trò ông ta đánh bại trong lãnh vực điện ảnh. Lời bình này có thể đúng về mặt kinh doanh, nhưng nếu nói về công lao tạo dựng nền điện ảnh Hồng Kông được như ngày hôm nay thì chính là ông Thiệu chứ không ai khác. Năm 1967, ông Thiệu đã cho thành lập đài truyền TVB, đây là đài truyền hình tư nhân đầu tiên ở Hồng Kông vì nghĩ rằng từ đây là thời đại của TV chứ không phải của phim trường. Ông Thiệu cũng là người đi tiên phong trong lãnh vực truyền hình nhờ đó mà hệ thống đài TV tư nhân ở Hồng Kông phát triển mạnh. Gần cuối đời ông Thiệu đã đem một phần tài sản kếch sù của mình ra làm việc từ thiện, được biết trước đây ông Thiệu là người từng đóng góp tài chánh cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Hồng Kông để giúp người tị nạn Việt Nam. Ông Shaw Run Run rất khó tính đối với nghệ thuật thứ bảy, nhưng lại là người giàu lòng nhân ái.