Ngày 5 tháng 8 vừa qua, ngoài việc đưa tin về chuyện chính quyền Cộng sản Việt Nam siết chặt tự do bày tỏ ý kiến trên mạng Internet bằng Nghị định 72/2013/NĐ/CP, nhật báo Sankei phát hành tại Nhật giải thích cái Nghị định 72 đó cho độc giả biết rằng từ tháng 9/2013, không một ai ở Việt Nam được phép lấy xuống những thông tin đăng trên wibsite của các cơ quan chính phủ, của các cơ quan truyền thông để thẩy lên trên mạng điện tử cá nhân của mình cho nhiều người đọc để cùng nhau chia sẻ ý kiến. Thưa quý thính giả, chỉ cần bấy nhiêu thôi là đủ làm cho người Nhật trợn tròn mắt vì quá đổi ngạc nhiên chẳng hiểu tại sao trong thời đại thông tin điện tử ngày nay mà có cái loại nghị định 72 đó. Để giải thích cho độc giả hiểu, báo Sankei còn viết thêm rằng: Người dân Việt Nam càng ngày càng bất mãn chế độ vì nhiều lý do như tham nhũng, hối lộ, nay cộng thêm với nền kinh tế đang tụt dốc nên chính quyền CSVN sợ rằng người dân sẽ ra mặt chống đối công khai hơn, mạnh mẽ hơn bởi vậy phải ra cái nghị định 72 này.
Cũng trong ngày hôm đó vào lúc 23 giờ, cái Nghị định 72 này cũng được đề cập đến trong mục bình luận thời sự quốc tế của kênh truyền hình Fuji số 8. Theo đài này thì Tổ chức Phóng viên không biên giới thường lên tiếng báo động cho thế giới biết rằng hiện nay ở Việt Nam không có tự do ngôn luận, nhiều bloggers bị bắt giam chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình trên mạng mà những ý kiến đó ngược lại với chính sách của nhà nước, tố cáo chuyện tham nhũng hối lộ trên mạng cũng bị bắt hay ít ra cũng bị sách nhiễu đủ điều. Ngay đến chuyện thông báo kêu gọi người dân biểu tình chống Trung quốc xâm lược biển đảo của Việt Nam cũng bị cấm. Mỗi lần bị tố cáo như vậy là chính quyền Hà Nội đều bát bỏ và khẳng định rằng quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam chẳng hề thua bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Sở dĩ tổ chức Phóng viên không biên giới tố cáo như thế là vì không nắm rõ tình hình Việt Nam, nghe theo những thế lực phản động bịa chuyện ra để vu cáo nhằm hạ uy tín Việt Nam trước dư luận thế giới. Đài số 8 nói rằng bây giờ khỏi cần tổ chức Phóng viên không biên giới, chỉ nội cái Nghị Định 72 đó không thôi cũng đủ tố cáo là Việt Nam dưới chế độ Cộng sản không có tự do ngôn luận.
Các bình luận gia về tình hình thế giới nói rằng nếu bảo cái Nghị định 72 đó có lợi cho chính quyền CSVN thì chỉ là cái lợi trước mắt vì dấu được nhiều người về những chuyện tiêu cực đang xảy ra hàng ngày để mua thời giờ cầm quyền, nhưng cái hại về sau thì không thể nào lường được. Trước tiên là dấu như thế thì chính quyền chẳng bao giờ sửa được những cái sai lầm của mình, hết cái sai này đến cái sai khác cứ chồng chất lên nhau thì thử hỏi tương lai Việt Nam đi về đâu?. Thứ đến là khi chính quyền siết chặt tự do ngôn luận thì chắc chắn chẳng quốc gia nào dám tin vào Việt Nam để trao đổi mậu dịch hay đầu tư nói chi đến chuyện hợp tác trong những lãnh vực khác như trao đổi văn hóa, giáo dục, quân sự…
Mới đây thôi, trong cuộc hội đàm tay đôi giữa hai lãnh đạo Việt-Mỹ tại White House, Tổng thống Obama đã yêu cầu Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân, phải thả các bloggers bị bắt chỉ vì bày tỏ ý kiến của mình trên mạng Internet. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã trả lời ngay là Việt Nam tôn trọng tất cả những quyền căn bản của con người, kể cả quyền tự do ngôn luận. Những người bị bắt chỉ vì họ phạm vào những tội hình sự. Ông Sang trở về nước chưa được mấy ngày thì bộ Thông tin Việt Nam họp báo để giải thích về cái Nghị định 72 vừa được ban hành. Một vị nguyên thủ quốc gia mà nói một đường, làm một nẻo thì thử hỏi ai tin được thành ra những chuyện mà hai lãnh đạo Việt-Mỹ hứa hẹn với nhau vào cuối tháng 7 vừa rồi chỉ là những hứa hẹn mà thôi chứ còn lâu mới thực hiện được, ngoại trừ khi Việt Nam thực tâm cải thiện quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tôn trọng nhân quyền như Miến Điện đang làm.
Khi mà truyền thông Nhật đưa cái Nghị định 72 này ra bàn thì chính phủ Nhật cũng khó mà giải trình với Quốc hội Nhật trong những chính sách viện trợ hay hợp tác với nhà nước CSVN. Đây là một trong những cái hại lớn của Nghị định 72 mà các bình luận gia Nhật đã nêu ra ở trên.
Việt Nam có dám hiệp tác với Nhật ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông hay không ?
Chiều ngày 01/08/2013, Trên trang báo điện tử của Phủ Thủ tướng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghiã Việt Nam đã đưa lên một bản tin nóng cho hay, sáng nay Thủ tướng Nhật, ông Abe Shinzo đã điện thoại sang hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo báo điện tử này thì trước tiên ông Abe chân thành cám ơn những tình cảm tốt đẹp của chính phủ và nhân dân Việt Nam (cám ơn chuyện gì thì không thấy báo điện tử này nói ra, nhưng chắc là cám ơn đã đón tiếp ông Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu năm nay) và ông Abe khẳng định rằng chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ với Việt Nam như một dối tác tin cậy tại khu vực. Đáp lại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt chính phủ và nhân dân Việt Nam chúc mừng đảng Dân chủ Tự do Nhật và Thủ tướng Abe đã giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua. Hai Thủ tướng đã khẳng định sẽ trực tiếp hợp tác chặt chẽ nhằm góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nhật phát triển ngày càng toàn diện và lên tầm cao mới.
Ngay sau khi trang báo điện tử của sở làm ông Nguyễn Tấn Dũng loan tin này đi thì hầu như các cơ quan truyền thông, báo chí tại Việt Nam đều trích đăng hầu phổ biến rộng rãi cho mọi người biết, chứng tỏ sức mạnh ngoại giao của nhà nước CSVN, đến nổi Thủ tướng Nhật phải điện thoại sang hội đàm trực tuyến.
Thưa quý thính giả, chuyện ông Abe, Thủ tướng Nhật, điện đàm với ông Dũng là đúng sự thật, nhưng một Thủ tướng bận rộn như ông Abe khó mà có thì giờ điện sang nói những chuyện chẳng có gì cấp bách như vừa nêu trên. Nếu cám ơn thì ông Abe đã làm ngay sau khi từ Hà Nội trở về Tokyo, chứ mắc mớ gì đến hơn 7 tháng sau mới điện sang cám ơn. Chuyện cám ơn là để cho ông Abe dễ vào đề với hai yêu cầu chính mà báo điện tử của cơ quan chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muốn lờ đi không dám nêu lên. Hai chuyện mà Thủ tướng Abe muốn yêu cầu Việt Nam hiệp tác là :thứ nhất, ông Abe muốn trong nhiệm kỳ của mình phải giải quyết cho xong vụ những người Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc nên yêu cầu Việt Nam đừng cản trở và nếu được thì xin hiệp tác. Yêu cầu thứ hai là hãy cùng Nhật Bản ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Thưa quý thính giả, vào ngày 29 tháng 7, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua một Nghị quyết lên án Trung quốc có những hành động khiêu khích Nhật bằng quân sự tại vùng quần đảo Senkaku. Lẽ đương nhiên là Bắc Kinh một mặt lên án Thượng viện Hoa Kỳ đã xen vào chuyện tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước Trung-Nhật, mặt khác tiếp tục đưa thêm nhiều tàu hải giám, tàu hải quân lẫn máy bay đến vùng đảo Điếu Ngư (Senkaku) để gọi là tăng cường việc kiểm soát lãnh thổ. Trước các hành động khiêu khích đó của Bắc Kinh, Thủ tướng Abe đã tuyên bố trong một phiên họp của Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật vào sáng ngày 01/08/2013 rằng Nhật sẽ cương quyết chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm nhập lãnh hải và đổ bộ lên đảo Senkaku. Điều hiễn nhiên là chúng ta, tức là Nhật Bản, sẽ sử dụng vũ lực để trục xuất nếu người Trung quốc đổ bộ lên đảo Senkaku.
Thủ tướng Abe không chỉ tuyên bố suông mà còn ra lịnh cho bộ Tư lịnh lực lượng tuần duyên phải tăng cường canh phòng cẩn mật, ra lịnh cho bộ Tự vệ Nhật phối trí thêm lực lượng hải quân để sẵn sàng tiếp ứng cho lực lượng tuần duyên khi hữu sự. Sau phiên họp Quốc hội sáng ngày 1 tháng 8, Thủ tướng Abe đã điện đàm ngay với Tổng thống Akino của Philippines để yêu cầu tăng cường hiệp tác nhằm ngăn chận sự bành trướng quân sự của Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Tổng thống Akino đã vui vẽ nhận lời hợp tác ngay vì cho rằng chẳng phải riêng gì Nhật Bản mà Philippines cũng đang bị Trung quốc uy hiếp về biển đảo.
Vì Việt Nam cũng có mối lo như Nhật Bản nên Thủ tướng Abe mới gọi sang điện đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng về chuyện hiệp tác bảo vệ an ninh ở biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng ông Dũng trả lời bằng cách lập lại cái câu Việt Nam không hiệp tác quân sự với bất cứ một quốc gia nào cả trong việc bảo vệ lãnh hải và lãnh đảo của mình. Còn việc giải quyết vụ những người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc thì với tư cách cá nhân, với tư cách một người bạn của ông Abe, tôi sẽ hiệp tác trong khả năng có đưọc của mình. Hai chuyện trên đây đã được đăng công khai trên website của bộ Ngoại giao Nhật, ai cũng có thể vào đọc được cả.
Có nhiều người cho rằng ông Abe đã chọn lầm đối tượng để yêu cầu hiệp tác, không hẵn vậy đâu vì trên tư cách một Thủ tướng, ông Abe phải làm bất cứ điều gì có thể làm được để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Nhật, kêu gọi Việt Nam hiệp tác là chuyện mà ông Abe phải làm. Nếu Việt Nam hiệp tác để đối phó với Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông thì rất tốt còn không thì nhật cũng phải cùng với các quốc gia đồng minh khác ra sức ngăn chận sự xâm lược của Trung quốc.
Xét về phương diện kinh tế cũng như quân sự thì hiện nay Nhật Bản mạnh hơn Việt Nam thế mà Thủ tướng Nhật phải đi tìm sự hiệp tác của nhiều quốc gia khác thì làm sao Việt Nam có thể một mình mà ngăn chận sự xâm lược của Trung quốc được, tại sao không biết lợi dung thế liên kết với các nước để chống xâm lựợc phương Bắc cho được hữu hiệu. Nói là nói vậy thôi chứ chính quyền Cộng sản Việt Nam đâu dám chống lại bá quyền phương Bắc, cứ nhìn việc nhà nước CSVN cấm người dân biểu tình phản đối Trung quốc xâm lược hay chuyện hết lãnh đạo này đến lãnh đạo khác bay sang Bắc Kinh nhận chỉ thị là đủ rõ, Ngày nào mà đảng Cộng sản còn cai trị đất nước thì đừng mong mà đòi lại lãnh thổ và lãnh hải đã bị Trung quốc chiếm.
Thưa có đúng vậy không quý thính giả.